Dân mạng "kêu trời" vì không mua được vé từ VFF, giá "chợ đen" tăng phi mã

(Dân trí) - Sau khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) kết thúc 4 đợt mở bán vé trực tuyến trận chung kết lượt về AFF Cup giữa Việt Nam và Malaysia, nhiều cư dân mạng cho biết việc mua vé trực tuyến từ trang web của VFF cũng giống như... chơi xổ số, mà phải cần thật nhiều may mắn mới có thể sở hữu được tấm vé.

Muôn vàn khó khăn khi mua vé trực tuyến từ trang web của VFF

Cũng như ở trận đấu bán kết lượt về AFF Cup 2018 diễn ra trên sân Mỹ Đình vào ngày 6/12 vừa qua, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng sẽ chỉ bán vé trận đấu chung kết của đội tuyển Việt Nam (diễn ra vào ngày 15/12) qua hình thức trực tuyến, thay vì cách bán vé truyền thống để tránh tình trạng “cò vé” cũng như quá tải khi mua vé trực tiếp tại các quầy vé.

Tuy nhiên thay vì chỉ bán vé một lần như trận bán kết vừa qua, VFF sẽ tiến hành mở bán vé theo 4 đợt: 10h00, 16h00, 22h00 ngày 10/12/2018 và 10h00 ngày 11/12/2018. Tổng số vé được bán ra trong 4 đợt này là 10.300 vé. Dù vậy, để sở hữu được một tấm vé vào sân xem trận chung kết đòi hỏi người dùng phải cực kỳ may mắn, thậm chí với nhiều người dùng việc mua vé từ trang web của VFF là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Dân mạng "kêu trời" vì không mua được vé từ VFF, giá "chợ đen" tăng phi mã - 1

Thông báo bán hết vé trên trang bán vé trực tuyến của VFF xuất hiện chỉ ít phút sau khi vé được mở bán
Thông báo bán hết vé trên trang bán vé trực tuyến của VFF xuất hiện chỉ ít phút sau khi vé được mở bán

Chia sẻ với Dân trí, anh Hưng, một cổ động viên bóng đá tại Hà Nội cho biết mình đã xin nghỉ việc cả ngày thứ hai (10/12) chỉ để canh mua được cặp vé xem trận chung kết vào ngày 15/12. Tuy nhiên ngay đúng 10 giờ sáng 10/12, thời điểm mở bán vé đợt đầu tiên, anh Hưng đã không thể truy cập được vào trang bán vé trực tuyến của VFF.

“Tôi đã truy cập vào trang web bán vé trực tuyến của VFF từ trước 10 giờ, nhưng khi đến 10 giờ sáng thì trang web không còn truy cập được nữa”, anh Hưng chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ với anh Hưng có rất nhiều người hâm mộ bóng đá khác, những người sau đó đã bày tỏ sự bức xúc trên mạng xã hội vì gặp rất nhiều khó khăn khi truy cập vào trang web bán trực tuyến của VFF để mua vé trận chung kết.

“Ngồi chờ đợi cả sáng, đến gần 10 giờ chỉ ngồi một chỗ, không dám đi đâu với hy vọng kịp mua tấm vé, nào ngờ có truy cập được vào web đâu mà mua”, K.H, một cư dân mạng chia sẻ trên Facebook.

Một chia sẻ bức xúc của người dùng Facebook
Một chia sẻ bức xúc của người dùng Facebook

Thậm chí nhiều người gặp khó khăn ngay từ quá trình đăng ký tài khoản để mua vé, chứ chưa đến bước đặt mua vé. Cụ thể trang web bán vé trực tuyến của VFF yêu cầu người dùng phải đăng ký một tài khoản, đồng thời khai báo thông tin cá nhân (họ, tên, số điện thoại, số CMND...) mới cho phép đặt mua vé. Để tranh thủ, không ít người hâm mộ bóng đá đã truy cập sớm vào trang web bán vé trực tuyến của VFF để đăng ký và đăng nhập sẵn tài khoản để giảm bớt quá trình thực hiện khi mua vé, tuy nhiên nhiều người cho biết họ không thể thực hiện quá trình đăng ký tài khoản.

Theo phản ánh của một số người dùng trên Facebook cho biết sau khi khai báo thông tin cá nhân, họ nhấn nút “Đăng ký” nhưng trang web đứng yên chứ không hề tải. Còn một số người dùng khác cho biết sau khi đã hoàn tất quá trình đăng ký thì họ lại không nhận được email để kích hoạt tài khoản, đồng nghĩa với việc tài khoản mà họ đã đăng ký vẫn không thể sử dụng được (do chưa kích hoạt).

“Hì hục cả buổi mới xong bước đăng ký cái tài khoản. Tưởng xong rồi ai ngờ chờ mãi chả thấy email đâu để kích hoạt tài khoản. Đăng nhập vào tài khoản đã đăng ký thì lại thông báo tài khoản chưa kích hoạt. Cuối cùng chả biết làm gì nữa”, người dùng Facebook có tên H.T chia sẻ trên trang cá nhân.

Nhiều người dùng mạng xã hội còn hài hước so sánh việc mua được tấm vé trực tuyến từ VFF cũng tương đương với việc... trúng xổ số, nghĩa là phải cần thật nhiều may mắn mới có thể làm được.

Tràn ngập lời chào mua vé trận chung kết trên mạng với mức giá đắt gấp hàng chục lần

Mặc dù theo phản ánh của nhiều cư dân mạng thì phần lớn đều gặp khó khăn và rất ít người có cơ hội mua được vé trên trang web của VFF, tuy nhiên điều đáng nói là ngay sau khi kết thúc 4 đợt bán vé trực tuyến đã lập tức xuất hiện nhiều lời chào mời bán lại vé xem trận chung kết.

Dạo quanh các nhóm (group) trên mạng xã hội Facebook không quá khó để bắt gặp lời chào mời mua vé xem trận chung kết vào ngày 15/12 tới đây. Nhiều người lấy lý do “bận việc đột xuất” nên không thể xem trận đấu và sẵn sàng nhường lại vé, trong khi đó nhiều người đưa ra lời chào bán công khai, nhưng nhìn chung mức giá đều đắt hơn nhiều lần, thậm chí lên đến hàng chục lần so với mức giá gốc.

Một lời chào mời mua vé chung kết với số lượng lớn trên Facebook
Một lời chào mời mua vé chung kết với số lượng lớn trên Facebook

Một cặp vé có mệnh giá gốc 1.200.000 đồng/cặp (tương đương 600.000 đồng/vé), mức giá cao nhất trong mệnh giá bán ra của VFF, được nhiều người rao bán lại với giá 12 triệu đồng hoặc thậm chí cao hơn, tùy thuộc vào nhu cầu của người mua. Nếu càng nhiều người quan tâm thì mức giá sẽ càng được đẩy lên cao do người bán lấy lý do số lượng vé hạn chế.

Trong khi đó những cặp vé có mệnh giá 1.000.000 đồng/cặp cũng được rao bán với mức giá 9,5 đến 10,5 triệu đồng/cặp, cao gấp 10 lần so với giá gốc. Những cặp vé với mệnh giá thấp hơn cũng được rao bán lên đến vài triệu đồng/cặp.

Điều này khiến nhiều người không khỏi đặt ra câu hỏi tại sao mua vé từ trang web của VFF khó khăn như vậy mà vẫn còn thừa ra vé để bán lại? Phải chăng những người có vé để bán lại này là những người cực kỳ may mắn mới mua được vé từ VFF và sau đó bán lại để kiếm lời? Hoặc những tấm vé mà họ đang rao bán có một nguồn gốc khác, thay vì được mua trên trang web của VFF?

Đặc biệt hơn VFF chỉ bán ra 10.300 tấm vé (trên tổng số 40.000 chỗ ngồi của sân Mỹ Đình) trên trang web trực tuyến, điều này khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi số lượng vé còn lại đi đâu? Dĩ nhiên VFF cũng phải dành ra một số lượng vé cho đội khách (Malaysia), nhưng không thể có chuyện số lượng vé này lại nhiều hơn số vé của cổ động viên đội nhà.

“Nói không” với vé “chợ đen”, liệu có dễ dàng?

Trước thực trạng “cò vé” đang lợi dụng trắng trợn lòng hâm mộ bóng đá của khán giả nước nhà để làm giàu, nhiều cư dân mạng đã kêu gọi nhau tẩy chay “cò vé” để hạn chế tình trạng “cò vé” trong tương lai.

Nhiều người dùng Facebook cho biết họ thà ở nhà hoặc ra các quán cafe, nhà hàng... để xem bóng đá cùng người thân và bạn bè hơn là bỏ tiền ra để làm giàu cho các “cò vé”. Những người này cũng đã kêu gọi người dùng trên Facebok cùng thực hiện theo và quyết tâm không mất tiền cho “cò vé” và những lời kêu gọi như vậy được rất nhiều người ủng hộ.

Dân mạng "kêu trời" vì không mua được vé từ VFF, giá "chợ đen" tăng phi mã - 5

Tuy nhiên trên thực tế, kêu gọi là như vậy nhưng để thực hiện theo thì lại rất khó. Chia sẻ trên Facebook, nhiều người cho biết họ vẫn sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để sống trong không khí bóng đá sôi động trên sân, bởi lẽ không phải lúc nào cũng có cơ hội tận hưởng điều này.

“Lâu lắm rồi Việt Nam mới có tràn đầy cơ hội lên ngôi vô địch như năm nay. Bỏ lỡ cơ hội này thì biết bao giờ mới được trở lại? Đắt một tí nhưng không bỏ lỡ khoảnh khắc quan trọng là được”, anh C.T bình luận trên Facebook.

Dẫu sao việc mua vé “chợ đen” hay không vẫn là quyết định riêng của mỗi người. Điều được cộng đồng mạng quan tâm nhất hiện nay vẫn là chiến thắng của đội tuyển Việt Nam và sự minh bạch của VFF trong việc phân phối vé. Nhiều người đề nghị VFF nên đa dạng hơn trong việc phân phối vé, cả bán trực tiếp lẫn trực tuyến, đồng thời sẽ có những giải pháp phù hợp hơn để làm yên lòng người hâm mộ bóng đá nước nhà trong tương lai.

T.Thủy