Đồng hồ “mất đất dung thân” vì điện thoại di động
(Dân trí) - Allison Elliott thường đeo chiếc đồng hồ vốn là kỷ vật của bà ngoại để lại. Nhưng giờ đây, chiếc đồng hồ chỉ mang tính chất gợi nhớ kỷ niệm những ngày bà còn sống. ĐTDĐ đang lấn át sự phổ biến của đồng hồ một thời là vật bất ly thân của người dùng.
Đồng hồ trên xe hơi, trên hộp TV, trên ĐTDĐ hay thậm chí là biểu tượng nhỏ xíu bên góc phải màn hình máy tính cũng có thể giúp Elliott, 27 tuổi, biết được thời gian trong ngày. “Thực lòng, tôi không thể nhớ lần cuối cùng đeo đồng hồ là khi nào. Hình như là năm đầu trung học”, Paul Dryden - cậu học sinh 21 trường cao đẳng Connecticut - kể.
ĐTDĐ còn có thể thực hiện chức năng là một máy báo thức cho dù ở bất cứ đâu. Đồng hồ trở thành vật thừa đối với nhiều người tiêu dùng vì các thiết bị điện tử khác, như máy nghe nhạc iPod hay máy nhắn tin BlackBerry cũng được trang bị chức năng đồng hồ. Theo các khảo sát, giới trẻ giờ đây dành nhiều thời gian và tiền bạc để tìm mua những vật dụng, như giày dép, túi xách thay vì là đồng hồ.
Khảo sát mới đây của công ty ngân hàng đầu tư Piper Jaffray & Co. nhận thấy, gần 2/3 giớ trẻ không bao giờ đeo đồng hồ. Năm 2006, số tiền người Mỹ dùng để mua đồng hồ chỉ hơn 5,9 tỷ USD, giảm 17% so với 5 năm trước đây.
Một số hãng sản xuất đồng hồ đã tăng thêm nhiều tính năng cho các model đắt tiền đời mới. Mặc dù vậy, đồng hồ đắt tiền, như Rolex chỉ được người dùng sử dụng như là phụ kiện thời trang chứ không phải vì chức năng của nó.
“Tôi không còn dùng đến đồng hồ từ lâu lắm rồi. Tiếng chuông, tiếng rung của điện thoại luôn nhắc nhở cho tôi thực hiện các nhiệm vụ cần làm”, Sean MacPhedran, 27 tuổi ở Ottawa, Ontario (Mỹ), cho biết. “Mặc dù quá lệ thuộc vào tiếng chuông báo thức của điện thoại nhưng thực tế, nó giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống”.
“Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên kỹ thuật số, do đó, tôi có thể hỏi giờ bất cứ ai tôi gặp trên đường dù trên tay họ không hề đeo đồng hồ”, Hoopes, một giáo sư sử học và xã hội của trường ĐH Babson (Mỹ) nói.
T.Vũ
Theo AP