Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: "Chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu"

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Trong xu thế chuyển đổi số chung của tất cả ngành nghề, lĩnh vực, thì chuyển đổi số báo chí cũng sẽ trở thành xu thế tất yếu ở tất cả các cơ quan báo chí.

Đây là nhận định của ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội thảo "Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số" diễn ra sáng nay (17/8).

"Một kỷ nguyên mới của báo chí số, công nghệ số, hội tụ công nghệ và hội tụ nội dung đã hình thành và đang phát triển mạnh mẽ", ông Minh cho biết.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu - 1

Hội thảo "Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số" diễn ra sáng 17/8 (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Theo ông Minh, việc hội tụ 2 yếu tố bao gồm nội dung và công nghệ, được xem như là chìa khóa để mở ra con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn hiện đại.

Để thực hiện điều này, ông Minh cho rằng cần có một sự tích hợp và hội tụ cả về nội dung, lẫn hình thức xuất bản của một tờ báo, hướng đến mô hình "tòa soạn số".

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng nỗ lực này sẽ làm thay đổi toàn diện bộ mặt của ngành báo chí, đặc biệt là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, bám sát hơn với tình hình thực tiễn.

Song song với đó, là cơ hội giúp báo chí chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm…

Tòa soạn số cũng là tiền đề để tiếp tục thực hiện nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin.

Qua đó, bảo đảm việc chỉ đạo, cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời và thuyết phục, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, để báo chí chính thống giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu - 2

Ông Lê Quốc Minh kêu gọi các tòa soạn xây dựng mô hình "tòa soạn số", cho rằng đây là xu thế tất yếu (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cho rằng thực chất, chuyển đổi số báo chí chính là việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động báo chí.

Từ đó, giúp xây dựng hệ sinh thái báo chí số thông qua việc nâng cao hiệu quả, đa dạng phương thức truyền tải thông tin tới xã hội.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các diễn giả đã làm rõ luận cứ khoa học của nội hàm "tòa soạn số", của công nghệ chuỗi khối (blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí truyền thông hiện nay.

Cùng với đó, các vấn đề về hành lang pháp lý trong hoạt báo chí số và tòa soạn số cũng được đưa ra thảo luận, kèm theo đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi để thực hiện chuyển đổi hoạt động tòa soạn của các cơ quan báo chí hướng tới xây dựng mô hình tòa soạn số tại các cơ quan báo chí ở Việt Nam hiện nay.

Hai trong số những công nghệ nổi bật được nhắc tới tại hội thảo là AI trong sản xuất tin tức và video tự động dựa trên từ khóa. Bên cạnh đó, các tòa soạn cũng có thể cân nhắc sử dụng các công nghệ tạo văn bản tự động như: Chat GPT, LlaMa, Bard... cũng như tạo video tự động.

Theo ý kiến của các chuyên gia, điều này góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm thời gian tạo nội dung văn bản, ảnh và video, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng của các cơ quan báo chí.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu - 3

TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, chỉ ra những lợi thế và những điểm cần lưu ý khi áp dụng công nghệ tự động trong xuất bản (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế trong việc áp dụng công nghệ tự động, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo rằng nếu lạm dụng mà không có sự kiểm soát, sẽ gây ra sự "hỗn loạn".

Bởi vậy, các hội thảo đã kêu gọi sự vào cuộc từ các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông nhằm làm rõ luận cứ khoa học của nội hàm "tòa soạn số", cũng như chung tay tạo ra một mô hình hiệu quả, có thể áp dụng vào thực tiễn.

Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền.

Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng, hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ. Bên cạnh đó, 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm