1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Cước di động của các mạng GSM sẽ bằng nhau?

Theo đúng quy định, trong tuần này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có văn bản trả lời Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) về phương án giảm cước di động. Điều gì sắp xảy ra ?

Trong 2 phương án giảm cước mà VNPT trình Bộ Thông tin và Truyền thông, phương án giảm cước thứ nhất có mức cước di động sau khi được giảm gần ngang bằng với mức hiện nay của Viettel, phương án thứ hai có mức giảm lớn hơn và cước của 2 mạng di động MobiFone và VinaPhone sẽ thấp hơn cả Viettel sau khi giảm (nếu được phép). Theo đánh giá của các chuyên gia về viễn thông, với việc Viettel đã trở thành doanh ngiệp chiếm thị phần khống chế như MobiFone và VinaPhone, phương án được Bộ Thông tin và Truyền thông cho ý kiến sẽ đảm bảo sự công bằng về giá cước giữa các mạng GSM chiếm thị phần khống chế hay cước cơ bản của Viettel, MobiFone và VinaPhone sẽ là như nhau.

Bình luận về các thông tin hành lang rằng: “VinaPhone, MobiFone sẽ khó có thể được giảm cước bằng với cước Viettel hiện nay mà vẫn phải để mức cước cao hơn”, một chuyên gia về cước của VNPT nhận xét: “Sẽ rất khó có khả năng đó xảy ra. Khi Viettel đã trở thành doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế thì không thể duy trì việc bảo hộ cho mạng này có giá cước rẻ hơn các mạng GSM khác. Thêm vào đó, nếu không cho VinaPhone, MobiFone giảm cước bằng với Viettel trong khi các mạng này đều là doanh nghiệp có thị phần khống chế thì người bị thiệt hại lớn nhất chính là hàng chục triệu các khách hàng đang sử dụng dịch vụ thông tin di động của MobiFone và VinaPhone. Tại sao họ lại không được hưởng các ưu đãi về giảm cước như khách hàng của Viettel trong khi các nhà mạng là MobiFone và VinaPhone đã sẵn sàng giảm cước”.

Một chuyên gia về kinh tế thì nhận xét, trong bối cảnh lạm phát đang leo thang vào cuối năm, giá cả cứ tăng vù vù thì việc giảm cước di động sẽ là một biện pháp giúp hạn chế sự gia tăng của chỉ số giá nói chung. Bên cạnh đó, việc giảm mạnh cước di động sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí viễn thông của người tiêu dùng và các doanh nghiệp, giúp họ tăng cường sức cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay. “Việc này nên được khuyến khích thay vì hạn chế”, vị chuyên gia này nhận xét.

Cũng về vấn đề này, ông Đinh Việt Hưng, Trưởng phòng Giá cước Tiếp thị Công ty MobiFone cho biết: “Chúng tôi đã hoạt động hơn 10 năm, khấu hao cũng đã lớn, nên giá thành thấp, có đủ khả năng để giảm cước, đem lại lợi ích lâu dài cho các khách hàng của mình”. Ông Hưng cũng cho biết thêm, mặc dù giảm cước mạnh nhưng, MobiFone vẫn cam kết đảm bảo tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và đảm bảo cả phần tăng trưởng đối với đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Một chuyên gia lâu năm trong ngành viễn thông thì nhận xét: “Lâu nay việc chênh lệch về giá cước giữa các mạng GSM cũng dẫn tới việc các mạng không tập trung lắm về vấn đề chất lượng mà chỉ lo khuyến mại, giảm giá để phát triển mạnh thuê bao, mà hệ quả là thuê bao ảo phát sinh rất lớn. Nếu như giá cước lại được giảm mạnh và dẫn tới bình đẳng giữa các mạng chiếm thị phần chi phối thì họ sẽ buộc lòng phải tập trung vào vấn đề chất lượng nhiều hơn. Kết quả cuối cùng là hàng chục triệu khách hàng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ cả giá cước và chất lượng”.

Theo Hà nội mới online