DN viễn thông nên đầu tư mạnh cho Chính phủ điện tử

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải phân tích, với thế mạnh về hạ tầng truyền dẫn sẵn có, các doanh nghiệp viễn thông hoàn toàn có thể trở thành nhân tố chính trong lĩnh vực Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công....

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết Quý I và triển khai nhiệm vụ Quý II của Tổng công ty viễn thông MobiFone sáng 13/4, Thứ trưởng nhấn mạnh, VN đang đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công thông qua ứng dụng CNTT, với hàng loạt các Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hay Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử... đặc biệt là trong giai đoạn 2016-2017.

DN viễn thông nên đầu tư mạnh cho Chính phủ điện tử - 1

Hơn nữa, với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương khuyến khích thuê dịch vụ CNTT trong các cơ quan nhà nước để tối ưu hóa nguồn lực, thị trường cung cấp dịch vụ CNTT đang mở ra rất nhiều cơ hội.

Nhưng để phát triển Chính phủ điện tử thì ngoài hạ tầng còn có một mảng nữa cũng rất quan trọng là ứng dụng CNTT, ông Hải phân tích. Việc ứng dụng CNTT có nhiều mức, từ mức tương đối hệ thống cho đến các bài toán ứng dụng riêng rẽ.

"Sau khi làm việc với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ và Ủy ban quốc gia về Ứng dụng CNTT, chúng tôi rất mong các doanh nghiệp viễn thông sẽ không chỉ đầu tư hạ tầng truyền dẫn mà kể cả phần mềm hệ thống lẫn cung cấp các bài toán ứng dụng cơ bản làm nền tảng... Các doanh nghiệp viễn thông sẽ là nhân tố chính tham gia vào Chính phủ điện tử", Thứ trưởng nêu quan điểm.

Hiện tại, hai nhà mạng Viettel và VNPT đang đầu tư khá tích cực vào lĩnh vực CNTT này, thậm chí còn xác định đây là một hướng kinh doanh chiến lược mới trong bối cảnh doanh thu từ viễn thông bắt đầu bão hòa. Về phần MobiFone, tuy xuất phát muộn hơn, song nhà mạng này cũng đã bước đầu tham gia vào lĩnh vực CNTT, thông qua những dự án như nghiên cứu, thiết kế Cổng dịch vụ hành chính công quốc gia.

Tuy vậy, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải lưu ý rằng, mảng ứng dụng CNTT đòi hỏi MobiFone trong thời gian tới cần có một bộ phận riêng, chuyên nghiên cứu và tham gia kinh doanh nếu như muốn cạnh tranh được với các doanh nghiệp viễn thông lớn. "Nếu MobiFone không có một giải pháp cụ thể, một bộ phận nghiên cứu riêng thì việc tham gia trong 5 năm tới sẽ khó khăn. Đề nghị Tổng công ty phải có những đầu tư ban đầu, nghiên cứu tham gia được gì trong Chính phủ điện tử, không chỉ ở cấp quốc gia mà cả ở cấp địa phương (các tỉnh, thành, thậm chí là cấp xã như mong muốn của Chính phủ). Nói cách khác, đây là một thị trường vô cùng lớn".

Trước đó, trong báo cáo sơ kết QI/2016, MobiFone cho biết trong ba tháng đầu năm, nhà mạng này đã phát triển được hơn 6 triệu thuê bao mới, đạt doanh thu 8315 tỷ và lợi nhuận sau thuế hơn 1100 tỷ.

Theo Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm