Dịch vụ nhắn tin - đủ trò câu khách
Không phải đợi đến mùa World Cup 2006, các dịch vụ nhắn tin đã tràn lan từ hơn năm nay. Ban đầu, chỉ là các chương trình nhắn tin trúng thưởng hoặc dịch vụ cung cấp thông tin thiết thực, lành mạnh nhưng sau đó thị trường dịch vụ mới mẻ này đã có những biến tướng thiếu lành mạnh.
Nào là xem bí ẩn vận số theo ngày tháng năm sinh; xem sự hợp nhau giữa bạn và “người ấy” theo ngày tháng năm sinh; giải đáp giới tính; giải đáp chuyện phòng the… Ngoài ra, các chương trình nhắn tin trúng thưởng cũng được khai thác triệt để, như chương trình chọn một số để gửi tới hộp thư xem có trúng thưởng hay không, hoặc soạn tin nhắn để nhận lại chữ hay hình ảnh dự thưởng…
Một dịch vụ được rao khá hấp dẫn là nhắn tin “biết ngày sinh, cưa là đổ”, của hộp thư 8277. Chúng tôi gửi tin nhắn đến hộp thư này, và nhận được tư vấn: “Người sinh ngày 21/3 – 19/4 thuộc chòm sao Dương Cưu, thích cạnh tranh và đam mê thể thao, thích dã ngoại, phiêu lưu. Khi bạn kích thích được sự năng động trong họ thì trái tim họ sẽ bắt đầu loạn nhịp. Và nếu cái hôn đầu bạn hôn họ dưới một tán cây hay bên đống lửa sẽ làm thổi bùng mọi cảm xúc trong họ”!.
Hình thức nhắn tin trúng thưởng còn bị lạm dụng trong các lĩnh vực ca nhạc, điện ảnh, phim truyền hình. Ví dụ, khi xem bộ phim Thất Kiếm phát trên HTV vừa qua, màn hình TV xuất hiện dòng chữ: bộ phim Thất kiếm có phải dựa theo tác phẩm của nhà văn Lương Vũ Sinh? Mời gửi tin nhắn 1/ đúng, 2/ sai đến số xxxxxxx!
Ăn theo World Cup
Vào mùa World Cup 2006, thị trường dịch vụ nhắn tin càng nóng lên với hàng loạt chương trình được bày ra. Ở hộp thư 8477 có chương trình dự đoán tỷ số chung cuộc và thời điểm ghi bàn thắng mở tỷ số, với giải thưởng 10 triệu đồng/trận. Ở hộp thư 998 có chương trình dự đoán với tổng trị giá giải thưởng là 214 triệu đồng cho cả mùa World Cup, ở hộp thư 8330 quảng cáo có 160 cơ hội nhận ngay từ 1 đến 30 triệu đồng… Một số hộp thư khác, không đưa ra các chương trình dự đoán cũng cố tạo chút “hơi” World Cup như gửi tin nhắn đến số 8388 nhận ngẫu nhiên một trong tám chữ: “niem tin chien thang vo dich world cup”, với các giải thưởng được rao là từ 500 ngàn đến 30 triệu đồng…
Người ta còn khéo khai thác khách hàng có máu đỏ đen bằng hình thức đổi tin nhắn lấy điểm để đặt cược, như ở các trang web: http//worldcup.vietnamnet.vn;http//dudoan.vietnamnet.vn; http//www.nhathongthai.com.vn;http//go.vietnamnet.vn; http//cup.vietnamnet.vn…
Mức thưởng tại các chương trình dự đoán này cao hơn các chương trình nhắn tin thông thường, nơi thì quảng cáo giải đặc biệt trúng xe hơi trị giá 450 triệu đồng, nơi thì quảng cáo “dzô tiền tỷ”! Như ở trang web Siêu đoán World Cup tại địa chỉ http//www.nhathongthai.com.vn, người chơi nhắn tin đến 8577 hoặc 8777 để nạp điểm vào tài khoản gốc, rồi dùng số điểm đó đặt cược. Ai có tổng số điểm thưởng sau khi thắng cược cao sẽ được trao các giải thưởng có trị giá từ 1 đến 30 triệu đồng. Thử vào chơi tại các chương trình này, chúng tôi nhắn tin thấy chỉ đổi được vài nghìn điểm. Như vậy, nếu muốn có hàng triệu điểm hòng giành chiến thắng, số lượng tin nhắn mà mỗi người chơi phải gửi tới tổng đài là rất lớn.
Nhắn tin trúng thưởng hay... mất tiền?
Thông thường, người nhắn tin dự đoán hay cung cấp thông tin sẽ phải trả 1.000 -3.000 đồng, truyện cười 5.000 đồng, còn nhắn tin tải hình ảnh hoặc bài nhạc về thì trả cước theo dung lượng của hình ảnh hoặc bài nhạc đó. Vì doanh thu của các doanh nghiệp tổ chức chương trình nhắn tin phụ thuộc vào số lượng tin nhắn gửi đến hộp thư, nên họ tung ra đủ trò như nêu ở trên.
Điều đáng lo ngại là những đoạn “tư vấn” được các nhà cung cấp “cóp nhặt đông tây” thoải mái gửi cho người nhắn tin, mà chẳng ai kết tội họ đã tư vấn sai đâu?! Bên cạnh đó, nhắn tin… trúng thưởng đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy toàn nhắn tin… mất tiền. Ông PH.H Vân, chủ nhân số máy 0907568145 gửi tin nhắn dự đoán kết quả World Cup tới dịch vụ 8383, theo mẫu WC 03628, ông nhắn sai mà vẫn bị tính 3.000 đồng/tin nhắn.
Chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM về những biến tướng đáng lo ngại trong thị trường dịch vụ nhắn tin. Ông Hà cho rằng phạm vi quản lý nhà nước về nội dung của dịch vụ này thuộc ngành văn hóa thông tin.
Còn phía Sở Văn hóa-Thông tin TPHCM, ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Phòng Thông tin cho biết: “Trước mắt sẽ xử lý các quảng cáo vi phạm theo Nghị định 56-CP. Sở VH-TT cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra các máy chủ cùng các nội dung họat động của các nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý ngay”.
Theo SGGP