Chuyện khó tin: Qualcomm được đề nghị mua lại với giá 130 tỷ USD

(Dân trí) - Hãng sản xuất chip bán dẫn Broadcom của Mỹ đã có động thái bất ngờ khi đề nghị mua lại hãng sản xuất chip di động lớn nhất thế giới Qualcomm với giá lên đến 130 tỷ USD. Nếu thành công thì đây là thương vụ lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ và giúp Broadcom trở thành hãng sản xuất chip lớn thứ 3 thế giới.

Broadcom đã đưa ra mức giá 70USD/cổ phiếu của Qualcomm, trả bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu của Broadcom, giúp cho tổng giá trị của thương vụ ước tính đạt 130 tỷ USD.

Chủ tịch và CEO Hock Tan của Broadcom tự tin rằng thương vụ này là không thể cưỡng lại được cho các cổ đông và người có liên quan trong cả hai công ty và sự kết hợp giữa hai công ty sẽ giúp mở rộng hoạt động quy mô lớn hơn trong nhiều phạm vi sản phẩm.

Nếu Broadcom có thể thuyết phục được ban lãnh đạo của Qualcomm cho thương vụ kỷ lục này, công ty mới sáp nhập giữa hai bên sẽ trở thành hãng sản xuất chip lớn thứ 3 trên thế giới, xếp sau Intel và Samsung.

Nếu thành công thương vụ Broadcom và Qualcomm là thương vụ lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ
Nếu thành công thương vụ Broadcom và Qualcomm là thương vụ lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ

Các chuyên gia nhận định thương vụ được đưa ra vào thời điểm được tính toán kỹ. Cổ phiếu của Broadcom đã tăng 60% trong năm qua, trong khi đó Qualcomm đang có những bước chững lại vì doanh thu của công ty bị đe dọa bởi cuộc chiến pháp lý đang gặp phải với Apple về cáo buộc vi phạm bằng sáng chế. Tính đến hết tuần trước khi thị trường chứng khoán đóng cửa, Qualcomm có vốn hóa thị trường đạt 91 tỷ USD, trong khi Broadcom có vốn hóa thị trường 112 tỷ USD. Giá cổ phiếu của cả hai công ty đã tăng mạnh trong tuần mới sau khi thương vụ được công bố.

Đây là thương vụ “bom tấn” tiếp theo trong ngành công nghệ nói chung và ngành sản xuất chip bán dẫn nói riêng trong thời gian gần đây. Mới đây hãng phần mềm Softbank đã chi ra 31 tỷ USD để mua lại hãng thiết kế chip ARM, Intel cũng đã chi ra 16,7 tỷ USD để mua lại Altera hay bản thân Qualcomm cũng đang có những nỗ lực không ngừng để mua lại NXP Semiconductors với giá 39 tỷ USD.

Những thương vụ “bom tấn” trong ngành sản xuất chip bán dẫn được thúc đẩy bởi những thay đổi trong công nghệ hiện đại, khi các thiết bị thông minh đang trở nên phổ biến hơn, các thiết bị kết nối Internet từ xe hơi, tủ lạnh đến cả máy rửa chén... ngày càng được phát triển đòi hỏi phát triển những thế hệ chip bán dẫn mới thông minh hơn để đáp ứng nhu cầu.

Mặc dù thương vụ mới được Broadcom công bố tuy nhiên có vẻ như Qualcomm không đồng ý với mức giá 130 tỷ USD dược đưa ra, mà theo các nguồn tin thì mức giá này “hạ thấp giá trị của Qualcomm”. Đại diện của Qualcomm hiện mới chỉ cho biết “đang cân nhắc về thương vụ” chứ chưa đưa ra câu trả lời.

Broadcom là công ty nào và vì sao chấp nhận chi ra số tiền khổng lồ để mua Qualcomm?

Nói về danh tiếng thì Broadcom được ít người biết đến hơn so với Qualcomm, khi mà Qualcomm gắn liền với dòng chip di động Snapdragon đang được sử dụng rộng rãi trên smartphone thuộc các phân khúc từ bình dân đến cao cấp và được sử dụng trên nhiều thiết bị thông minh khác.

Cũng như Qualcomm, Broadcom là hãng sản xuất chip bán dẫn có trụ sở tại California (Mỹ), sản xuất chip và các linh kiện sử dụng cho máy tính, smartphone, máy chủ, máy chơi game... Broadcom cũng sản xuất màn hình LED, chip kết nối Wifi, Bluetooth... Mặc dù ít được nhắc đến nhưng chip của Broadcom cũng được sử dụng trên nhiều thiết bị của HTC, Google, Apple...

Năm 2016, Broadcom được xếp thứ 5 về doanh số trong các hãng sản xuất chip bán dẫn, trong khi Qualcomm xếp ở vị trí thứ 3, sau Intel và Samsung.

Tuy nhiên hiện tại Broadcom đã chậm chân trong cuộc đua phát triển phần cứng đáp ứng công nghệ mạng 4G và 5G, trong khi Qualcomm lại là một trong những công ty tiên phong ở lĩnh vực này. Với việc thâu tóm Qualcomm sẽ giúp Broadcom “đi tắt” trong cuộc đua mạng di động đang bùng nổ. Vấn đề còn lại của Broadcom là phải thuyết phục được Qualcomm chấp nhận với mức giá mà mình đưa ra.

T.Thủy
Tổng hợp