“Đọ” mức cước của 7 mạng di động

Sau hàng loạt cuộc chạy đua giảm cước và ra mắt những gói cước mới của các mạng di động, khách hàng như lạc vào một ma trận. Vậy thực sự mạng di động nào đang có mức cước rẻ nhất?

“Đọ” mức cước của 7 mạng di động - 1


Hiện đã là thời điểm “khoá sổ” của việc các mạng di động đệ trình phương án giảm cước. Câu hỏi đặt ra là tương quan về cước của các mạng di động như thế nào? Để so sánh gói cước của các mạng di động một cách tuyệt đối sẽ rất khó khăn vì nhà mạng thiết kế nhiều gói cước nhắm vào các phân khúc thị trường khác nhau. Tuy nhiên, nếu lấy tiêu chí các gói cước trả trước và trả sau cơ bản sẽ thấy bức tranh giá cước của các mạng di động hiện nay tương đối rõ nét.

 

3 “đại gia”, ai rẻ hơn ai?

 

Khi Viettel mới cung cấp dịch vụ di động, cơ quan quản lý nhà nước đã phải “trói” anh em nhà VNPT để lính mới Viettel có lợi thế cạnh tranh bằng mức cước thấp hơn VinaPhone và MobiFone. Chỉ sau 3 năm thâm nhập thị trường, Viettel đã phát triển nhanh chóng và được “ngồi cùng thuyền” doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế cùng anh em nhà VNPT.

 

Ngày 27/7/2010, Bộ TT&TT đã đồng ý cho Viettel giảm cước di động từ 10-15% theo lộ trình nhà mạng này đưa ra đầu năm 2010. Với việc giảm cước này, Viettel đã có giá cước thấp hơn của anh em nhà VNPT tại thời điểm đó. Không chịu để Viettel “qua mặt”, VinaPhone và MobiFone lại lần nữa áp dụng chiêu thức “phản công” như đã từng “phản công” Viettel trong những lần giảm cước trước để quyết tâm đưa Viettel trở thành mạng có mức cước đắt nhất trong 3 mạng di động lớn.

 

Ngày 30/7/2010, VNPT chính thức công bố mức giảm từ 10 - 15% cước dịch vụ điện thoại di động hai mạng VinaPhone và MobiFone áp dụng từ ngày 1/8/2010 trước đó, hai mạng di động của VNPT là VinaPhone và MobiFone đã có mức cước thấp hơn của Viettel khoảng 10 đồng/phút). Trong lần giảm cước này, VNPT đã tận dụng thế mạnh để giảm cước nội mạng của VinaPhone, MobiFone và mạng cố định nhằm tạo sức hút cho các thuê bao sử dụng nội mạng của VNPT. Bên cạnh đó, nếu so với mức của gói cước cơ bản trả trước và trả sau của Viettel, mức cước mà VNPT đưa ra thấp hơn khoảng 10 đồng/phút và cước thuê bao thấp hơn là 1.000 đồng/tháng.

 

Động thái này cho thấy VNPT đang quyết đấu với các đối thủ khác trong cuộc cạnh tranh quyết liệt hiện nay bằng việc tạo nhiều điều kiện hấp dẫn hơn cho khách hàng của mình. Chẳng hạn, nếu so sánh gói cước trả trước VinaCard của VinaPhone có cước gọi nội mạng là 1180 đồng/phút và ngoại mạng là 1380 đồng/phút thì gói cước Economy của Viettel là gọi nội mạng là 1190 đồng/phút và ngoại mạng là 1390 đồng/phút. Tương tự như vậy, gói cước trả sau của VinaPhone có cước gọi nội mạng là 880 đồng/phút, ngoại mạng là 980 đồng/phút và cước thuê bao tháng là 49.000 đồng/tháng thì gói cước Basic+ của Viettel là gọi nội mạng là 890 đồng/phút và ngoại mạng là 990 đồng/phút và cước thuê bao tháng là 50.000đ/thuê bao. Đặc biệt, gói cước cho đồng nghiệp và gia đình của VinaPhone có mức cước gọi nội và gọi ngoại mạng thấp hơn khoảng 10% so với gói cước tương tự của Viettel.

 

4 mạng nhỏ cước ra sao?

 

Trong 4 mạng di động còn lại là Vietnamobile, S-Fone, EVN Telecom và Beeline thì chỉ có Beeline là mạng di động không có gói cước trả sau. Nếu so sánh gói cước trả sau cơ bản thì thấy 3 mạng Vietnamobile, S-Fone, EVN Telecom có mức cước chênh nhau không nhiều. Chẳng hạn Vietnamobile có cước nội mạng là 900 đồng/phút, ngoại mạng cũng là 900 đồng/phút và cước thuê bao là 50.000 đồng/tháng, trong khi đó gói cước Standard S-Fone có cước nội mạng là 918,2 đồng/phút, cước ngoại mạng là 1001,8 đồng/phút và cước thuê bao là 49.000 đồng/tháng. Tương tự như vậy, gói cước E-Mobile của EVN Telecom đang có mức cước nội mạng là 900,9 đồng/phút, ngoại mạng là 1072,79 đồng/phút và cước thuê bao là 50.000 đồng/tháng. Nếu nhìn vào tổng thể của gói cước trả sau này thì Vietnamobile đang là mạng di động có mức cước hấp dẫn hơn một chút.

 

Nếu so sánh gói cước trả trước thì Beeline có vẻ nhỉnh hơn trong 4 mạng di động do được miễn phí cước nội mạng từ phút thứ 2 đến phút thứ 20 và có mức cước rẻ hơn một chút. Gói cước “sát thủ” BigZero của Beeline có mức cước nội mạng và ngoại mạng đồng loạt là 1199 đồng/phút. Trong khi đó, gói cước VM One của Vietnamobile có mức cước nội mạng và ngoại mạng bằng nhau là 1500 đồng/phút. Trong khi đó gói cước Economy của S-Fone có mức cước nội mạng là 1421,8 đồng/phút và ngoại mạng là 1590 đồng/phút. Gói cước Basic của EVN Telecom có mức cước gọi nội mạng là 1.526,67 đồng/phút và gọi ngoại mạng là 1.708,83 đồng/phút.

 

Nhìn vào con số phân tích các gói cước cơ bản của 3 mạng di động lớn và 4 mạng di động nhỏ có thể thấy các mạng nhỏ hiện nay gần như không nhiều lợi thế về cước so với các mạng di động lớn. Thậm chí gói cước của một vài mạng còn cao hơn cả gói cước của các mạng di động lớn. Tuy nhiên, các mạng nhỏ lại có những gói cước nhắm vào thị trường ngách và có tính sáng tạo cao.

 

Liên tục trong thời gian gần đây, VinaPhone, MobiFone và Viettel liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi tặng 100% thẻ nạp. Việc khuyến mãi này về bản chất lại tiếp tục giảm thêm tới 50% giá cước của các mạng di động này. Đây thực sự là thách thức đối với các mạng di động nhỏ. Cho đến thời điểm này, khoảng cách giữa mạng di động nhỏ và mạng di động lớn vẫn ngày càng gia tăng.    

 

Các mạng nhỏ có ưu thế về mặt chính sách có thể giảm cước nhiều hơn các mạng di động lớn, nhưng lại bị yếu thế về lợi thế quy mô và khấu hao nên khó có thể giảm cước mạnh được.                                            

 

Theo TN

ICTNews