Cựu CEO Nokia: Sẽ chiếm lĩnh thị trường smartphone Việt Nam

(Dân trí) - Trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, ông Stephen Elop, Cựu CEO Nokia, và hiện là Phó chủ tịch Bộ phận Thiết bị và Dịch vụ Nokia toàn cầu, khẳng định hãng đang thực hiện những bước điều chỉnh chiến lược và sẽ chiếm lĩnh thị trường smartphone Việt Nam.

Tham vọng chiếm lĩnh thị trường smartphone Việt Nam

Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Lễ khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại của Nokia tại Việt Nam, ông Stephen Elop, Cựu CEO Nokia, và hiện là Phó chủ tịch Bộ phận Thiết bị và Dịch vụ Nokia toàn cầu, cho biết trong nhiều năm qua hãng đã và đang có nhiều điều chỉnh mang ý nghĩa lớn về chiến lược. Nokia ghi nhận thị trường di động đã có những biến chuyển rất lớn, nhu cầu người dùng đã có thay đổi nhanh chóng từ những chiếc điện thoại cơ bản sang điện thoại thông minh với nhiều tính năng như những chiếc máy tính.

“Chính vì sự thay đổi đó mà chúng tôi nhận thấy tính cạnh tranh trên thị trường cũng đã tăng lên, nếu như trước đây chúng tôi có vị thế cạnh tranh nhất định thì hiện nay chúng tôi cần phải cố gắng hơn nữa, đó chính là lý do vì sao chúng tôi song hành với Microsoft để sản xuất điện thoại Lumia”, ông Elop trả lời câu hỏi về việc Nokia bắt tay với Microsoft có ý nghĩa như thế nào với chiến lược của hãng trong tương lai.

Cựu CEO Nokia: Sẽ chiếm lĩnh thị trường smartphone Việt Nam

Stephen Elop, Cựu CEO Nokia và hiện tại là phó chủ tịch Bộ phận Thiết bị và Dịch vụ Nokia toàn cầu trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam.

Ông Elop cho biết Nokia đã theo dõi trong suốt thời gian qua và nhận thấy “trong 4 quý vừa qua, doanh số bán hàng của chúng tôi đã dần tăng lên một cách ổn định, tạo đà cho thúc đẩy dòng sản phẩm Lumia trên hầu hết các thị trường, trong đó có thị trường Việt Nam”.

Không ngần ngại nhắc đến thương vụ mua bán giữa Nokia và Microsoft, ông Elop, cựu CEO của hãng di động Phần Lan đã từ chức sau khi đặt bút ký vào thoả thuận bán mình cho hãng phần mềm Mỹ với giá trị 7,2 tỷ USD, khẳng định: “Chúng tôi hợp tác trên tinh thần khai thác thế mạnh của mỗi bên, trong khi Nokia có thế mạnh trong việc sản xuất các dòng điện thoại cơ bản và điện thoại thông minh, hay là về phần cứng thì Microsoft có thế mạnh về phần mềm cũng như về tài chính. Hai thế mạnh kết hợp sẽ tạo nên một sức mạnh riêng”.

Tại thị trường Việt Nam, Nokia gần như đã chiếm lĩnh phân khúc điện thoại giá rẻ và smartphone bình dân, nhưng ở phân khúc smartphone cao cấp, hãng di động Phần Lan đang đặt mục tiêu sẽ chiếm lĩnh thị trường này bằng những sản phẩm vừa ra mắt tại sự kiện Nokia World diễn ra ở Abu Dhabi ngày 22/10.

Ông Elop gọi các sản phẩm, như Lumia 1520 là đại diện tiêu biểu cho sự sáng tạo, và ông tin sản phẩm sẽ giúp hãng cạnh tranh trên phân khúc cao cấp, đặc biệt với những người dùng thích sử dụng màn hình lớn cùng với khả năng chụp ảnh chất lượng cao. Ông này cũng cho biết Nokia sẽ tiếp tục bắt tay với các nhà phát triển ứng dụng trên thế giới và cả Việt Nam để tạo ra các ứng dụng mới, nhằm bổ sung vào gian hàng Market Place của hệ điều hành Windows Phone.

Nhà máy Nokia Việt Nam chưa có kế hoạch sản xuất smartphone

Trả lời phỏng vấn về việc vì sao hiện tại Nokia chỉ sản xuất điện thoại cơ bản (feature phone) tại nhà máy ở Việt Nam, ông Stephen Elop cho biết hãng đã có những chiến lược kinh doanh riêng, và trong số 3 nhà máy của hãng ở Ấn Độ, miền Nam Trung Quốc và Việt Nam thì Nokia chọn nhà máy ở Việt Nam để sản xuất điện thoại giá rẻ, trong đó, phần lớn sản phẩm được tạo ra để phục vụ cho việc xuất khẩu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu và nội địa trong năng lực sản xuất của nhà máy Nokia tại Việt Nam không được Stephen Elop tiết lộ.

Theo người đứng đầu Nokia, hãng chưa có kế hoạch đưa dây chuyền sản xuất smartphone đến nhà máy Nokia Việt Nam.

Nói về việc Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ việc Nokia đầu tư xây dựng nhà máy tại Bắc Ninh và được hưởng ưu đãi cao từ chính phủ Việt Nam, ông Stephen Elop cho hay: “Khi chúng tôi nhận được những điều kiện thuận lợi từ Việt Nam, chúng tôi đã cam kết mang lại nhiều lợi ích nhất cho người dùng Việt Nam”.
 
Bên trong nhà máy của Nokia Việt Nam.

Bên trong nhà máy của Nokia Việt Nam.

“Lợi ích đầu tiên đó chính là nhà máy sẽ tạo ra công ăn việc làm. Nếu như chúng tôi thành công với nhà máy này thì chắc chắn số lượng nhân công có việc làm sẽ còn tăng lên rất nhiều. Ngoài ra, mặc dù chúng tôi đã có được ưu đãi về thuế trong khi đàm phán đầu tư, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ vẫn phải nộp thuế cho chính phủ Việt Nam. Khi chúng tôi chỉ đặt 1 nhà máy ở Việt Nam thì chắc chắc các đối tác phụ trợ cũng sẽ cùng đến, trong thời gian không lâu nữa, tại Bắc Ninh chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều nhà máy vệ tinh để cung cấp linh phụ kiện cho chúng tôi. Hơn nữa, với sự lưu thông hàng hoá, nhập khẩu nguyên vật liệu cũng như xuất khẩu sản phẩm tại các cửa khẩu biển, cảng hàng không thì điều kiện để phát triển hạ tầng ở các đầu mối giao thông này cũng sẽ tăng lên, từ đấy sẽ mang lại lợi ích cho toàn xã hội”.

Theo ông Stephen Elop, nhà máy còn mang lại lợi ích lâu dài hơn, đó là quá trình bồi dưỡng đào tạo sẽ giúp năng lực của đội ngũ lao động Việt Nam sẽ được nâng lên, không chỉ là trong năng lực chuyên môn hiểu biết xâu về các công động sản xuất mà còn trong các lĩnh vực khác, như quản lý chất lượng, bảo đảm chất lượng…

Nhà máy Nokia Việt Nam tại Bắc Ninh với tổng số vốn đầu tư lên tới 303 triệu USD đã đi vào hoạt động từ tháng 6/2013. Hiện tại nhà máy có khoảng 2.500 lao động làm việc trong 6 dây chuyền. Được biết hiện tại Nokia Việt Nam chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, và dự kiến trong thời gian tới dây chuyền sản xuất của nhà máy sẽ được nâng lên con số 12. Công suất của nhà máy đạt 15 triệu máy mỗi tháng và hoạt động liên tục 24/24h.

Trước Nokia, năm 2009, Samsung là hãng di động đầu tiên xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại tại tỉnh Bắc Ninh với số vốn đầu tư cam kết ban đầu là 670 triệu USD, và là nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất trên thế giới của Samsung. Đến năm 2012, Samsung đã quyết định nâng tổng vốn đầu tư lên 1,5 tỷ USD, phát triển SEV thành Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Việt Nam (Samsung Complex Việt Nam).

Khôi Linh