Kết thúc cuộc thi Lập trình Quốc tế Samsung SCPC 2018

“Đánh thức” tiềm năng của các lập trình viên tương lai

(Dân trí) - Liên tiếp thành công trong 2 cuộc thi lập trình quốc tế SCPC 2017 và 2018, các thí sinh Việt Nam đã cho thấy, nếu tiếp cận đúng hướng, “cơn khát” lập trình viên của chúng ta hoàn toàn có thể được đáp ứng.


Lễ trao giải cuộc thi lập trình quốc tế Samsung Collegiate Programming Cup 2018

Lễ trao giải cuộc thi lập trình quốc tế Samsung Collegiate Programming Cup 2018

Sau vòng 2 của cuộc thi lập trình quốc tế Samsung Collegiate Programming Cup 2018 (SCPC 2018), thành tích của các sinh viên Việt Nam đặc biệt gây ấn tượng. Theo thống kê của Ban tổ chức từ trụ sở chính của tập đoàn Samsung tại Hàn Quốc, trong số 37 sinh viên đạt điểm tuyệt đối (1.000 điểm) ở vòng 2 này, có tới 9 sinh viên từ Việt Nam.

Dựa trên các giải thưởng dành cho 20 thí sinh xuất sắc nhất, 10 cái tên đã được lựa chọn để đại diện cho Việt Nam tiếp tục tham dự vòng chung kết SCPC 2018 tại Samsung Hàn Quốc. Và, ở sân chơi quốc tế ấy, khi tranh tài cùng 116 sinh viên Hàn Quốc, thí sinh Nguyễn Ngọc Trung (trường Đại học FPT) tiếp tục giành giải 5 chung cuộc vào ngày 31/7 vừa qua.

“Đánh thức” tiềm năng của các lập trình viên tương lai - 2

Trước đó, từ 2017, cuộc thi SCPC đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Điện thoại Di động Samsung Việt Nam (SVMC) tổ chức như một sự kiện thường niên. Lần lượt, sinh viên Việt Nam được yêu cầu thực hiện các bài thi về thuật toán và cấu trúc dữ liệu (sử dụng ngôn ngữ lập trình C, C++, Java) để tìm ra những người xuất sắc nhất.

Riêng ở cuộc thi năm nay, lượng thí sinh Việt Nam đăng kí từ vòng đầu tiên là 717 (tăng 30% so với năm 2017), đa phần đều đến từ những địa chỉ dẫn đầu về đào tạo CNTT hiện nay như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) hay Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

“Đánh thức” tiềm năng của các lập trình viên tương lai - 3

717 thí sinh ấy, cùng với 4.025 thí sinh tại Hàn Quốc và 446 thí sinh tại Ấn Độ, là những "nhân vật chính" của sân chơi SCPC mà Samsung tổ chức dựa trên một thực tế: trong mạng lưới các Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung khắp toàn cầu, hai Trung tâm R&D tại Việt Nam và Ấn Độ có quy mô lớn nhất, vị trí quan trọng nhất, đồng thời cũng được đánh giá cao nhất về năng lực của các chuyên gia và kỹ sư phần mềm.

Cần nhắc lại, ngay từ cuộc thi SCPC 2017, các thí sinh Việt Nam cũng đã tạo dấu ấn rất tích cực, khi giành được 2 giải Tư và 2 giải Năm tại vòng chung kết ở Hàn Quốc. Như nhận xét của ông Kim In Soo, Tổng Giám đốc SVMC, với các phẩm chất thông minh, sáng tạo và kiên nhẫn, thí sinh Việt Nam thật sự đã thi đấu ngang tài ngang sức với các sinh viên Ấn Độ và Hàn Quốc trong các cuộc thi.

Trong những năm qua, Samsung Việt Nam thường xuyên tổ chức các cuộc thi dành cho sinh viên về công nghệ thông tin, đặc biệt là về kỹ năng lập trình và thuật toán.


Tổng giám đốc Kim In Soo

Tổng giám đốc Kim In Soo

"Ngày hôm nay, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ phần mềm không những đã trở thành hạt nhân của hầu hết các lĩnh vực mà còn kết nối các lĩnh vực với nhau để tạo ra một thế giới số thông minh" – Tổng Giám đốc Kim In Soo khẳng định – "Và thuật toán chính là nền tảng cơ bản của tất cả các phần mềm. Chúng ta cần rất nhiều kỹ sư thành thạo về thuật toán để có thể phát triển sản phẩm hoàn hảo ở bất kỳ một ngành công nghiệp nào."

Nhận xét của ông Kim In Soo không khỏi khiến người ta liên tưởng tới một nhận định thường xuyên được nhắc tới trong đời sống CNTT hiện nay: chúng ta đang thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn nhân lực có trình độ cao.

Đơn cử, theo thống kê của Vietnam Works, ước tính có khoảng 80.000 nhân lực của ngành CNTT tốt nghiệp trong năm 2017. Thê nhưng, dù tất cả những gương mặt ấy đều làm đúng nghề, ngành CNTT thông tin vẫn thiếu tới 70.000 nhân sự vào cuối năm 2018. Xa hơn, theo dự báo, tới năm 2020, con số thiếu hụt ấy sẽ lên tới 500.000

Và, trong câu chuyện về đào tạo ấy, cũng không thể bỏ qua một thực tế: việc đầu tư cho dạy và học thuật toán – vốn được xem là năng lực cốt lỗi của ngành CNTT – vẫn chưa có sự phát triển tương xứng với những gì mà thực tế đòi hỏi.

Bởi vậy, việc tổ chức một sân chơi về thuật toán và kỹ năng lập trình – điều mà SVMC đang làm với cuộc thi SCPC – chính là hướng đi mà nhiều chuyên gia mong đợi: ngành CNTT có sự hợp tác và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để hỗ trợ các sinh viên được thực hành và đào tạo theo sát nhu cầu thị trường.

“Đánh thức” tiềm năng của các lập trình viên tương lai - 5

"Thời gian qua chúng tôi đã không ngừng hỗ trợ để các bạn sinh viên chuyên ngành CNTT hiểu hơn nữa về tầm quan trọng của môn học Thuật toán, cũng như từng bước góp phần nhỏ bé vào sự phát triển công nghệ phần mềm tại Việt Nam" – Tổng giám đốc Kim In Soo cho biết – " Cá nhân tôi cho rằng, đây là một cơ hội tốt giúp cho nhiều em sinh viên Việt Nam nhận ra được khả năng lập trình tiềm ẩn của mình, và hiểu hơn về tầm quan trọng của công nghệ cốt lõi liên quan đến phát triển phần mềm thông qua cuộc thi này."

Được biết, để tạo ra bầu không khí học tập cho môn học thuật toán trong các trường đại học, Samsung Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và duy trì kênh giao lưu với các bạn sinh viên thông qua website có tên gọi Codeground.

Cuộc thi Samsung Collegiate Programming Cup 2018

Với thông điệp - “Enter your Passion” – “Hãy truyền đam mê của bạn vào từng dòng code”, SCPC 2018 đã diễn ra từ 23/6 đến 31/7/2018 với sự tham dự của 717 thí sinh Việt Nam. 10 thí sinh Việt Nam xuất sắc nhất đã được Samsung Việt Nam tài trợ để tham dự vòng chung kết ở Hàn Quốc.

Tại vòng chung kết ở Hàn Quốc vào ngày 31/7/2018, thí sinh Nguyễn Ngọc Trung của Việt Nam đã giành giải 5.

Hà Thu