Điện thoại Siêu rẻ chính thức ra mắt, "đe dọa" cửa hàng nhỏ lẻ?
(Dân trí) - Đánh vào phân khúc dưới 8 triệu đồng, giá rẻ hơn 10% so với "người anh" Thế giới Di động, cửa hàng Điện thoại Siêu rẻ đang khiến sự cạnh tranh của thị trường di động trong nước trở nên nóng bỏng hơn đáng kể.
Cố "ôm trọn" phần còn lại của thị trường
Không quá rình rang trong việc ra mắt một thương hiệu kinh doanh mới cũng như tiết lộ về chiến lược kinh doanh nhưng hệ thống Điện thoại Siêu rẻ, chính thức mở cửa từ hôm nay 8/8 đang thu hút sự chú ý lớn từ giới kinh doanh trong nước.
Theo thông tin mà Dân trí có được, thương hiệu con của Thế giới Di động sẽ đi theo quy mô cửa hàng có diện tích nhỏ, 2 nhân viên tư vấn, không có bàn ghế tiếp khách, không phục vụ Wi-FI và không có bảo vệ giữ xe. Chiến lược này nhằm mục đích cắt giảm chi phí và đưa mức giá sản phẩm thấp nhất có thể về đến tay khách hàng.
Hệ thống này cũng sẽ mở xung quanh cửa hàng chính, trong khu dân cư, giá sẽ rẻ hơn 10% so với giá bán tại cửa hàng chính Thế giới Di động.
Cũng sáng nay, website dienthoaisieure.com cũng đã chính thức đi vào hoạt động. Khảo sát nhanh của Dân trí, các sản phẩm đang bán tại đây hầu như ở dưới 8 triệu đồng và mức giảm từ 10, thậm chí là 15% so với giá bán ở Thế giới Di động. Đây thực sự là một sức ép đủ lớn đối với các hệ thống nhỏ hơn.
Theo một đại diện hệ thống bán lẻ có tiếng tại TPHCM, phân khúc mà chuỗi mới của Thế giới Di động lựa chọn đánh thẳng vào "miếng bánh" của các hệ thống nhỏ hơn. "Về giá, có thể nói mức giá Điện thoại Siêu rẻ đang thấp hơn các hệ thống nhỏ đang cùng kinh doanh các mặt hàng này. Trong khi giá bán trước đó các hệ thống nhỏ lợi thế hơn vì cắt đi nhiều lợi nhuận cũng như quà tặng, giúp khách mua sắm dễ hơn", vị này nói.
Một điểm quan trọng mà vị này đưa ra đó hướng chọn phân khúc mà chuỗi mới này đang làm, đánh vào trọng tâm của thị trường Việt. Phân khúc dưới 10 triệu đồng, đặc biệt là khoảng giá 7-10 triệu đồng và 5-7 triệu đồng là phân khúc đang "hot" nhất tại Việt Nam. Tổng sản phẩm bán ra trong một tháng của hai phân khúc này cộng lại gấp đến 6 lần phân khúc trên 15 triệu đồng và thậm chí gấp đến 10 lần với phân khúc từ 10-15 triệu đồng. Chưa kể, phân khúc dưới chuỗi này cũng kinh doanh, coi như đánh thẳng vào trọng tâm của thị trường, gây sức ép không hề nhỏ cho các chuỗi nhỏ để tồn tại.
Chuỗi nhỏ có chết không?
Theo một đại diện bán lẻ khác, đến thời điểm này, thị trường di động trong nước được xem như đã vào quỹ đạo khi những hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã gần như bị "xóa sổ" vài năm qua trước sức ép của các ông lớn như Thế giới Di động hay FPT Shop. Thị trường này đang tồn tại giữa cuộc chơi giữa những hệ thống bán lẻ lớn và các hệ thống nhỏ hoạt động chuyên nghiệp, bài bản hơn, cạnh tranh về giá, về hậu mãi. Một ngách nhỏ cho các cửa hàng nhỏ lẻ đó là mặt hàng iPhone xách tay, iPhone đã qua sử dụng, nơi mà những cửa hàng lớn chưa thể đụng đến.
Câu hỏi được đặt ra, khi thương hiệu Điện thoại Siêu rẻ mở rộng quy mô, xây dựng cửa hàng liên tục, có khiến một phần còn lại của thị trường sẽ "xóa sổ" theo, tương tự cách mà các hãng lớn đã làm với hộ kinh doanh nhỏ lẻ? Hầu như các đại diện nhà bán lẻ nhỏ đều cho rằng, đó là điều không thể!
Vị đại diện một hệ thống trên cho rằng, giá chỉ là một yếu tố quyết định đến việc mua máy hay không, nó còn đi kèm đằng sau là chính sách hậu mãi, chăm sóc khách hàng cũng như các dịch vụ đi kèm khác. "Trong những năm qua, hệ thống tôi tồn tại trước sức ép lớn của thị trường, đó là sự thay đổi về cách chăm sóc khách hàng, giá mềm hơn một chút và hỗ trợ khách hàng liên tục khi gặp sự cố sử dụng. Do đó vấn đề chăm sóc khách hàng vẫn là điều mà người dùng cần chứ không phải câu chuyện về giá", vị này nói.
Nói thêm, vị này đơn cử một ví dụ, nếu mua một chiếc điện thoại giá rẻ hơn 500 ngàn đồng nhưng với cách mà Điện thoại Siêu rẻ đang làm với 2 nhân viên tư vấn, không có bàn tiếp khách, không Wi-Fi thì khác nào đặt hàng online trên các trang thương mại điện tử đang khuyến mại mạnh để kích thích mua sắm. Trong khi mua tại hệ thống chuỗi nhỏ hơn giá sẽ cao hơn chút xíu nhưng không cao hơn giá các chuỗi lớn và được tư vấn sử dụng, cài đặt, dán màn hình, được mời nước, ăn bánh... được chăm sóc tận tình thì nó sẽ khác hoàn toàn.
Tuy nhiên vị này cũng cho biết, trước sức ép của thị trường ngày càng khắc nghiệt, các chuỗi cũng sẽ có động thái cắt giảm một số chi phí, kiện toàn lại bộ máy để giảm chi phí nhưng vẫn nâng cao chất lượng dịch vụ để chăm sóc khách hàng, hòng giữ chân khách trung thành.
Một chủ cửa hàng có khoảng 7 cửa hàng ở TPHCM cũng cho biết: "Sau 10 năm tồn tại trên thị trường, tôi cảm nhận rằng chưa bao giờ dịch vụ chăm sóc khách hàng là điều mà khách hàng mua sắm các thiết bị di động quan tâm như vài năm trở lại đây. Họ cần được tư vấn, được chăm sóc "tận răng" và giá chỉ là một yếu tố phụ. Tôi luôn hướng dẫn cho các nhân viên, làm gì thì làm, phải chân thật với khách hàng và xem như mình đang tư vấn, bán hàng cho người nhà của mình. Từ đó khách hàng sẽ cảm nhận và tin tưởng cửa hàng cũng như mua sắm sản phẩm". Do đó, việc "làm giá" sản phẩm cũng chưa thể nói tác động lớn đến các cửa hàng, các chuỗi nhỏ cũng đã học được rất nhiều bài học khi sự xuất hiện của các hệ thống lớn trong hơn 10 năm qua.
Có một vấn đề mà các chuỗi nhỏ cũng đặt hoài nghi về sự thành công của chuỗi Điện thoại Siêu rẻ. Hầu như đều nói rằng, Thế giới Di động chiếm được tình cảm của khách hàng đó là dịch vụ chăm sóc khách hàng cực kỳ bài bản, từ khâu giữ xe cho đến tư vấn cũng như bán hàng... Việc cắt đi những dịch vụ thiết yếu như vậy chỉ để giảm giá bán, nó đang đánh mất đi bản sắc riêng của công ty này. Phải chăng thị trường di động đang rất khó khăn, dậm chân tại chỗ khiến cho các chuỗi lớn phải thay đổi để gia tăng doanh thu?
Hiện tại, Điện thoại Siêu rẻ mới có 1 cửa hàng tại TPHCM và lộ trình mở rộng vẫn chưa được người đứng đầu công ty này tiết lộ.
Gia Hưng