1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Cung cấp Internet tốc độ cao ADSL:

Dùng tiểu xảo dẫn dụ người tiêu dùng

Sau những chiêu giảm giá, khuyến mãi, người dùng Internet tốc độ cao ADSL đã bắt đầu than phiền về chất lượng của dịch vụ này. Tình trạng này cho thấy các nhà cung cấp dịch vụ chưa xây dựng được uy tín bền vững.

Kiểu cam kết... không cam kết gì cả

Những gói cước hiện nay, dù loại có tốc độ nhận/gửi (download/upload) 384/128Kbps, 384/256Kbps, 1024/512Kbps, 1536/512Kbps hay hơn thế nữa, thì đều thấy các nhà cung cấp dịch vụ cam kết "tốc độ kết nối tối đa". Thực chất của sự cam kết này là gì? Là không cam kết gì cả!

Rất dễ hiểu, "hét"  tốc độ tối đa cho kêu để người tiêu dùng dễ nhầm tưởng, còn trên thực tế nếu không đạt được tốc độ ấy thì đã có cách giải thích "chúng em cam kết tốc độ tối đa kia mà, nếu không đạt tới cũng là lẽ thường tình, mong các bác khách hàng thông cảm cho".

Vì vậy, thật dễ hiểu vì sao các nhà cung cấp dịch vụ ADSL hàng đầu VN hiện nay đều lạm dụng câu cam kết trên, luôn in rất rõ  trong các bảng giá cước, hợp đồng, các tờ rơi quảng cáo...

Kỹ càng hơn để khỏi bị bắt lý, có nhà cung cấp dịch vụ còn ghi rõ tốc độ truy cập là "dùng chung". Mà  dùng chung thì đường truyền bị chia sẻ, tốc độ sẽ chậm xuống, lại... cũng là lẽ thường tình.

Một đường ADSL kéo đến khách hàng "hét" tốc độ cả Mbps nhưng có khi download/upload chỉ còn vài chục, thậm chí vài Kbps. Vậy thì, dịch vụ ADSL ở VN hiện nay đã thực sự "rẻ đến không ngờ" như các nhà cung cấp dịch vụ thường hay buông lời? Người dùng Internet VN đã được hưởng giá cước rẻ một cách đúng nghĩa?

Có lẽ dễ chấp nhận hơn nếu cho rằng, đến thời điểm này, người dùng vẫn đang phải sử dụng một loại dịch vụ "rẻ tiền", nghĩa là tiền nào của nấy. 

Khi nào cam kết tốc độ tối thiểu?

Kiểu cam kết tốc độ truy cập tối đa như trên thực sự đã giúp cho nhà cung cấp dịch vụ tránh được không ít trách nhiệm khi bị khách hàng bắt bẻ, phàn nàn. Nhưng chính điều đó cũng cho thấy sự "nơm nớp" của họ về chính chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp. Có thể thấy trong quan hệ mua-bán ở đây, bên bán chưa dám đặt cọc bằng uy tín vlà chất lượng "vàng mười".

Bởi nếu không, nhà cung cấp dịch vụ đã phải cam kết tốc độ truy cập tối thiểu. Như vậy sẽ vừa rõ ràng, sòng phẳng theo đúng quy luật thuận mua vừa bán. Nếu dịch vụ bán ra không đạt được như cam kết tốc độ truy cập tối thiểu, khách hàng sẽ khiếu nại, và với cơ sở cái chuẩn tuyệt đối "tốc độ sàn" rõ ràng như thế thì việc nhà cung cấp dịch vụ phải bồi thường, đền bù vì chất lượng dịch vụ kém cũng dễ giải quyết hơn.

Nhưng vấn đề hiện nay là, các nhà cung cấp dịch vụ có dám đưa ra cam kết này hay không, vì như thế sẽ kéo theo rất nhiều điểm "hở sườn" về mặt lý lẽ về phía họ.

Các mạng thông tin di động đã công bố, để bảo đảm chất lượng dịch vụ  không nên vượt quá 80% tổng dung lượng của mạng. Thế còn bên ngành dịch vụ ADSL thì sao, có cùng nguyên tắc kỹ thuật này hay không? Người dùng rất cần được biết những thông tin này, thay vì cứ bị dẫn dụ vào những cam kết tốc độ tối đa thiếu rõ ràng và không sòng phẳng. Với cách làm ăn như thế, chỉ càng cho thấy rằng các NCCDV chưa đủ "lớn" trong nền kinh tế thị trường.

Theo Thẩm Hồng Thủy

Lao động