Điện thoại đa hệ điều hành - cần hay không?

(Dân trí) - Với người dùng bình thường, một chiếc điện thoại có thể chạy song song 2 hệ điều hành có thực sự là cần thiết không? Cùng Dân trí điểm qua những thông tin chính và các nhận định từ phía các chuyên gia tại Việt Nam

HTC HD2 có thể chạy song song 2 hệ điều hành.
HTC HD2 có thể chạy song song 2 hệ điều hành.

Chiếc điện thoại có thể chạy song song hai hệ điều hành (Dual Boot) hiện không mới mẻ so với người dùng hiện nay. Có thể bạn vẫn nhớ đến một cái tên huyền thoại mà bất cứ ai cũng đã từng nghe qua là HTC HD2. Ngoài việc có thể chạy Windows Mobile, qua tay các lập trình viên, chiếc HD2 còn có thể sử dụng nền tảng Android của Google, một thời làm sóng gió trên các cộng đồng mạng. 

Mới đây, vào đầu năm 2014, thông tin về chiếc điện thoại có thể chạy song song hai hệ điều hành cũng đã được lộ diện người tiêu dùng. Một thương hiệu đến từ Trung Quốc mang tên NEO đã thương mại hoá chiếc M1 - chạy được Windows Phone và Android, nhận được nhiều khen ngợi từ phía người tiêu dùng. 

Đặc biệt hơn, ông trùm trong ngành phần mềm Microsoft nổi đình nổi đám với thương vụ mua lại Nokia cũng đã bắt tay và sắp cho ra mắt chiếc X2 - một phiên bản nâng cấp và thay thế Nokia X1. Điểm ấn tượng nhất từ X2 là máy có khả năng chạy song song cả Windows Phone lẫn Android. Cụ thể, theo một bài viết được chia sẻ trên Secret, một mạng xã hội được thiết kế đặc biệt để chia sẻ các thông tin (chính xác và cả không chính xác) dưới dạng ẩn danh, thì Nokia X2 sẽ có khả năng chạy song song cả Windows Phone lẫn Android, và đặc biệt sản phẩm hỗ trợ cả kho ứng dụng Google Play. 
 
Về cơ bản để tận dụng những cải tiến của cả hai nền tảng sẽ giúp người dùng có thêm nhiều lựa chọn trải nghiệm hơn, với những sản phẩm chạy đa nền tảng thì lợi ích của việc sử dụng song song hai nền tảng là sự thú vị và kinh tế. Người dùng có thể trải nghiệm hai hệ điều hành trong một cấu hình duy nhất và giá của một thiết bị. Nhưng xét về góc độ sẽ phổ biến thì theo đánh giá chung của các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam, thì một chiếc điện thoại hỗ trợ đa nền vẫn không phải sự lựa chọn tốt. 

Anh Ngô Duy Thành - phóng viên CNTT cho rằng, việc tung ra sản phẩm có thể chạy song song 2 hệ điều hành đơn thuần chỉ mang tính phô trương công nghệ, lấy thử để marketing nhiều hơn là mang lại lợi ích thực sự cho người dùng. Theo anh Thành thì cái gì chuyên sẽ tốt hơn, khi 1 sản phẩm người ta phải chia nó ra làm 2 để đảm bảo từng trải nghiệm trên từng hệ điều hành đều hoạt động được thì phần tối ưu hóa cho từng cái sẽ kém hơn so với những máy chạy riêng biệt. Anh cũng tỏ ra hoài nghi rằng nhu cầu của người dùng họ có cần đến 1 sản phẩm đa tài như thế không?

Đồng quan điểm, anh Huỳnh Thanh Phi, trưởng phòng truyền thông điện thoại Việt Q-Mobile cho biết: "Smartphone lưỡng OS là ý tưởng nhiều thương hiệu đã và đang nghiên cứu, trong đó có cả Q-Mobile. Tuy nhiên, khi bạn ra mắt một sản phẩm mới, ngoài việc thể hiện tính tiên phong, sự sáng tạo... còn phải cân nhắc liệu người tiêu dùng có thực sự cần hay không! Đối với góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng smartphone lưỡng OS khó thành công. Thứ nhất: người dùng không sử dụng hết công suất và chức năng của máy. Thứ 2: Mỗi một OS có thao tác khác nhau, khó để có thể nhuần nhuyễn được cả 2. Thứ 3: phần cứng đáp ứng cho cả 2 OS cũng hoạt động phải đủ mạnh, do đó giá sản phẩm có thể sẽ cao. Chúng ta đã chứng kiến các điện thoại có IP68, chống nước, chống va đập... nhưng thực tế, các sản phẩm này không được phần lớn người tiêu dùng lựa chọn. Smartphone lưỡng OS cũng gần tương tự như vậy. Chỉ khi nào, nhu cầu sử dụng những tính năng mới này đạt công suất trên 70% thì sản phẩm mới có thể thành công."

Trong khi đó, về góc nhìn của một lập trình viên, anh Tăng Thiên Hải, BlackBerry Developer Trainer nhấn mạnh rằng, Điện thoại Dualboot không có lợi gì cho lập trình viên. 

"Nếu thiết bị nào đó có thể chạy được hệ điều hành nào đó mà lập trình viên đang có ứng dụng, trò chơi phát triển cho nền tảng đó thì họ sẽ cân nhắc trên nguyên tắc chung là: họ có cần thiết phải hỗ trợ chơ thiết bị đó hay không. Việc nên hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc có nhiều người dùng đang sử dụng thiết bị đó có yêu cầu hỗ trợ hay không.Thông thường thì các yếu tố độ phân giải, sức mạnh của thiết bị sẽ ảnh hưởng tới ứng dụng/trò chơi. Như vậy quyết định hỗ trợ hay nó tự tương thích là tùy vào lập trình viên nào đó. Lợi hay không lợi là tùy vào nhu cầu cần hỗ trợ của thiết bị đó. Việc chạy 2 hệ điều hành không có ảnh hưởng gì lắm vì về cơ bản, đã là lập trình viên nghiêm túc trong việc phát triển ứng dụng/trò chơi là công việc chính thì họ phải đầu tư hay mượn thiết bị mà họ muốn sản phẩm của họ chạy tốt để test.Việc chạy dc 2 hệ điều hành không có nghĩa là họ không cần mua 2 thiết bị chạy 2 hệ điều hành khác nhau, mà thực tế, họ cần mua/mượn tất cả các thiết bị nào mà họ muốn hỗ trợ cho app/game của họ." Anh Hải lý giải thêm.
 
Như vậy với những thông tin trên và hướng tới tương lai xa hơn, xu hướng một thiết bị sử dụng đa nền tảng sẽ được phổ biến nhưng về phía người tiêu dùng có đón nhận được hay không sẽ là vấn đề thời gian. 

Quốc Phan