Cuộc đua nước rút của Viettel để mỗi người dân có điện thoại kết nối Internet

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Viettel đang bước vào giai đoạn nước rút để đưa điện thoại thông minh (smartphone), có khả năng kết nối internet đến tay mọi người dân, nhất là khi thời điểm tắt sóng 2G cận kề.

Bài toán cho 10 triệu máy smartphone

Ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom, chia sẻ việc chuyển dịch từ 2G lên 4G là việc mà các nhà mạng cùng phải làm với thời hạn là như nhau, nhưng Viettel gặp khó khăn hơn bởi có nhiều khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Các khách hàng ở khu vực này chiếm 70% lượng máy điện thoại 2G có trên thị trường.

Đầu năm 2024, Viettel có gần 10 triệu khách hàng sử dụng điện thoại 2G. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn chưa đến 500.000 khách hàng. Dự kiến, Viettel hoàn thành xong việc chuyển đổi cho số lượng khách hàng này trước ngày 15/10 - thời điểm tắt sóng 2G.

Cuộc đua nước rút của Viettel để mỗi người dân có điện thoại kết nối Internet - 1

Viettel đã nhập hàng triệu máy 4G để sẵn sàng cung cấp cho khách hàng chuyển đổi (Ảnh: Thu Hà).

Với 10 triệu thiết bị chuyển đổi, tính đến thời điểm 15/10, Viettel phải thực hiện chuyển đổi trung bình gần 1 triệu chiếc/tháng, hơn 30.000 chiếc/ngày. Khối lượng công việc lớn tạo nên một bài toán thách thức, nhất là khi khách hàng là những cư dân tại vùng núi, hải đảo. 

Để làm được điều đó, Viettel đã nhập hàng triệu máy 4G để sẵn sàng cung cấp cho khách hàng. Trong đó có các dòng điện thoại 4G giá rẻ chỉ từ 390.000 - 490.000 đồng/máy (dùng cho dịch vụ thoại, nhắn tin).

Hơn 10.000 địa điểm chuyển đổi máy miễn phí được tổ chức ở các vùng hẻo lánh để các khách hàng có thể chuyển đổi máy một cách tiện lợi và được tư vấn tận tình.

Tại Hà Giang - một trong những tỉnh miền núi phía Bắc với gần 90% dân số là người dân tộc thiểu số, việc tắt sóng 2G theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông khiến cho nhiều bà con, người già, người có thu nhập thấp... lo lắng về việc gián đoạn liên lạc.

Thấu hiểu tâm lý người dân, Viettel Hà Giang đã chủ động tăng cường các lịch bán hàng lưu động, tập trung chủ yếu vào các phiên chợ vùng cao, các xã có tỷ lệ thuê bao 2G cao. Bên cạnh đó, các tư vấn viên của Viettel là người địa phương, nói được tiếng đồng bào, sẵn sàng hỗ trợ tại các điểm bán hàng, phục vụ và giải đáp mọi thắc mắc cho bà con.

Hàng loạt chính sách khuyến mại đã được triển khai để đem lại mức giá hợp lý nhất cho người dùng như tặng data, tặng dịch vụ thoại 4G khi chuyển đổi, xem TV miễn phí trên app TV360, hỗ trợ kinh phí mua smartphone 4G, ban hành các gói cước hỗ trợ thuê bao chuyển đổi…

Những khách hàng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng chính sách đổi máy miễn phí, tặng kèm sim 4G.

Cuộc đua nước rút của Viettel để mỗi người dân có điện thoại kết nối Internet - 2

Thư cảm ơn của cụ Hoàng Thị Nga sau khi được tặng điện thoại 4G mới từ Viettel (Ảnh: Thu Hà).

Nằm trong diện các cá nhân được Viettel hỗ trợ điện thoại 4G, cụ Hoàng Thị Nga (78 tuổi), sống tại thôn Nà Đát, xã Tân Nam, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, chia sẻ: "Tôi sống một mình trong ngôi nhà đã cũ, trời mưa nước và gió lùa vào nhà, do cuộc sống khó khăn nên tôi không có tiền để mua điện thoại mới. Khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương tôi nằm trong diện được Viettel tặng điện thoại miễn phí để tiện liên lạc đến người thân, tôi rất ngạc nhiên và cảm động".

Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước khi tắt sóng

Ngày 20/9 - 25/10, Viettel công bố hỗ trợ chuyển đổi điện thoại 4G miễn phí cho toàn bộ khách hàng đang dùng máy 2G còn lại, ưu tiên triển khai trước cho 10 tỉnh miền núi vùng Tây Bắc đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của bão Yagi, lũ và thiên tai.

Dự kiến có khoảng 700.000 khách hàng sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn được hưởng ưu đãi này, tương đương nguồn kinh phí lên tới gần 300 tỷ đồng. Sau 1 tuần triển khai, đã có hơn 200.000 thiết bị gửi tới khách hàng, giảm số lượng thuê bao 2G còn lại xuống gần 500.000.

Cuộc đua nước rút của Viettel để mỗi người dân có điện thoại kết nối Internet - 3

Viettel tiếp tục tăng tốc để hoàn tất việc chuyển đổi 2G lên 4G cho mọi người dân (Ảnh: Thu Hà).

Các dòng máy hỗ trợ là điện thoại 4G đáp ứng nhu cầu nghe, gọi cơ bản. Máy có bàn phím, âm lượng to, hỗ trợ giọng đọc khi bấm số hoặc có thêm tính năng Cloud phone cho phép truy cập ứng dụng OTT. Tại 12.000 điểm đổi máy lưu động bố trí tại các thôn, bản, khu vực đông dân cư, Viettel phối hợp với tổ chuyển đổi số cộng đồng phổ cập kỹ năng số cho người dân.

Ngoài tiến hành tặng, giảm giá máy, các giải pháp khác đang được Viettel áp dụng đến từng thuê bao 2G còn lại, gồm: callbot (tổng đài) gọi điện, nhắn tin về thời điểm dừng công nghệ và các ưu đãi khi chuyển lên 4G, phát nội dung truyền thông trước các cuộc gọi đi của thuê bao 2G; đồng thời tư vấn chuyển đổi khách hàng lên 4G trước lịch tắt sóng 2G, chăm sóc các khách hàng chuyển đổi mới.

Thực hiện theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông, Viettel đã có những biện pháp cụ thể để tăng tốc chuyển đổi. Ở giai đoạn cuối, riêng trong tháng 8, hơn 3 triệu máy 2G được đổi lên 4G thành công.

Trong một năm qua, Viettel tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng 4G, lắp đặt hơn 6.000 trạm phát sóng vô tuyến 4G, đưa vùng phủ 4G đạt hơn 96%. Mục tiêu đến năm 2025, vùng phủ 4G sẽ đạt hơn 98% dân số.