1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Đại lý Internet công cộng loay hoay chống web “đen”

Nhiều điểm truy cập Internet công cộng đến nay vẫn chưa được cài phần mềm chống web “đen” dù hạn cuối cùng 1/8 đã qua. Hầu hết chủ đại lý hưởng ứng chính sách lành mạnh hóa môi trường mạng nhưng chưa “tâm phục khẩu phục” cách triển khai thực hiện.

Chiến dịch nói trên được thực hiện theo yêu cầu của Bộ Bưu chính Viễn thông trên tinh thần Thông tư liên tịch 02/2005 và Nghị định 55/2001 của Chính phủ về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) phải triển khai cài đặt phần mềm chống website không lành mạnh và tập huấn cho chủ đại lý của mình.

 

Tuy nhiên, đơn vị triển khai rộng nhất là Viettel cũng chỉ “phủ” được khoảng 70% đại lý của mình. Tại TPHCM, nhiều điểm dịch vụ Internet thuộc các quận 1, 3, 5, 10 vẫn mở cửa 24/24, không có bảng niêm yết cấm truy cập web “đen” và rất ít cửa hàng lưu lại thông tin cá nhân của khách hàng. Những cửa hàng thiên về game online gần khu tập thể hoặc trường học, nơi có khách hàng là học sinh, yêu cầu trẻ dưới 14 tuổi phải có người lớn đi kèm cũng không thực hiện quy định hoặc chính chủ quán đứng ra “bảo lãnh”. Phần đông trong số những hàng Net chưa cài phần mềm còn rất “lơ mơ” không rõ “Nghị định 55” với “Thông tư 02” là gì, đại lý Internet có những quyền và nghĩa vụ gì, đã áp dụng chưa...

 

Nhiều chủ dịch vụ tỏ ra hoang mang và sợ bị rút giấy phép kinh doanh bởi nếu căn cứ đúng theo nghị định này thì bất cứ điểm truy cập Internet công cộng nào cũng có thể vi phạm. Là một trong số ít cửa hàng có ghi lại thông tin của khách, anh Trương Minh Quyền, chủ dịch vụ MTC Net Game, quận 10 (TPHCM), cho biết: “Với khách hàng dễ tính thì việc đưa chứng minh nhân dân chẳng có vấn đề gì, nhưng người khó tính thì phản ứng và bất hợp tác. Khách hàng hỏi tôi lưu thông tin để làm gì, tôi hỏi lại người của đoàn kiểm tra liên ngành 814 họ cũng không cho tôi câu trả lời thỏa đáng. Nếu biết nó hữu ích như thế nào thì chúng tôi thuyết phục khách hàng cung cấp thông tin có lẽ dễ hơn”.

 

Xuất phát từ lo ngại bị phạt, ảnh hưởng đến việc kinh doanh mà nhiều chủ dịch vụ đã ý thức rất cao việc ngăn chặn các địa chỉ web không lành mạnh. Lo lắng vì nhiều trang web “đen” có cơ chế tự động chỉ tới (redirect) hàng loạt trang khác, họ tự cài thêm phần mềm chặn tất cả từ nào “có khả năng nhạy cảm”. Anh Nguyễn Văn Tâm, sinh viên năm 4 Đại học Y Dược TPHCM, khách hàng “ruột” của một tiệm Net tại quận 10 (TPHCM), than thở: “Tôi tìm kiếm (search) những từ chỉ các bộ phận thuộc cơ thể con người. Chủ dịch vụ biết tôi không truy cập web bậy bạ nhưng vẫn chặn lại những từ khóa có liên quan này vì lo ngại có thể bỏ sót những web có khả năng bị phạt”.

 

Cũng theo anh Tâm thì không phải ai cũng có điều kiện để lắp đặt ADSL tại nhà, đặc biệt với sinh viên ở tỉnh thì càng khó khăn hơn. Các dịch vụ Internet không chỉ phục vụ đối tượng chơi game, lướt web, chat, gọi điện thoại mà còn không ít sinh viên tìm kiếm tài liệu học tập. “Nếu việc quản lý quá chi li thế này thì các điểm dịch vụ sạch e ngại bị phạt sẽ khóa tất cả các website. Việc chặn nhầm những trang web đàng hoàng, hữu ích và để lọt các site đồi trụy luôn thay hình đổi dạng là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, anh Tâm nhận xét.

 

Anh Trịnh Hải Đăng, chủ một dịch vụ Internet là thuê bao của VNN tại TPHCM, phàn nàn về quy định phải lưu trữ thông tin khách hàng truy cập trong vòng 30 ngày: “Chương trình lưu web của tôi chỉ mới được cập nhật vài hôm mặc dù đã cài gần 1 tháng, do máy chủ có cài phần mềm chống virus mà chương trình lưu web lại chứa spyware nên mỗi khi kích hoạt thì phần mềm quét virus xóa mất. Liệu có hợp lý không nếu có đoàn kiểm tra đến và căn cứ theo nghị định thì tôi đã vi phạm”. Mặt khác, đa phần máy tính tại các điểm truy cập Internet công cộng được cài phần mềm đóng băng ổ cứng DeepFreeze nhằm chống lại sự lây nhiễm tràn lan trên môi trường mạng của virus, spyware. Dù bị tàn phá đến đâu thì chỉ cần khởi động lại là máy hoạt động như khi mới cài đặt. Nhưng dùng DeepFreeze lại là đi ngược với quy định.

 

Ngoài những khó khăn thực tế nêu trên, người dùng còn tỏ ra lo ngại về độ an toàn của thông tin cá nhân lưu trữ tại các cửa hàng dịch vụ Internet khi không có một quy định nào về bảo mật cho vấn đề này. Trong khi danh sách website cần chặn do Bộ Công an thiết lập, các ISP cài đặt tại đại lý nhưng để “lọt lưới” thì chính các cửa hàng sẽ phải chịu phạt. Thanh tra Bộ Bưu chính Viễn thông cho biết hiện chưa có công văn nào bổ sung hướng dẫn cho việc cài đặt phần mềm chống web “đen” tại các đại lý Internet. Đoàn thanh tra liên ngành tại các địa phương vẫn tiến hành kiểm tra như đã thông báo trước đây.

Quyền và nghĩa vụ của đại lý Internet

 

Ngoài các quyền và nghĩa vụ được quy định chung cho các đại lý viễn thông tại Điều 41 Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông, trong quá trình kinh doanh đại lý Internet có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ sau:

 

1. Được phép kinh doanh tại địa điểm kinh doanh của đại lý Internet từ 6h đến 24h hằng ngày.

 

2. Hướng dẫn và kiểm tra người sử dụng tuân thủ các quy định về sử dụng dịch vụ Internet; Có biện pháp đề phòng, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các khách hàng có hành vi vi phạm nội quy của đại lý và quy định của pháp luật về Internet.

 

3. Lập sổ đăng ký sử dụng dịch vụ, trong đó thống kê đầy đủ, chi tiết thông tin về người sử dụng dịch vụ và người bảo lãnh cho người dưới 14 tuổi bao gồm họ tên; địa chỉ thường trú; số chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu (đối với người nước ngoài) hoặc các giấy tờ có giá trị khác như thẻ nghiệp vụ, bằng lái xe, thẻ học sinh, sinh viên..., vị trí máy tính và thời gian mà người sử dụng dịch vụ đã sử dụng. Đại lý Internet phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong sổ, đồng thời có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản sổ đăng ký sử dụng dịch vụ để cung cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

 

4. Cài đặt chương trình phần mềm quản lý đại lý Internet, đồng thời thực hiện các giải pháp kỹ thuật đảm bảo ngăn chặn người sử dụng truy cập đến các trang web có nội dung xấu trên Internet. Đại lý Internet chỉ được cung cấp nội dung thông tin về người sử dụng cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

 

5. Sử dụng chương trình phần mềm quản lý đại lý đã được cài đặt để lưu giữ thông tin về người sử dụng dịch vụ bao gồm địa chỉ đã truy cập, thời gian truy cập, loại hình dịch vụ (e-mail, chat, ftp, Telnet….) trong thời gian 30 ngày. Thời gian lưu giữ tính từ khi thông tin đi/đến máy chủ để phục vụ cơ quan chức năng trong công tác đảm bảo an ninh thông tin.

 

6. Cung cấp đầy đủ số liệu về cấu hình kỹ thuật, sơ đồ kết nối lưu lượng thông tin trong phạm vi quản lý của đại lý một cách trung thực, chi tiết cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

 

7. Trong thời gian 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng đại lý với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, đại lý Internet phải tham gia lớp tập huấn của doanh nghiệp ký hợp đồng đại lý với mình dành cho các đại lý Internet.

 

8. Phối hợp với cơ quan Công an và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện yêu cầu đảm bảo an toàn và an ninh thông tin.

 

(Trích Thông tư liên tịch 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT của Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Công an và Bộ Kế hoạch Đầu tư về quản lý đại lý Internet)

 
 

Theo Ngọc Hằng - Hưng Hải

VnExpress