Flappy Bird vẫn là tâm điểm trong hội nghị game thế giới

Hội nghị các nhà phát triển trò chơi điện tử thế giới (Game Developers Conference) đã kết thúc trong tuần qua tại San Francisco, Mỹ với rất nhiều bài thuyết trình, những mẫu chơi thử, tiệc tùng và những ý tưởng mới, nhưng nổi bật nhất vẫn là cuộc tranh luận về trò chơi trên điện thoại di động đình đám của năm qua, Flappy Bird.

Bài viết về Nguyễn Hà Đông trên tờ Rolling Stone hôm 27/3 (Nguồn: Vietnam+)

Bài viết về Nguyễn Hà Đông trên tờ Rolling Stone hôm 27/3 (Nguồn: Vietnam+)

Ở hàng trăm nước, Flappy Bird đã vươn lên vị trí số 1 trong các ứng dụng được tải về cho điện thoại di động và cùng với tác giả của nó, Nguyễn Hà Đông, là chủ đề rất được ưa thích của 22.000 nhà phát triển trò chơi điện tử tại hội nghị. 

Theo bình luận của trang Venture Beat dành cho cộng đồng game, Đông trở thành biểu tượng của gần như tất cả những gì bạn có thể tưởng tượng ra về trò chơi điện tử.

Những tin đồn về sự xuất hiện của Đông ở hội nghị cũng được bàn tán xôn xao.

“Tôi khá chắc là anh ấy có mặt ở đây”, giám đốc điều hành một công ty phát triển trò chơi điện tử cho điện thoại di động nói tại khách sạn W, nơi diễn ra hội nghị. Todd Moore, một nhà phát triển khác, khẳng định đã gặp Nguyễn Hà Đông và chụp ảnh với anh.

Với mỗi người tham gia hội nghị, Flappy Bird lại có một ý nghĩa khác nhau. Nhiều người coi Nguyễn Hà Đông là cảm hứng và hy vọng của những người sáng tác trò chơi điện tử đơn độc, xa lánh các hãng lớn và bất ngờ cho ra đời một sản phẩm ăn khách, một kiểu chuyện cổ tích cho người lớn. Những người khác khoe khoang điểm số cao ngất ngưởng của họ.

Từ góc độ của những doanh nhân, Flappy Bird mang về 50.000 USD doanh thu quảng cáo mỗi ngày, tức 18 triệu USD mỗi năm trên một nhân viên (mỗi mình Nguyễn Hà Đông). Để so sánh, Supercell, nhà phát triển Clash of Clans chỉ kiếm được 4,6 triệu USD mỗi năm trên một nhân viên; và King, hãng chủ trì Candy Crush Saga, kiếm được 2,8 triệu USD/một nhân viên/năm.

Hành động của Hà Đông là hiếm có

Tuy nhiên, Nguyễn Hà Đông đã trở nên ghét bỏ chính trò chơi do anh tạo ra bởi theo anh thì nó gây nghiện, ảnh hưởng không tốt tới nhiều người, đồng thời, nó cũng hủy hoại cuộc sống của anh.

Adam Orth, một cựu nhân viên của Microsoft, bình luận rằng văn hóa cư xử trên internet đang trở nên độc hại với những bình luận nặc danh và là điều cần phải thay đổi, một phần vì nó làm nản lòng những nhà phát triển trò chơi điện tử rất sáng tạo nhưng muốn được riêng tư. 

Nick Fortugno, một nhà phát triển kinh nghiệm ở New York, nói điều đáng buồn nhất về Flappy Bird là không ai tin trò chơi đã tự thân nó trở thành số 1. Nhiều người, có thể vì ghen tị, tin rằng Nguyễn Hà Đông trả tiền cho các hãng quảng cáo để lấy điểm hoặc sử dụng những người tài khoản ảo để tải trò chơi về.

Kate Edwards, giám đốc điều hành Hiệp hội phát triển trò chơi quốc tế, thì ca ngợi Nguyễn Hà Đông vì quan điểm đạo đức của anh: anh nói mình gỡ bỏ Flappy Bird vì có quá nhiều người nghiện trò chơi này. Edwards nói đó là hành động hiếm có của một nhà sản xuất trò chơi điện tử khiến những người chuyên nghiệp phải suy nghĩ.

Theo Vietnamplus
http://www.vietnamplus.vn/flappy-bird-van-la-tam-diem-trong-hoi-nghi-game-the-gioi/251169.vnp