1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

FBI chi hơn 1,3 triệu USD để mở khóa iPhone 5C của kẻ khủng bố

(Dân trí) - Không thể nhờ Apple hỗ trợ để mở khóa chiếc iPhone 5C thu được từ nghi phạm khủng bố, FBI đã phải nhờ công ty bên ngoài để thực hiện điều này với số tiền không hề rẻ. Theo thông tin vừa được chính giám đốc FBI tiết lộ, cơ quan này đã phải chi đến hơn 1,3 triệu USD để thực hiện điều này.

Vụ việc gây tranh cãi giữa FBI và Apple về việc Apple từ chối mở khóa chiếc iPhone đã bị mã hóa của phần tử khủng bố Syed Rizwan Farook, kẻ đã gây ra vụ xả súng tại thành phố San Bernardino (bang California, Mỹ) khiến 14 người chết và ít nhất 21 người bị thương hồi tháng 12 năm ngoái, đã kết thúc hồi tháng 3 vừa qua khi FBI cho biết đã mở khóa được chiếc iPhone này mà không cần sự trợ giúp của Apple.

Tuy nhiên, nếu có được sự giúp đỡ của Apple, chắc hẳn FBI sẽ không mất nhiều thời gian và đặc biệt là chi phí khá lớn để có thể mở khóa chiếc iPhone của Farook.

Nếu được sự giúp đỡ từ phía Apple, có thể FBI sẽ không phải mất quá nhiều thời gian và tiền bạc để mở khóa chiếc iPhone của tên khủng bố
Nếu được sự giúp đỡ từ phía Apple, có thể FBI sẽ không phải mất quá nhiều thời gian và tiền bạc để mở khóa chiếc iPhone của tên khủng bố

Phát biểu tại một hội nghị bảo mật diễn ra tại London (Anh), khi James Comey, Giám đốc FBI, được hỏi rằng FBI phải chi bao nhiêu cho công ty bên thứ 3 để xây dựng công cụ nhằm xâm nhập vào chiếc iPhone đã được mã hóa của khủng bố, ông đã tiết lộ:

“Rất nhiều, nhiều hơn số tiền tôi có thể kiếm được trong thời gian còn lại ở vị trí công việc này, đó là bảy năm và bốn tháng. Nhưng theo quan điểm của tôi, điều này hoàn toàn xứng đáng”, James Comey cho biết.

Mặc dù không tiết lộ chi tiết về số tiền mà FBI đã phải trả, tuy nhiên theo tiết lộ của vị giám đốc FBI thì số tiền mà cơ quan điều tra của Mỹ phải chi trả sẽ lên đến hơn 1 triệu USD. Hiện mức lương của James Comey là 180.000USD/năm, và nếu nhân với khoảng thời gian bảy năm bốn tháng (tương đương 7,3 năm) thì số tiền đó sẽ là 1.314.000USD, một con số không hề nhỏ.

Đây là lần đầu tiên một đại diện của FBI tiết lộ thông tin liên quan đến việc xâm nhập thành công vào iPhone của khủng bố. Trước đó FBI đã từ chối tiết lộ các thông tin như ai là người đã giúp FBI xâm nhập thành công vào iPhone và người đó đã thực hiện điều này như thế nào, liệu việc xâm nhập này có làm ảnh hưởng đến những người dùng khác hay không...

Bản thân Apple cho biết hãng cũng không nắm được thông tin về việc FBI đã khai thác lỗ hổng nào trên nền tảng iOS của hãng để có thể xâm nhập vào iPhone của tên khủng bố. Apple dự định sẽ yêu cầu FBI cung cấp thông tin để có thể vá lại các lỗ hổng bảo mật tồn tại trên iOS.

Trước đó, sau khi xâm nhập thành công vào iPhone của Farook, FBI cho biết cơ quan này đã thu thập được nhiều thông tin quan trọng mà trước đây mình chưa từng nắm giữ, tuy nhiên lại không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Farook có liên quan đến Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). FBI sẽ cung cấp những thông tin thu được từ iPhone của tên khủng bố cho các cơ quan khác của chính phủ Mỹ để sử dụng cho những mục đích khác nhau, như một cách để “không làm lãng phí số tiền hơn 1,3 triệu USD mà FBI đã phải trả”.

Ngày 2/12/2015, Syed Rizwan Farook, 28 tuổi, cùng vợ mình, Tashfeen Malik, 29 tuổi, thực hiên một vụ xả súng tại thành phố San Bernardino (bang California, Mỹ) khiến 14 người chết và ít nhất 21 người bị thương. Cặp đôi này sau đó bị cảnh sát tiêu diệt trong một trận đấu súng trong khi trên đường chạy trốn.

Cảnh sát sau đó thu giữ được một chiếc iPhone 5C bị trong một bãi rác gần hiện trường. Đây là chiếc iPhone thuộc sở hữu của Farook, nhưng đã được mã hóa và cài chức năng tự động xóa dữ liệu sau một số lần nhập sai mật khẩu. FBI tin rằng việc giải mã chiếc iPhone 5C này có thể giúp có thêm những đầu mối đến những kẻ đồng phạm khác của tên khủng bố và những kế hoạch khủng bố khác.

Một Thẩm phán Liên bang sau đó đã yêu cầu Apple phải hỗ trợ các nhà chức trách mở khóa chiếc iPhone 5C của kẻ khủng bố, tuy nhiên, Apple đã từ chối yêu cầu này. Quyết định của Apple đã gây nên nhiều tranh luận trái chiều.

T.Thủy