Công nghiệp CNTT Việt Nam năm 2013 tăng trưởng ngoạn mục

(Dân trí) - Sách Trắng về Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam năm 2014 vừa công bố dấu hiệu khả quan của ngành CNTT với doanh thu toàn ngành trong năm 2013 đạt trên 39,5 tỷ USD, tăng ngoạn mục 55,3% so với năm 2012.

Công nghiệp CNTT Việt Nam năm 2013 tăng trưởng ngoạn mục
Công nghiệp phần cứng, điện tử đạt doanh thu trên 36,7 tỷ USD, chiếm tới 93% tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT năm 2013.

Việt Nam xuất siêu thiết bị di động

Theo Sách Trắng về Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam do Bộ Thông tin & Truyền thông vừa công bố hôm nay (26/10) cho thấy Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á về Chính phủ điện tử và thứ 99/193 quốc gia trong năm 2013. Trong đó, yếu tố về nguồn nhân lực của Việt Nam được đánh giá cao.

Trong năm 2013, nằm trong Top 10 nước châu Á có tốc độ tăng trưởng người dùng Internet nhanh nhất khu vực châu Á. Đứng thứ 3 Đông Nam Á, thứ 7 châu Á, đứng thứ 18 thế giới

Đặc biệt, theo Bộ TT&TT, doanh thu công nghiệp CNTT là điểm sáng của ngành CNTT-TT Việt Nam trong năm qua, đạt trên 39,5 tỷ USD tổng doanh thu, tăng ngoạn mục 55,3% so với năm 2012. Sự tăng trưởng cao này tiếp tục do sự duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng của lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử với doanh thu trên 36,7 tỷ USD tăng trưởng 59,7% và chiếm tới 93% tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT. Trong khi đó, công nghiệp phần mềm và nội dung số cũng tăng trưởng tương ứng là 12,7% và 13,9% tuy vậy mức tăng trưởng là vẫn cao hơn rất nhiều so với năm 2012.

Bộ TT&TT cho biết xuất khẩu sản phẩm CNTT trong năm 2013 đạt 34,76 tỷ USD, tăng trên 51,7% so với năm 2012, trong đó xuất khẩu điện thoại chiếm gần 63%, và đặc biệt tổng kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn nhập khẩu gần 8,4 tỷ USD. Những con số ấn tượng này được ghi nhận nhờ vào hoạt động hiệu quả của 2 nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung (SEV) tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Năm 2013, lần thứ 2, SEV là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu Việt Nam, với kim ngạch đạt 23,9 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. 

Về vấn đề an toàn thông tin, trong năm 2013, các cơ quan, tổ chức, đã được tăng cường an toàn thông tin với 73,8% đơn vị có cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin. Tuy nhiên, tỷ lệ trung bình áp dụng các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin còn thấp 24,4% và chỉ có 21,7% đơn vị là có thực hành thao tác xử lý sự cố máy tính.

Lĩnh vực Viễn thông gặp khó khăn, doanh thu giảm mạnh

Về lĩnh vực viễn thông, năm 2013, Bộ TT&TT cho biết lĩnh vực viễn thông, Internet có nhiều thay đổi do ban hành chính sách thắc chặt quản lý giá cước và thuê bao di động trả trước và sự bùng nổ của dịch vụ OTT. Số lượng thuê bao di động chỉ đạt 123,7 triệu thuê bao, giảm hơn 8 triệu thuê bao so với năm 2012, tương ứng giảm 6%.

Điều đáng nói là trong năm 2013, tổng doanh thu dịch vụ di động chỉ đạt trên 5 tỷ USD, giảm 21,3%, kéo theo tổng doanh thu viễn thông năm 2013 chỉ đạt 7,4 tỷ USD, giảm gần 26% so với năm 2012. Trong khi đó, doanh thu dịch vụ cố định đạt gần 452 triệu USD, tăng 14,6% và đặc biệt doanht hu dịch vụ Internet tăng trưởng ấn tượng gấp đôi so với năm 2012 đạt 965,5 triệu USD.

Trong khi đó, số thuế bao 3G đã cán mốc 19,7 triệu thuê bao, tăng gần 4 triệu thuê bao tương ứng với 25,4%. Số thuê bao cố định tiếp tục giảm, đạt trên 6,7 triệu thuê bao. Tuy nhiên, thuê bao Internet băng thông rộng cố định đạt gần 22,4 triệu thuê bao, tăng 11,3% nâng tổng số thuê bao Internet/100 dân đạt 22,93.

Năm 2013, Việt Nam có gần 33,2 triệu người sử dụng Internet, nâng số người sử dụng Internet/100 dân đạt 37. Trong khi đó, tổng băng thông kết nối Internet quốc tế đạt 640.000 Mb/giây, tăng tới gần 83% so với năm 2012.

Trong giai đoạn 2013-2014, thị trường viễn thông có sự biến động nhỏ về số lượng nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet đang hoạt động, cụ thể: đã có 11 nhà thiết lập mạng viễn thông công cộng ( tăng 2), 6 nhà cung cấp dịch vụ di động (không đổi) và 38 nhà cung cấp dịch vụ Internet (giảm 19).

Sách Trắng 2014 cung cấp thông tin, số liệu thuộc các lĩnh vực của ngành CNTT-TT như Sách Trắng các năm trước đồng thời bổ sung thêm nhiều thông tin hữu ích, như: cơ cấu xuất nhập khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử, các kênh phát thanh-truyền hình, trang thông tin điện tử, trò chơi trực tuyến và mạng xã hội, nghiên cứu-phát triển ngành CNTT-TT.

Đây là năm thứ 6 Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT và Bộ TT&TT phối hợp cùng với các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trên cả nước để xây dựng và xuất bản cuốn sách.

Khôi Linh