1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Facebook chia sẻ thông tin người dùng với các hãng smartphone Trung Quốc

(Dân trí) - Facebook một lần nữa khiến nhiều người dùng cảm thấy lo lắng với dữ liệu cá nhân của mình khi một báo cáo cho biết mạng xã hội này đã âm thầm chia sẻ thông tin của người dùng với hàng chục hãng sản xuất smartphone, trong đó có các hãng lớn như Apple, Microsoft, Samsung hay BlackBerry...

Theo báo cáo từ The New York Times, cách đây 10 năm, Facebook đã thỏa thuận với nhiều hãng sản xuất các thiết bị di động lớn như Apple, Microsoft, Samsung hay BlackBerry... để những hãng này giúp xây dựng ứng dụng Facebook cho smartphone và máy tính bảng cũng như tích hợp mạng xã hội này vào nền tảng do các hãng tự phát triển.

Để các hãng sản xuất smartphone có thể tích hợp chức năng của Facebook vào sản phẩm của mình, đổi lại Facebook sẽ cho phép các hãng này truy cập vào dữ liệu của người dùng thông qua một giao diện lập trình ứng dụng (API) riêng.

Facebook một lần nữa khiến nhiều người dùng cảm thấy lo lắng với những dữ liệu họ chia sẻ lên mạng xã hội này
Facebook một lần nữa khiến nhiều người dùng cảm thấy lo lắng với những dữ liệu họ chia sẻ lên mạng xã hội này

Báo cáo của The New York Times cũng đưa ra ví dụ về cách thức khai thác dữ liệu của API do Facebook cung cấp cho các nhà sản xuất smartphone. Phóng viên của tờ báo này đã sử dụng một chiếc smartphone của BlackBerry sản xuất năm 2013 để đăng nhập vào tài khoản Facebook trên BlackBerry Hub (là nơi chứa tất cả những nội dung về lịch, tác vụ, danh bạ... và thông báo từ các ứng dụng, mạng xã hội mà người dùng có thể truy cập trên BlackBerry).

Sau khi đăng nhập vào tài khoản Facebook, BlackBerry Hub không chỉ khai thác dữ liệu của 556 người dùng Facebook có trong danh sách bạn bè của phóng viên này (bao gồm cả tình trạng quan hệ, tôn giáo, góc nhìn chính trị...) mà còn khai thác thông tin của gần 300.000 người dùng khác có kết bạn với những người có trong danh sách bạn bè của phóng viên này.

Đặc biệt việc khai thác dữ liệu trên Facebook được thực hiện mà người dùng không hề hay biết.

The New York Times khẳng định rằng mức độ truy cập dữ liệu này vi phạm chính sách bảo mật hiện tại của Facebook, vốn chỉ cho phép các ứng dụng bên thứ 3 yêu cầu tên của bạn bè có trong danh sách kết bạn của người dùng. Tuy nhiên với sự cho phép của Facebook, ứng dụng do các hãng smartphone phát triển đã vượt quyền để truy cập được nhiều dữ liệu hơn.

Báo cáo cũng cho biết Facebook đã thực hiện thỏa thuận với ít nhất 60 hãng sản xuất thiết bị di động, nhưng không rõ mức độ truy cập dữ liệu người dùng có sự khác biệt trên từng hãng hay không.

Đại diện của Facebook đã phủ nhận cáo buộc của tờ báo The New York Times và cho biết các thỏa thuận đã được kiểm soát một cách chặt chẽ.

Facebook khẳng định sự cần thiết của thỏa thuận giữa hãng và các nhà sản xuất thiết bị, đồng thời cho biết khi người dùng đăng nhập vào ứng dụng hay dịch vụ có sẵn trên thiết bị, họ có thể tùy chọn có hoặc không chia sẻ dữ liệu của mình trên Facebook. Tuy nhiên The New York Times lại cho rằng thỏa thuận này cũng giống với vụ bê bối Cambridge Analytica khai thác dữ liệu người dùng một cách trái phép, đó là các nhà phất triển bên thứ 3 đang tận dụng các chính sách bảo mật lỏng lẻo của Facebook để khai thác một lượng lớn dữ liệu người dùng của mạng xã hội này mà bản thân người dùng không hề hay biết.

Quan trọng hơn, báo cáo này của The New York Times khiến nhiều người dùng cảm thấy lo lắng về sự riêng tư của họ trên Facebook và khiến mạng xã hội này phải thực hiện thêm nhiều nỗ lực để lấy lại lòng tin từ phía người dùng.

T.Thủy