Đã khắc phục xong sự cố đứt cáp quang biển APG và IA
(Dân trí) - Sự cố kép xảy ra tại 2 tuyến cáp quang biển APG và IA trong giai đoạn đầu năm 2021 đã được xử lý hoàn tất, khôi phục 100% lưu lượng Internet từ Việt Nam đi quốc tế.
Theo thông tin từ một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam, sự cố trên tuyến cáp biển APG được khắc phục xong ngày 24/2, còn tuyến cáp IA cũng đã hoàn tất trong ngày 25/2.
Như vậy tính đến nay, dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế đã được khôi phục hoàn toàn.
Trước đó, tuyến cáp IA và APG đã lần lượt gặp sự cố vào các ngày 1/1/2021 và 9/1/2021. Cụ thể hơn, cáp IA bị lỗi trên 3 nhánh S1, S5 và FP1; còn cáp APG bị lỗi ở 2 phân đoạn gồm S3 với điểm lỗi cách trạm rẽ nhánh ở ChungMing (Trung Quốc) khoảng 557,4km và S6 có điểm lỗi cách trạm cập bờ Hong Kong (Trung Quốc) khoảng 1,3km.
Cáp IA có tổng chiều dài 6.800 km, được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, HongKong và Nhật Bản. Đây được đánh giá là tuyến cáp quang quan trọng để trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam và khu vực.
Còn cáp APG dài khoảng 10.400 km được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54Tbps. Tuyến cáp biển này có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Có 4 nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước tham gia đầu tư tuyến APG là VNPT, Viettel, FPT và CMC.
Đây là 2 trong 5 tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với ba tuyến cáp biển khác là AAG, AAE-1 và SMW3.
Việc có tới hai tuyến cáp quang đồng loạt gặp sự cố khiến kết nối Internet tại Việt Nam đi quốc tế chập chờn trong những ngày đầu năm mới 2021. Thực tế ghi nhận trong khung giờ cao điểm, việc sử dụng các dịch vụ quốc tế như Facebook, Messenger, Netflix,... đôi khi bị ảnh hưởng nhẹ, cho tới khó kết nối.
Được biết, thời gian khắc phục sự cố dành cho hai tuyến cáp APG và IA cũng bị kéo dài hơn dự kiến, với tổng thời gian gián đoạn dịch vụ lần lượt là 46 và 56 ngày.
Nguyên nhân của việc chậm trễ là do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến quá trình xin thủ tục cấp phép đưa tàu vào các vùng biển có cáp lỗi để sửa chữa bị lâu hơn, theo chia sẻ của một đơn vị ISP.