Cơ quan nhà nước và doanh nghiệp phải làm gì trong công cuộc chuyển đổi số?

(Dân trí) - Chương trình hội thảo "Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức" đã mang đến cho khách mời cái nhìn khái quát, tổng quan, và những mục tiêu mà chúng ta phải đối mặt trong CMCN 4.0.

ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội TTS Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với Việt Nam.
ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội TTS Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với Việt Nam.

Sáng nay (19/11) tại Hà Nội, Hội truyền thông số Việt Nam đã tổ chức chương trình hội thảo với chuyên đề "Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức" nhằm đưa ra một bức tranh tổng quan về tình hình chuyển đổi số trong CMCN 4.0 tại Việt Nam, và chỉ ra những mục tiêu cụ thể mà các cơ quan nhà nước, cũng như các doanh nghiệp, người dân cần nắm bắt.

Phát biểu khai mạc tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội TTS Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thời buổi ngày nay. "Việt Nam không nằm ngoài tiến trình đang diễn ra của CMCN 4.0 trên thế giới, và tất cả lĩnh vực, các ngành đều cần phải thay đổi để có thể thích ứng với những phát triển của công nghệ", Thứ trưởng cho biết.

"Công cuộc chuyển đổi số (CĐS) không còn là việc riêng của bất kỳ một đơn vị tổ chức hay doanh nghiệp nào, mà tất cả đều phải chấp nhận sự thay đổi. Nếu không thay đổi thì sẽ bị tụt lại phía sau, và có thể đe dọa tới sự tồn tại", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng khẳng định.

Khái niệm chuyển đổi số thực chất là gì?

Chuyển đổi số (Digital Transformation) có rất nhiều khái niệm từ nhiều tổ chức trên thế giới.
Chuyển đổi số (Digital Transformation) có rất nhiều khái niệm từ nhiều tổ chức trên thế giới.

Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT đã có bài phát biểu về quá trình CĐS, bắt đầu ngay từ khái niệm vẫn còn đang bị lẫn lộn của tên gọi này.

Được biết chỉ riêng tên gọi CĐS thôi, nhưng trên thế giới đã có rất nhiều khái niệm. Thí dụ như theo Gartner, CĐS là việc sử dụng các công nghệ thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội và doanh thu mới. Còn đối với Microsoft, họ đưa ra khái niệm về CĐS là việc tư duy lại cách thức, tổ chức, tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo ra những giá trị mới.

CĐS là thay đổi một cách tổng thể và toàn diện liên quan tới những lĩnh vực về đời sống, xã hội, làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc, giao dịch với nhau.

Sau khi nghiên cứu rất nhiều khái niệm khác nhau, ông Nguyễn Thành Phúc cho hay CĐS trước hết cần phải gắn với những đối tượng rõ ràng, là con người, doanh nghiệp, và với cơ quan nhà nước.

Cụ thể đổi với con người, CĐS là quá trình làm thay đổi cách thức chúng ta sống, làm việc, giao dịch với nhau. Đối với doanh nghiệp, CĐS là việc sử dụng các công nghệ số và dữ liệu để làm thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới. Đối với cơ quan nhà nước, CĐS là quá trình làm thay đổi trải nghiệm của người dân đối với các dịch vụ mà nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình, mô hình, phương thức hoạt động của cơ quan nhà nước.

Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc cũng đánh giá quá trình CĐS thực chất đang diễn ra tại Việt Nam, chỉ có điều nó thiếu đi một cách tiếp cận tổng thể, đầy đủ dưới góc độ một quốc gia.

Cơ quan nhà nước phải làm gì trong công cuộc chuyển đổi số?

ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT nhấn mạnh cụ thể những điều cần làm trước mắt đối với cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để hướng tới chuyển đổi số.
ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT nhấn mạnh cụ thể những điều cần làm trước mắt đối với cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để hướng tới chuyển đổi số.

Với phương diện là cơ quan nhà nước, việc thích ứng và thay đổi trong CMCN 4.0 đóng vai trò quyết định cho sự thành công của cả quá trình.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phúc cho biết: "Tính cấp thiết của CĐS được thể hiện thông qua một nghiên cứu thực hiện năm 2017 của Microsoft cho biết quá trình này đem lại giúp GDP tăng khoảng 6%".

