1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Facebook, Google, Apple… bí mật cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ Mỹ

(Dân trí) - Theo một thông tin vừa bị các trang báo lớn phanh phui, Facebook, Google, Microsoft, Yahoo và 5 hãng Internet lớn khác đã bí mật cho phép Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Hoa Kỳ truy cập trực tiếp thông tin khách hàng của họ.

Theo đó, một file slideshow Powerpoint đã bị rò rỉ và được gửi đến cho 2 tờ báo lớn là Washington Post The Guardian cho thấy một chiến dịch có tên gọi PRISM được tiến hành bởi NSA, hợp tác với 9 hãng công nghệ và công ty Internet lớn cho phép NSA truy cập email, tài liệu, hình ảnh và các dữ liệu nhạy cảm, riêng tư của người dùng của 9 hãng công nghệ kể trên. 

Facebook, Google, Apple… bí mật cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ Mỹ
Một slide trong file PowerPoint cho thấy danh sách 9 hãng công nghệ bí mật cung cấp thông tin người dùng cho NSA

File Powerpoint này được gửi đến từ một người tố cáo bên trong nội bộ của NSA. Washington Post xác định nguồn gốc của thông tin này được cung cấp bởi một sĩ quan an ninh NSA, người cảm thấy khủng khiếp đối với chương trình gián điệp này. 

“Họ theo dõi đúng nghĩa đen và xem xét ý tưởng của bạn từ những gì bạn gõ trên bàn phím”, nguồn tin cho biết.

Trong số các hãng công nghệ lớn có liên quan có thể kể đến các tên tuổi như Google, Facebook, Microsoft, Yahoo, PalTalk, AOL, Youtube (thuộc Google), Skype (thuộc Microsoft) và cả Apple đều tham gia chương trình của NSA. Dịch vụ lưu trữ trực tuyến Dropbox được cho là sẽ sớm tham gia vào chương trình này.

Google đã nhanh phóng chủ nhận thông tin trên. Một phát ngôn viên của Google đã nói với 2 tờ báo rằng “Google không mở ‘cửa hậu’ để cho phép chính phủ truy cập  dữ liệu cá nhân của người dùng”. Tuy nhiên, Google đã thừa nhận rằng mình “tiết lộ dữ liệu của người dùng cho chính phủ theo quy định của pháp luật, nhưng chúng tôi xem xét tất cả các yêu cầu đó một cách cẩn thận”.

Phía Apple cũng phủ nhận thông tin này. Một phát ngôn viên của Apple cho biết chưa hề nghe đến thông tin về chương trình PRISM.

“Chúng tôi chưa bao giờ nghe về PRISM. Chúng tôi không cung cấp cho bất kỳ cơ quan chính phủ nào quyền truy cập trực tiếp vào máy chủ của chúng tôi, và nếu cơ quan chính phủ yêu cầu thông tin khách hàng, họ cần phải có lệnh của tòa án”, phát ngôn viên của Apple cho biết.

Phát ngôn viên của Facebook cũng lên tiếng phủ nhận sự việc và đã có thông báo trên trang công nghệ TheNextWeb:

“Bảo vệ sự riêng tư của người dùng chúng tôi và dữ liệu của họ là ưu tiên hàng đầu của Facebook. Chúng tôi không cung cấp cho bất kỳ tổ chức chính phủ nào những dữ liệu được lưu trữ trên máy chủ của Facebook. Khi Facebook được yêu cầu dữ liệu hay thông tin về những cá nhân đặc biệt, chúng tôi sẽ cẩn thận xem xét kỹ lưỡng yêu cầu cho phù hợp với các luật áp dụng và chỉ cung cấp thông tin trong phạm vi yêu cầu của pháp luật”.

Cũng trong động thái tương tự, Yahoo lên tiếng khẳng định không cung cấp thông tin người dùng cho bất kỳ cơ quan chính phủ nào, cũng như không cho phép bất kỳ cơ quan nào quyền truy cập trực tiếp vào các máy chủ hay mạng lưới của Yahoo.

Theo tờ Washington Post, chương trình PRISM đã trở thành nguồn cung cấp thông tin tình báo hàng đầu cho NSA, chiếm gần 15% các báo cáo tình báo và “đóng góp nhiều nhất” cho các buổi báo cáo hàng ngày cho  Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Cũng theo Washington Post, PRISM được xây dựng từ chương trình bí mật theo dõi các thông tin viễn thông dưới thời của cựu tổng thống Gerorge W. Bush trong năm 2007, và được tiếp tục duy trì dưới thời của Tổng thống Obama.

Thông tin về PRISM xảy ra chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi tờ The Guardian xuất bản một thông tin bí mật được khám phá về việc nhà mạng Verizon của Mỹ cung cấp cho NSA dữ liệu điện thoại khổng lồ, gồm thông tin của hàng triệu khách hàng doanh nghiệp.

T.Thủy