Con đường nào để biến những doanh nghiệp vô danh trở thành nổi tiếng?
(Dân trí) - Chuyển dịch số hóa (Digital Transform) đã và đang biến những doanh nghiệp vô danh trở thành nổi tiếng trong thời gian ngắn. Làm chủ được con sóng này cũng đồng thời là mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp.
“Thế giới đang đứng trước cơn bão của những công nghệ mang tính đột phá và tại trung tâm của cơn bão này là khách hàng”. Đây là nhận định của ông Kitman Cheung – Giám đốc công nghệ của IBM tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong buổi hội nghị được IBM Watson tổ chức tại Hà Nội vào ngày 8/6. Buổi hội thảo hướng đến đối tượng là doanh nghiệp, nhằm mang đến một cái nhìn mới về tương lai cùng sự giúp sức của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và những đổi mới về công nghệ khác.
Tại sự kiện, ông Kitman Cheung cho biết đổi mới về công nghệ, các mô hình kinh doanh mới, sự biến đổi kinh tế, thay đổi trong hành vi tiêu dùng,.. là những điều chắc chắn sẽ xảy đến trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình để bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng 4.0. “Và với một sự chuẩn bị kỹ càng, chúng ta sẽ có ít câu hỏi hơn và có nhiều câu trả lời hơn cho các vấn đề trong cuộc sống”, ông Cheung nói.
Theo ông, IBM sẽ không tìm cách để thay đổi mọi thứ, mà chỉ xây dựng một nền tảng thông minh đóng vai trò là bệ phóng, là trợ thủ đắc lực để chúng ta thực hiện các hoạt động đời thường một cách dễ dàng hơn, và tập đoàn sẽ đóng vai trò là đối tác đáng tin cậy để các doanh nghiệp liên kết trong cuộc cách mạng công nghệ.
Được biết trong một vài năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tìm cách để nắm bắt với các xu thế công nghệ nổi tiếng trên thế giới, qua đó có thể cạnh tranh với các công ty lớn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên nỗ lực này vẫn đang gặp phải nhiều trở ngại đầy khó khăn.
Tại buổi hội nghị IBM Summit, ông Võ Tấn Long – Giám đốc Ngân hàng số VP Bank cho biết chuyển dịch số hóa (hay Digital Transform) là một định hướng được rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp cận và nhìn nhận đây là một bước đi quan trọng trong sự phát triển trong tương lai.
Theo ông, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chọn sử dụng công nghệ với mong muốn tiếp cận với khách hàng tốt hơn. “Quá trình số hóa là tập trung vào khách hàng và giúp thấu hiểu khách hàng tốt hơn, có phương pháp tiếp cận tốt hơn, tạo ra cho họ một trải nghiệm hoàn toàn khác”, ông Long cho biết.
Theo đó bất kỳ doanh nghiệp nào cũng mong muốn được cải thiện, biến đổi sản phẩm của mình một cách cơ bản, đưa sản phẩm tới khách hàng dễ dàng hơn khi gắn liền với các hoạt động thường ngày.
Ông cũng nhận định: “Quá trình chuyển đổi số hóa tại Việt Nam vẫn đang bắt gặp muôn vàn khó khăn trước những khái niệm mới, cũng như niềm tin vào một đối tác có thể giúp họ đảm bảo tăng trưởng, hoặc niềm tin vào dữ liệu được chia sẻ”.
Góp mặt tại sự kiện, ông Nguyễn Trọng Huấn, Chủ tịch công ty Five9 đồng tình: “Nền tảng công nghệ đã sẵn sàng, tuy nhiên các doanh nghiệp thì chưa thực sự sẵn sàng để tham gia. Thay vào đó, vẫn phần nào e ngại về sự thành công khi ứng dụng các công nghệ mới vào hệ thống vốn đang hoạt động rất ổn định của mình”
Đây là yếu tố quan trọng đang góp phần “kìm hãm” sự phát triển và áp dụng những xu thế mới của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Trên thế giới, đã có nhiều công ty, tập đoàn lớn đầu tư hàng tỉ USD vào chuyển dịch số hóa sang các lĩnh vực xung, giúp mang đến những giá trị thiết thực cho cuộc sống con người, và họ đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ sau khi thực hiện chuyển đổi.
Nguyễn Nguyễn