"Dựa theo nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy những quốc gia nào quan tâm tới chuyển đổi số thì có thể đạt được tỷ trọng trên 5%, và nếu không quan tâm thì chúng ta vẫn ở mức bình thường", ông Nguyễn Thành Phúc đánh giá.

Đối với các cơ quan nhà nước, theo ông Nguyễn Thành Phúc, thì mục tiêu cũng như thách thức đặt ra ở đây đó là chuyển đổi từ một hệ thống dữ liệu đóng trở thành dữ liệu mở, nhằm tạo kết nối chia sẻ dữ liệu. Điều này đóng vai trò là tiền đề giúp thúc đẩy cho hoạt động CĐS của doanh nghiệp, cũng như người dân được thuận tiện.

"Vừa rồi khi sang Singapore, tôi thấy họ sử dụng chính dữ liệu của người dùng gửi lên để lập quy hoạch giao thông đô thị, thí dụ như khu nào đông dân cư, khu nào thường xuyên ách tắc,... từ đó thực hiện những biện pháp như bố trí bao nhiêu xe bus tại một khu dân cư là hợp lý", ông Nguyễn Thành Phúc chia sẻ.

Bên cạnh đó khi CĐS, các cơ quan nhà nước cũng phải sử dụng hệ thống phân tích dữ liệu, có thể là từ AI, để giải quyết số hóa các nguồn thông tin đầu vào, không còn phụ thuộc vào giấy tờ, văn bản hành chính.

"Nhờ vậy, chúng ta sẽ loại bó khá nhiều các bước trung gian không cần thiết, góp phần đẩy nhanh tốc độ, sự hiệu quả của hoạt động này".

Còn doanh nghiệp thì sao?

Goviet - đơn vị đi tiên phong của Việt Nam, cùng với Grab, là những hình mẫu điển hình cho chuyển đổi số đối với doanh nghiệp.
Goviet - đơn vị đi tiên phong của Việt Nam, cùng với Grab, là những hình mẫu điển hình cho chuyển đổi số đối với doanh nghiệp.

Chuyển đổi số cũng góp phần tăng năng suất lao động, và theo ông Nguyễn Thành Phúc, thì đây là yếu tố mà Việt Nam luôn phải quan tâm. "Chúng ta đang phát triển với tốc độ năng suất lao động thấp hơn tăng trưởng GDP bình quân của đất nước", ông Nguyễn Thành Phúc chia sẻ.

Với đối tượng là doanh nghiệp, CĐS như đã trình bày, được tóm gọn là quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số. Thí dụ điển hình có thể kể ra là các dịch vụ đặt xe, bắt xe online, đặt phòng khách sạn, hay những đơn vị TMĐT.

Với một số doanh nghiệp, CĐS còn có thể hiểu là việc ứng dụng tích hợp các chip trên sản phẩm để từ đó đưa vào vòng sinh thái IoT. Ngoài ra, CĐS cũng là chuyển đổi từ quy trình sản xuất truyền thống sang mô hình sử dụng dữ liệu và robot, AI.

"Sắp tới chúng ta sẽ thấy các nhà máy sản xuất không còn công nhân nữa. Đây là điều hoàn toàn có thể thực hiện khi mà robot dần trở nên phổ biến và có chi phí rẻ hơn", ông Nguyễn Thành Phúc nhận định.

Bên cạnh những mục tiêu thiết thực và cấp thiết đối với 2 đối tượng chính là cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong công cuộc CĐS, buổi hội thảo còn ghi nhận nhiều đóng góp, chia sẻ về kinh nghiệm đến từ các diễn giả, khách mời của sự kiện.

Qua đó, hội thảo nhất trí với quan điểm rằng Việt Nam thực sự đang đứng trước một cơ hội lớn để sánh vai với các cường quốc năm châu, nhưng đi kèm với đó là những thử thách thực sự đối với tất cả, từ cấp người dân, doanh nghiệp, cho tới bộ máy lãnh đạo.

Nguyễn Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm