Facebook lao đao trong khủng hoảng

Thế Anh

(Dân trí) - Trang CNN nhận định Facebook đã gặp phải một bức tường và khó có thể vượt qua nó một cách dễ dàng.

Năm 2012, trước khi phát hành cổ phiếu lần đầu, Facebook đã gặp không ít khó khăn. Thời điểm đó, doanh thu tăng trưởng chậm cùng chi phí tăng cao đã khiến cho công ty tụt lại so với nhiều đối thủ cạnh tranh trong quá trình chuyển đổi sang các thiết bị di động.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 năm, tình thế đã thay đổi. Trong 3 tháng đầu năm 2014, doanh thu của công ty đã tăng 72% so với năm trước, lợi nhuận cũng tăng gấp 3 lần. Sự chuyển đổi thành công sang nền tảng di động là lý do chính giúp cho Facebook trở thành mạng xã hội hàng đầu thế giới.

Facebook lao đao trong khủng hoảng - 1

Facebook ở thời điểm hiện tại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau và khó có thể tăng trưởng (Ảnh: Reuters).

Một thập kỷ sau, Meta (Facebook sau khi đổi tên) cũng đang ở trước một ngã rẽ tương tự. Tuần trước, công ty đã công bố lợi nhuận hàng quý giảm do tình trạng sụt giảm người dùng, cùng với đó là doanh thu dự kiến ảm đạm.

CEO Mark Zuckerberg đã định vị sự kết hợp giữa công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường - được gọi là metaverse - sẽ là một sự đổi mới giúp xoay chuyển mọi thứ, giống như cách mà công ty này đã làm được vào 10 năm trước. Thậm chí, Zuckerberg còn gọi metaverse là "thế hệ tiếp theo của Internet di động".

Tuy nhiên, trang CNN nhận định thời điểm hiện tại có một sự khác biệt rất lớn so với thập kỷ trước. Trong khi công nghệ di động đã là một nền tảng phát triển mạnh ở thời điểm Facebook đang thực hiện sự thay đổi, thì tầm nhìn của công ty về metaverse - một thế giới nơi người dùng sẽ nhập vai vào nhân vật ảo để tương tác với bạn bè - vẫn còn nhiều năm nữa mới có thể trở thành hiện thực.

Hàng trăm triệu chiếc smartphone đã được bán ra vào năm 2012, năm mà Facebook chuyển đổi sự tập trung sang các thiết bị di động. Ngược lại, theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường IDC, ước tính chỉ có khoảng 9,4 triệu chiếc kính VR được xuất xưởng vào năm 2021. Trong đó, các thiết bị Oculus của Meta được cho là phổ biến nhất trên thị trường. Tuy nhiên, có thể thấy rằng công nghệ VR và AR vẫn chỉ đang ở trong giai đoạn phát triển non trẻ.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Meta đang bị đe dọa ở nhiều mặt. Người dùng của mạng xã hội này đang giảm dần và già đi. Quảng cáo - hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty lại bị thách thức bởi hàng loạt thay đổi từ hệ điều hành iOS của Apple. Chưa dừng lại ở đó, công ty cũng gặp phải không ít vụ bê bối, khiến nó liên tục phải chịu sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý.

Tương lai mờ mịt của metaverse

Trong khi Meta đang phải đối mặt với những vấn đề chồng chất ở thế giới thực, Zuckerberg lại đánh cược rằng công ty có thể tạo ra một quá trình chuyển đổi lớn khác trong thế giới ảo. Tuy nhiên, ngay cả Zuckerberg cũng phải thừa nhận một số điều không chắc chắn trong tương lai.

Facebook lao đao trong khủng hoảng - 2

Nhiều chuyên gia nhận định phải mất một thập kỷ nữa metaverse mới có thể thực sự bắt đầu (Ảnh: NyTimes).

Về quyết định chuyển đổi sang metaverse, Zuckerberg nói rằng "mặc dù đã có định hướng rõ ràng, con đường phía trước của chúng tôi vẫn chưa thể xác định một cách hoàn hảo".

Con đường không chỉ không được xác định một cách hoàn hảo, mà còn có rất nhiều rào cản và cực kỳ tốn kém. Theo báo cáo mới nhất của công ty, bộ phận VR và AR của Meta đã tiêu tốn hơn 10 tỷ USD trong năm ngoái.

"Meta đang hy sinh mô hình kinh doanh cốt lõi của mình để theo đuổi metaverse. Việc đặt cược lớn vào metaverse không phải là một điều xấu. Công nghệ này có thể mang tới vô số cơ hội, nhưng sẽ mất ít nhất một thập kỷ nữa để nó có thể thực sự bắt đầu", Rachel Jones, chuyên gia tại công ty phân tích dữ liệu GlobalData cho biết.

Trước đó, công ty cũng đã cố gắng phổ biến công nghệ VR trong nhiều năm. Facebook đã mua lại Oculus vào năm 2014, với kỳ vọng kính thực tế ảo sẽ trở thành "nền tảng giao tiếp mới". Tuy nhiên, công nghệ này chỉ đạt được một số tiến bộ rất nhỏ khi so với sự phổ biến nhanh chóng của các thiết bị di động.

Theo Angelo Zino, chuyên gia phân tích cấp cao tại CFRA Research, các đối thủ của Meta có nhiều lợi thế để cạnh tranh hơn trong quá trình chuyển đổi sang metaverse. Apple có các sản phẩm phần cứng phổ biến hơn, Roblox có các sản phẩm phần mềm hay cơ sở người dùng trẻ tuổi của TikTok và Snapchat sẽ dễ chấp nhận metaverse hơn. Trong khi đó, Facebook hiện nay đã dần trở thành một nơi để giữ liên lạc với người thân lớn tuổi, những người không dành nhiều sự quan tâm với công nghệ VR và AR.

Nhiều vấn đề trong thế giới thực

Một số chuyên gia suy đoán rằng việc Facebook đổi tên thành Meta và tuyên bố dốc toàn lực vào metaverse, chỉ là một giải pháp để giúp công ty thoát khỏi những vấn đề đang phải đối diện trong thế giới thực.

Những thay đổi trong bản cập nhật iOS 14.5 mới của Apple đã thổi bay mảng kinh doanh quảng cáo của Meta, khiến việc theo dõi người dùng trên Internet cho mục đích quảng cáo trở nên khó khăn.

Facebook lao đao trong khủng hoảng - 3

Facebook đã gặp phải một bức tường và khó có thể vượt qua nó một cách dễ dàng (Ảnh: Reuters).

Chưa dừng lại ở đó, điều đáng lo ngại hơn trong tương lai là Facebook sẽ khó có thể có thêm được người dùng mới. Với gần 3 tỷ người dùng đã sử dụng nền tảng này, Facebook phải đối mặt với thách thức là không còn người để có thể chuyển đổi thành người dùng. Sự cạnh tranh gay gắt của các nền tảng khác như TikTok cũng khiến cho người dùng ngày càng ít sử dụng Facebook hơn.

Theo các công bố mới nhất, Meta dự kiến sẽ tăng doanh thu từ 3-11% trong 3 tháng đầu năm 2022. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 48% trong quý đầu của năm 2021. Đây là một dấu hiệu cho thấy công ty đang mất dần thị phần trong không gian quảng cáo. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh quảng cáo hiện vẫn chiếm hơn 99,5% tổng doanh thu của Meta.

Công ty đang đặt cược lớn vào Instagram Reels, một dạng video ngắn tương tự TikTok, như một động lực thúc đẩy doanh thu. Tuy nhiên, các giám đốc cấp cao của Meta cho biết rằng định dạng này khó kiếm tiền hơn các sản phẩm khác.

Nếu ở một thời điểm khác, Meta có thể đã cố gắng tìm cách tăng trưởng thông qua một số thương vụ mua lại, như cách công ty đã làm với Instagram vào năm 2012. Tuy nhiên, không giống như năm 2012, việc bị theo dõi chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý sẽ trở thành thách thức với bất cứ thương vụ mua bán nào của công ty. Trên thực tế, Meta vẫn đang phải đấu tranh với một vụ kiện chống độc quyền về việc mua lại Instagram và WhatsApp.

Theo CNN, Facebook đã gặp phải một bức tường và khó có thể vượt qua nó một cách dễ dàng.

Theo edition.cnn.com