Dự thảo “Đề án tăng tốc sớm đưa VN trở thành quốc gia mạnh về CNTT:

Còn quá nhiều lỗ hổng!

(Dân trí) - Kỳ vọng phát triển quá lớn nhưng thiếu hẳn những khảo sát mang tính chất cốt yếu để có thể đưa ra đường hướng phát triển. Nguồn kinh phí khổng lồ nhưng chỉ tập chung ở một hướng…

Đó là những nhận xét của các chuyên gia về Dự thảo “Đề án tăng tốc sớm đưa VN trở thành quốc gia mạnh về CNTT mà Bộ TT-TT đưa ra lấy ý kiến.

Theo dự thảo đề án này, đến năm 2015, Việt Nam đứng thứ 70 trở lên trong các bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) về CNTT, có tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỷ trọng 17 - 20% trong GDP, và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm gấp từ 2 - 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Còn quá nhiều lỗ hổng! - 1
Nhân lực CNTT tại Việt Nam vẫn quá ít ỏi so với khát vọng phát triển. (Ảnh MH)
 
Dự thảo đặt mục tiêu, đến năm 2020, VN đứng thứ 60 trở lên trong các bảng xếp hạng của ITU về CNTT, có tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỷ trọng 20 - 23% trong GDP, và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm lớn hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng cái đích mà đề án đặt ra khá cụ thể nhưng điều cần nhất là những nghiên cứu sâu, đánh giá hiện trạng của phát triển CNTT-TT quốc gia và khu vực, dự báo cho sự phát triển của CNTT thế giới những năm 2015- 2020 thì mới có thể xem xét cái đích mà Đề án đặt ra có khả thi hay không.

GS.TSKH Nguyễn Xuân Quỳnh thì cho rằng cần xem xét lại mục tiêu tổng quát đạt thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng của ITU,  bởi cách xếp hạng dựa vào những tiêu chí ngành của ITU không phản ánh đúng hiện thực phát triển nội địa của VN.

 “Mục tiêu đến 2015 tổng doanh thu trong lĩnh vực CNTT đạt 17-20% và  đến năm 2020 đạt 20-23% GDP là khó thực hiện. Muốn phát triển nhanh và đột phá, quốc gia nào cũng phải chú trước đến hai yếu tố : Môi trường bứt phá CNTT và nguồn nhân lực vững chắc. Nhưng trên thực tế nguồn nhân lực thì nước ta vẫn đang quá thiếu và yếu.”- GS Quỳnh nhận xét.

Thứ trưởng Bộ KH&CN còn bày tỏ sự ý kiến lo ngại  về nguy cơ lãng phí đầu tư và chồng chéo khi Đề án này được đưa ra. Bởi trong 5 năm qua, đã có nhiều chương trình Quốc gia lớn đang thực hiện và chưa có báo cáo kết quả như: Chương trình quốc gia về phát triển Công nghệ cao (trong đó CNTT-TT được xác định là một trong 4 nhóm công nghệ được ưu tiên đầu tư phát triển), Chương trình đổi mới CN quốc gia...

Hơn nữa, nếu Đề án được Chính phủ thông qua thì vấn đề phân bổ kinh phí cũng phải xem xét lại. Với tổng kinh phí dự kiến của là 143.998 tỷ đồng (khoảng hơn 8 tỷ USD) song tỷ trọng kinh phí phân bổ cho các nội dung lại không cân đối. Ví dụ “mảng phát triển hạ tầng mạng viễn thông băng rộng” được dự kiến kinh phí 131 nghìn tỷ đồng chiếm gần 91% dự trù . Điều này cho thấy “phát triển hạ tầng viễn thông” tiếp tục là mũi nhọn được đầu tư trong 5-10 năm tới. Định hướng này chưa hợp lý bởi đào tạo nhân lực và CN phần mềm - cột trụ được xác định tương đương với phát triển hạ tầng lại được đầu tư quá ít”- ông Quân nói.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần phải làm rõ khái niệm “Quốc gia mạnh về CNTT”.  Nếu hiểu đúng thì quốc gia đó phải phát triển mạnh cả 4 trụ cột chính là: hạ tầng CNTT-TT, ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT và nhân lực CNTT-TT.

Thanh Trầm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm