Đĩa CD trắng chính hãng sẽ "tuyệt chủng" tại Việt Nam?

(Dân trí)- Dự thảo nghị định về sản xuất, xuất nhập khẩu và lưu hành đĩa quang tại TP.HCM được Cục Bản Quyền tác giả đưa ra lấy ý kiến đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Một trong những lý do chính đưa ra nghị định này - theo lời ông Vũ Mạnh Chu, cục trưởng cục Bản quyền tác giả - là nhằm kiểm soát việc sao chép tự do các tác phẩm, biểu diễn, ghi âm ghi hình các cuộc phát sóng. Qui định dùng CD trắng trả tiền bản quyền sẽ tránh tổn thất cho tác giả, chủ sở hữu và hạn chế việc sao chép băng đĩa lậu.

 

Trong hội thảo, ông Chu còn cho biết việc tính tiền bản quyền đối với đĩa quang và các thiết bị định hình, sao chép là hình thức mới trên thế giới, chỉ có một số nước phát triển như Mỹ, Nhật và châu Âu áp dụng.

 

Phát biểu này cũng bị phản đối, như ý kiến của thành viên một diễn đàn tin học: theo luật về Ghi sao nội dung tiếng tại nhà của Mĩ, (AHRA, tham khảo Wikipedia), các đĩa quang loại thường  không hề bị đánh thuế, cũng như không hề có thuế áp lên ổ ghi CD/DVD trong máy tính. Chỉ có các công ty chuyên nhập loại đĩa trắng chuyên dành ghi nhạc, các thiết bị sao chép nhạc hàng loạt không cần tới máy vi tính mới bị đánh thuế, và thuế này chỉ đánh lên các công ty kinh doanh chứ không phải người dùng.

 

Dưới luật sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng tại Mĩ có toàn quyền sao chép CD nhạc mình mua với mục đích cá nhân mà ko phải đóng thêm một xu nào, chẳng hạn như một đĩa để trong phòng khách, một đĩa cho xe hơi.  Đa số người mua CD-R thường dùng cho việc này.

 

Trên thực tế, đây cũng là điểm khiến người tiêu dùng bức xúc nhất.

 

Anh Trần Trung Hiếu, chuyên viên xử lý dữ liệu thắc mắc: do đặc thù công việc, anh luôn phải sao lưu và xử lý khối lượng dữ liệu rất lớn, hơn nữa cũng thường phải đặt hàng làm các phần mềm riêng đặc thù khi dữ liệu thay đổi. Không lẽ cả khi sao lưu dữ liệu và ghi phần mềm, anh cũng phải trả tiền bản quyền âm nhạc?

 

Anh Hiếu cho rằng, nhu cầu ghi nhạc chỉ là một trong vô số nhu cầu với đĩa CD trắng.

 

Anh Vũ Hồng Quang, sinh viên đại học Kinh tế bức xúc: anh có sở hữu một máy ảnh số, thường xuyên tổ chức đi chơi với bạn bè nên có nhu cầu chụp ảnh-quay phim  rất lớn. Sau mỗi cuộc vui chơi như thế, anh ghi (“burn”) đến gần 1GB phim, ảnh lên đĩa mỗi DVD cho bản thân và còn sao ra nhiều bản cho bạn bè. Khoản tiền “phí bản quyền” phải trả trên mỗi đĩa DVD trắng theo anh là rất vô lý, do lẽ ảnh ghi trên đó hoàn toàn thuộc về sở hữu cá nhân, tại sao anh phải trả thêm tiền bản quyền?

 

Đây cũng là thắc mắc của chị Hà, nhân viên một công ty nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam. Công việc của chị yêu cầu sao lưu dữ liệu định kì ra cả thiết bị lưu trữ chuyên nghiệp lẫn đĩa quang, vậy chẳng nhẽ công ty chị tự .. trả tiền bản quyền cho mình?

 

Ngay chính “người trong cuộc” cũng tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của  dự thảo nghị định lần này.

 

Anh Tâm, nhân viên một cửa hàng sao chép băng đĩa trên đường Lê Thanh Nghị, Bách Khoa, Hà Nội "bật mí" nguồn đĩa trắng chủ yếu của cửa hàng anh là từ Trung Quốc nhập lậu sang Việt Nam.

 

Loại đĩa này có đặc điểm rẻ, rất mau hỏng, nhưng lại phù hợp với nhu cầu của đa số người dùng mua phần mềm, nhạc, phim sao chép tự do về lưu vào PC theo theo hình thức “dùng một lần rồi bỏ”.

 

Theo như dự thảo, tất cả các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất đĩa quang sẽ phải đóng thuế, vậy có vô hình chung khuyến khích người dùng đẩy mạnh sử dụng đĩa nhập lậu?

 

Ý kiến của một người làm trong ngành âm nhạc (xin được giấu tên) thắc mắc về chi tiết trong dự thảo, giao Hiệp hội công nghiệp ghi âm (RIAV) thu tiền bản quyền này, sau đó phân phối cho các chủ thể, cũng như phương án RIAV sẽ được giữ 20% làm kinh phí hoạt động. Ông này lưu ý, RIAV là tổ chức của các hãng tư nhân, và trên thực tế chỉ đại diện một phần nhỏ trên thị trường, và chỉ đại diện cho quyền lợi của hãng ghi đĩa, nên liệu có phải là hợp lý khi trao cho RIAV vai trò như đại diện cho cả ngành công nghiệp âm nhạc.

 

Thiết nghĩ, Cục bản quyền tác giả cần lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo nghị định lần này. Song song đó, Cục cũng nên đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường nhằm ngăn ngừa tốt hơn việc sao chép và buôn bán trái phép băng đĩa lậu tràn lan hiện nay.

 

Hoàng Hải