Elon Musk bị tố nói dối về tác dụng phụ đáng sợ khi cấy chip lên não người

T.Thủy

(Dân trí) - Elon Musk từng tuyên bố quá trình thử nghiệm cấy ghép chip lên não khỉ không gây tác dụng phụ và không có con khỉ nào bị chết, tuy nhiên, sự thật không đúng như vậy.

Ngày 30/1 vừa qua, Nolan Arbaugh, 29 tuổi, đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được cấy chip vào não. Con chip được cấy vào não của Nolan phát triển bởi Neuralink, công ty công nghệ thần kinh học được Elon Musk thành lập vào năm 2016.

Nolan đã bị liệt toàn thân sau một vụ tai nạn nghiêm trọng cách đây 8 năm. Trước khi được cấy ghép chip não của Neuralink, Nolan chỉ có thể cử động phần đầu và cổ.

Sau khi Nolan được cấy ghép con chip do Neuralink phát triển vào não, cuộc đời của anh đã thay đổi và Nolan đã thực hiện được những điều mà tưởng chừng anh sẽ không bao giờ làm được ở hoàn cảnh hiện tại, bao gồm khả năng điều khiển con trỏ chuột, chơi game trên máy tính hay đăng bài lên mạng xã hội… tất cả đều được thực hiện chỉ bằng ý nghĩ của anh.

Elon Musk bị tố nói dối về tác dụng phụ đáng sợ khi cấy chip lên não người - 1

Nolan Arbaugh biết rõ những tác dụng phụ khi cấy ghép chip lên não, nhưng anh vẫn chấp nhận mạo hiểm tiến hành ca cấy ghép (Ảnh: Twitter).

Tuy nhiên, trước khi thực hiện ca cấy ghép chip lên não người, Neuralink đã thực hiện rất nhiều cuộc thử nghiệm khác nhau trên khỉ để đảm bảo con chip này có thể tương thích và an toàn khi cấy ghép vào não động vật.

Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây với tờ báo The Sun, Nolan Arbaugh thừa nhận rằng trước khi thực hiện ca phẫu thuật để cấy ghép chip vào não, anh đã đọc nhiều báo cáo tiêu cực và tác dụng phụ đáng sợ của những con khỉ khi chúng được cấy ghép chip não, điều này đã khiến anh lưỡng lự, nhưng cuối cùng vẫn quyết định thực hiện ca phẫu thuật với hy vọng con chip này sẽ thay đổi tình cảnh của anh.

"Tôi đã đọc rất nhiều thông tin tiêu cực, về tất cả những điều khủng khiếp mà công ty đã gây ra cho lũ khỉ và những tác dụng phụ đáng sợ của chúng khi được cấy ghép chip vào não, chẳng hạn như lũ khỉ tìm mọi cách để lấy con chip ra sau khi cấy ghép, cọ xát đầu xuống đất…", Nolan Arbaugh chia sẻ với tờ The Sun.

Tờ báo này cũng trích dẫn một số tài liệu nội bộ từ Neuralink, bao gồm cả những hình ảnh đáng sợ, về quá trình thử nghiệm cấy ghép chip lên não khỉ, cho thấy những con vật này đã vô cùng đau đớn khi bị khoan hộp sọ để cấy ghép chip lên não.

Một số con khỉ sau khi được cấy ghép chip vào não đã cố gắng cạy phần hộp sọ của mình để tìm cách lấy con chip ra, điều này cho thấy những con vật cảm nhận được sự hiện diện của con chip trong não của mình và cảm thấy khó chịu về điều đó.

Một báo cáo khác cho biết một con khỉ được thử nghiệm đã cố tình chặt đứt ngón tay và ngón chân của mình, cho thấy hành vi bạo lực khác thường của con vật sau khi được cấy chip. Một số trường hợp khỉ bị nôn mửa, thở hổn hển và xuất huyết não sau khi cấy ghép chip.

Sau những báo cáo được The Sun công bố, phía Neuralink đã thừa nhận một số con khỉ đã chết hoặc được công ty an tử sau khi cấy ghép chip vào não. Dù vậy, Neuralink vẫn bảo vệ các quy trình thử nghiệm của công ty và cho rằng những con khỉ bị chết không liên quan đến con chip đã cấy vào não, mà chỉ là sự hung hăng vốn có của loài linh trưởng trong điều kiện thử nghiệm.

Elon Musk cũng đã lên tiếng bảo vệ cho công ty do mình thành lập bằng một bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), khi cho rằng những con khỉ bị chết chỉ là do bệnh hoặc quá già yếu, chứ không phải do cấy ghép chip của Neuralink.

"Không có con khỉ nào bị chết do chip Neuralink. Đầu tiên, đối với quá trình thử nghiệm chip não giai đoạn đầu, để giảm thiểu sự rủi ro cho những con khỉ khỏe mạnh, chúng tôi đã chọn thử nghiệm trên những con khỉ đã cận kề cái chết", Elon Musk tuyên bố.

Báo cáo của The Sun đã khiến nhiều tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng chỉ trích Elon Musk và Neuralink, khi cho rằng công ty này đã có những hành động ngược đãi động vật dã man.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, việc thử nghiệm các công nghệ sinh học mới trên động vật trước khi áp dụng vào con người là điều bắt buộc và những con khỉ đã chết sau khi cấy ghép chip não của Neuralink đã có những đóng góp to lớn cho khoa học.

Dự án Neuralink đã từng gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận và giới khoa học về mặt đạo đức, khi công nghệ này vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều sự rủi ro về khả năng gây ra các tác dụng phụ lâu dài cho người được cấy ghép.

Dù vậy Neuralink vẫn là một công nghệ mới đầy tiềm năng và hứa hẹn sẽ mở ra những hướng đi mới để giúp con người chữa trị những chứng bệnh liên quan đến thần kinh.

Theo Dtrends/SoMag/BGZ