DN Việt chưa biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, thế giới đã bước qua giai đoạn hai

(Dân trí) - Theo báo cáo của IDC, ước tính trong năm 2019, thế giới sẽ chi 1,18 nghìn tỷ USD cho chuyển đổi số, tuy nhiên, nhiều DN Việt Nam chưa biết bắt đầu từ đâu. Trong khi đó, IBM cho biết đã bắt đầu giai đoạn 2 cho quá trình chuyển đổi số.

Theo báo cáo của IDC, ước tính trong năm 2019, thế giới sẽ chi 1,18 nghìn tỷ USD cho chuyển đổi số. Đến năm 2020, thị trường này sẽ mở rộng thêm 67% lên gần 20 nghìn tỷ USD và đến năm 2025, nền kinh tế kỹ thuật số (digital economy) dự kiến sẽ đóng góp 24,3% vào GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp Việt chưa bắt đầu chuyển đổi số còn khá lớn, gấp 1,5 lần so với thế giới. Vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp là không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, chưa tìm được mô hình nào phù hợp với đặc thù của riêng mình; chưa tìm được đối tác đồng hành tin cậy.

Chia sẻ trước báo giới về những nỗ lực của mình trong việc hỗ trợ các DN chuyển đổi số, ông Tan Jee Toon, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam, cho biết: “Giai đoạn 2012-2013, thời điểm tôi đang đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc IBM tại Việt nam, tôi đã chứng kiến sự thay đổi ngỡ ngàng, thần tốc của công nghệ số. Về phía người dùng cũng nhận thấy các điện thoại thông minh, sản phẩm thông minh và các ứng dụng thông minh xuất hiện dày đặc. Trong khi đó,  các doanh nghiệp lại chưa rõ ràng và chắc chắn về chuyển đổi số. Có nhiều thử nghiệm được đưa ra, có những công việc mà bất cứ DN nào cũng trải qua. Sau 5 năm, tôi quay trở lại đây và tiếp tục nắm giữ vai trò Tổng Giám đốc IBM tại Việt Nam thì tôi nhận thấy mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi, tất cả các DN từ tất cả các ngành đã sẵn sàng hơn việc chuyển đổi số”.

Tuy nhiên, theo ông Tan, tại Việt Nam, có một số ngành, như ngân hàng, viễn thông… đã thể hiện sự sẵn sàng hơn nhiều so với các ngành khác. Dù vậy, ông Tan cho rằng, rồi sẽ đến lúc tất cả các ngành đều phải thực hiện chuyển đổi số vì đây là quá trình tất yếu trong sự phát triển của DN.

Ông Tan Jee Toon, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam, cho hay, khi các công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, Internet vạn vật (IoT) và blockchain trở nên phổ biến, tác động kết hợp của chúng đã bắt đầu định hình lại các kiến trúc kinh doanh và các tiêu chuẩn công nghệ. Trong xu thế đó, nhu cầu tất yếu từ mọi doanh nghiệp là hoàn thiện kỹ thuật số để có thể đáp ứng mong đợi của khách hàng cao và đối phó với những rủi ro trong quá trình chuyển đổi.

DN Việt chưa biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, thế giới đã bước qua giai đoạn hai - 1

Ông Tan Jee Toon, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam.

“Trước đây, trong quá trình mà chúng tôi gọi là Chương 1 của chuyển đổi số, nhiều tổ chức đã thử nghiệm AI và chuyển khối lượng công việc đơn giản lên đám mây, họ đã nghiễm nhiên cam kết thực hiện các bước chuyển đổi số cơ bản. Tuy nhiên, kỷ nguyên thực sự của chuyển đổi số là ở thời điểm hiện tại, thời điểm chứng kiến sự thay đổi rõ rệt của cả ngành công nghiệp. Và IBM gọi là Chương 2”, ông Tan nhấn mạnh.

Chương 2 hay còn gọi là giai đoạn 2 là quá trình từ thử nghiệm sang chuyển đổi thực sự, đạt được tốc độ và quy mô trong chuyển đổi kỹ thuật số của các tổ chức.

Theo IBM, ba lĩnh vực cốt lõi rất quan trọng đối với các doanh nghiệp trên đường đến Chương 2.

Thứ nhất là kỹ thuật số và AI: Doanh nghiệp đang theo đuổi hai cách tiếp cận khác nhau để chuyển đổi kỹ thuật số: bên ngoài và bên trong. Cách tiếp cận bên ngoài chủ yếu là do thị trường điều khiển và nhu cầu về các dịch vụ kỹ thuật số mới. Cách tiếp cận từ bên trong là hiện đại hóa các hệ thống cốt lõi và kiến trúc kinh doanh của doanh nghiệp để thay đổi. Hơn nữa, không thể có AI mà thiếu vắng IA (information architechture - kiến trúc thông tin). Điều này là do các công ty cần một nền tảng kinh doanh để kết nối tất cả các dịch vụ kỹ thuật số cũng như quản lý vòng đời của các ứng dụng AI.

Thứ hai là đám mây lai: Để thực sự đạt được chuyển đổi số, các tổ chức cần có cơ sở hạ tầng đám mây nhanh, kết hợp mở, bảo mật và được quản lý, cho phép sử dụng liền mạch các môi trường riêng tư, công cộng và đa đám mây, linh hoạt khi cần, để lưu trữ và vận hành các ứng dụng AI cũng như các giải pháp khác bao gồm tự động hóa, phân tích, blockchain… Chương 2 đề cao việc nhân rộng ứng dụng AI và tạo ra các đám mây lai. Việc đưa mô hình vận hành tất cả các ứng dụng quan trọng này lên đám mây cho phép khách hàng quản lý dữ liệu, các công việc và ứng dụng. Các doanh nghiệp cần công nghệ đám mây mở, cho phép họ di chuyển các ứng dụng và dữ liệu trên nhiều đám mây một cách dễ dàng và an toàn.

Các công ty ngày nay mới chỉ thực hiện được 10-20% trong hành trình đám mây của họ. Các bước đột phá ban đầu trong Chương 1 đã tập trung vào việc sử dụng công nghệ để tính toán theo quy mô doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả và năng suất. 80% cơ hội đám mây tiếp theo tập trung vào việc chuyển các ứng dụng kinh doanh sang đám mây và tối ưu hóa toàn bộ quá trình từ chuỗi cung ứng đến bán hàng.

Thứ ba kinh doanh có trách nhiệm: Chương 2 mang đến những cơ hội mới, nhưng sẽ cần nhiều hơn công nghệ để đạt được sự phát triển và thành công. Các doanh nghiệp phải làm nhiều việc hơn là chỉ tự sáng tạo lại với sự hỗ trợ của kỹ thuật số. Doanh nghiệp cần đóng vai trò là đơn vị kinh doanh có trách nhiệm và xây dựng mức độ tin cậy mới. Điều này có thể được thực hiện bằng cách đảm bảo rằng dữ liệu của khách hàng được bảo mật, khách hàng giữ quyền kiểm soát dữ liệu của họ và họ có thể tin tưởng vào công nghệ AI cũng như các đề xuất của nó. Các doanh nghiệp trong mọi ngành công nghiệp cũng cần quan tâm tới công tác trang bị kiến thức và thực tiễn cho sinh viên và các chuyên gia, nhằm tạo ra thế hệ nhân sự có đầy đủ kỹ năng theo những yêu cầu mới.

Tại Việt Nam, IBM cho biết đã bắt tay với đối tác chuyển đổi số tại Việt Nam bằng cách thức mang các công nghệ của mình để phân tích dữ liệu cho các doanh nghiệp trong các ngành dọc như: y tế, sản xuất, bán lẻ, chính phủ, hàng không, giải pháp tài chính, ngân hàng và kinh doanh.

IBM cho biết cũng đã triển khai nhiều sáng kiến để phát triển lực lượng nhân sự trong tương lai và thu hẹp khoảng cách kỹ năng giữa các quốc gia. Trọng tâm của IBM tạo ra những nguồn nhân lực mới đáp ứng được nhu cầu của kỷ nguyên số. Gần đây vào tháng 10, IBM đã chính thức ra mắt chương trình "New Collar and Skills Accelerator" tại Việt Nam. Thông qua thoả thuận hợp tác này, IBM và ĐHBK HN dự kiến sẽ cung cấp thông tin và kiến thức tới 1.000 sinh viên đang theo học tại trường trong năm học 2019 – 2020. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực triển khai chương trình “New Collar and Skills Accelerator”. IBM dự kiến sẽ đào tạo 200.000 sinh viên tại Đông Nam Á trong thời gian từ nay tới năm 2025.

Minh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm