1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

TS Nguyễn Long- Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam:

Chủ nhân giải thưởng NTĐV phải chứng minh được mình là nhân tài

(Dân trí) - Vào các ngày 17,18/11, công tác chấm Chung khảo Giải thưởng NTĐV 2013 trong lĩnh vực CNTT sẽ bắt đầu. Tiến sĩ Nguyễn Long, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo cho rằng đối với sản phẩm được chọn để trao giải nhất, chủ nhân giải thưởng phải chứng minh được mình là nhân tài.

Là Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo (HĐSK) trong nhiều năm qua, TS Nguyễn Long cho rằng Nhân tài Đất Việt (NTĐV) hiện đang là giải thưởng có sức thu hút nổi bật nhất trong các giải thưởng về Khoa học – Công nghệ và Đào tạo, điểm nổi trội là tính cộng đồng của Giải thưởng và được các cơ quan nhà nước đánh giá cao và ủng hộ, giải thưởng đã mở rộng lĩnh vực với điểm mới - Môi trường trong năm 2013.
 
Tuy nhiên riêng lĩnh vực CNTT-VT vẫn giữ format ban đầu là cuộc thi sáng tạo SẢN PHẨM chứ không tìm kiếm CÔNG TRÌNH và TÁC GIẢ thành danh. 
 
Buổi họp báo công bố sản phẩm CNTT lọt chung khảo NTĐV 2013.
TS Nguyễn Long (ngoài cùng bên trái) trong buổi họp báo công bố sản phẩm CNTT lọt chung khảo NTĐV 2013 (ảnh Hữu Nghị)
 
Chia sẻ với Dân trí, ông cho biết, 9 năm NTĐV trong lĩnh vực CNTT vẫn thu hút đông đảo thí sinh tham dự. Từ các cá nhân đến tập thể, từ học sinh nhỏ tuổi đến các cụ cao tuổi đều tìm tòi công nghệ để sáng tạo và mong muốn sản phẩm ứng dụng của mình được đánh giá sơ khảo và vinh dự bảo vệ CHUNG KHẢO. Giải thưởng luôn đổi mới, từ các sản phẩm ứng dụng những năm đầu chuyển sang 2 nhánh “Có tiềm năng ứng dụng và Đã ứng dụng thành công có hiệu quả”, năm nay theo xu thế công nghệ thêm lĩnh vực thứ 3 - Ứng dụng cho di động.
 
"Điểm nổi bật trong năm nay là cả 3 nhánh trong lĩnh vực CNTT đều có những sản phẩm đáng chú ý lọt vào vòng Chung khảo, trong đó có các sản phẩm của nhóm tác giả đã từng đoạt giải NTĐV và các giải thưởng có giá trị khác", ông Long nói.   

 - Đối với 10 sản phẩm của 1 nhóm tác giả trong cuộc thi năm nay, ông cho biết phải nhờ cả "một Bộ môn công nghệ” chấm, xin hỏi đó là bộ môn của trường Đại học hay Viện nào?

- Thực ra nếu cả 10 sản phẩm này là các sản phẩm khác nhau (về công nghệ và hướng ứng dụng) thì việc đánh giá tại vòng sơ khảo sẽ diễn ra bình thường. Tuy nhiên nếu vẫn trên nền tảng phát triển “chung” thì việc chia ra để đánh giá sẽ dễ dẫn đến sự “khác biệt và khập khễnh”, chính vì vậy ngoài bình chấm hội đồng sơ khảo, chúng tôi mời Bộ môn Công nghệ phần mềm – trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành test sản phẩm và bình chấm nhằm có thể đưa ra các đánh giá tốt nhất về sản phẩm.
 
HĐSK trên cơ sở “đánh giá tập trung” làm sở cứ để bình chấm vào chung khảo. Việc này cũng là công việc thường xuyên của HĐSK trong các năm khi có nhiều sản phẩm cùng phát triển theo cùng hướng ứng dụng hay cùng một nền tảng công nghệ (thí dụ như: nhận dạng tiếng Việt, quản trị bệnh viện, quản trị doanh nghiệp, mạng tương tác …)
  
NTĐV
TS Nguyễn Long công bố 18 sản phẩm CNTT được vào Chung khảo NTĐV 2013 (ảnh Hữu Nghị).

 - Lĩnh vực ứng dụng di động hiện phát triển rất nóng từ vài năm trở lại đây. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của lĩnh vực này tại Việt Nam?

- Theo sách trắng CNTT, Việt Nam có trên 31 triệu người sử dụng internet, 16 triệu thuê bao 3G, cho thấy các nhu cầu sử dụng ứng dụng tích hợp internet và di động hứa hẹn là một lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, nếu so sánh 16 triệu 3G/131 triệu thuê bao đi động cho thấy tiềm năng ứng dụng di động sẽ còn rất nhiều cơ hội để phát triển nhanh và mạnh. Môi trường cho phát triển ứng dụng di động ở Việt Nam có lẽ còn chưa thực sự thúc đẩy tiềm năng sáng tạo.
 
Bảo Trung- Hữu Nghị
TS Nguyễn Long (phải) và Tổng Biên tập báo Dân trí Phạm Huy Hoàn trong buổi đánh giá Sơ khảo các sản phẩm CNTT dự thi Giải thưởng NTĐV 2013 (ảnh Hữu Nghị)
 
Tuy đã có các ứng dụng di động Việt nổi trội trong vài năm gần đây, nhưng vẫn còn ít các ứng dụng được sử dụng rộng rãi, khả năng sáng tạo và hiệu quả còn thấp chưa cạnh tranh được các ứng dụng toàn cầu thu hút người dùng trên nền tảng 3G. Các kho (store) ứng dụng di động của Việt Nam chưa thật khuyến khích cho sáng tạo từ cộng đồng nên các ứng dụng tốt (của Việt Nam) thường xuất hiện tại các Store toàn cầu hoặc là ứng dụng chuyên biệt của các doanh nghiệp. Hy vọng trong một vài năm tới khi 3G là công cụ hữu hiệu với số đông người sử dụng chắc chắn sẽ thu hút nhiều các sản phẩm sáng tạo ứng dụng di động Việt. 

- Các sản phẩm tham gia lĩnh vực ứng dụng cho di động trong giải thưởng NTĐV năm nay là mới mẻ, nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của HĐSK, cụ thể như thế nào thưa ông?

- Sơ bộ qua 5 sản phẩm vào Chung khảo chưa rõ nét các sản phẩm có tiềm năng được ứng dụng rộng rãi. Có thể do năm đầu tiên, nên các sản phẩm tham dự đều thiên theo hướng giải pháp - công nghệ hoặc ứng dụng thông dụng chưa hướng nhiều đến ứng dụng được cộng đồng hưởng ứng.
 
 - HĐSK có chịu áp lực gì về sản phẩm của nhà tài trợ tham gia hay không, cụ thể là VNPT?
 
- Không có áp lực nào cả, sáng tạo và ứng dụng hiệu quả là tự thân từ sản phẩm, Hội đồng cũng chỉ giúp đánh giá và so sánh các sản phẩm tốt nhất với nhau để bình chọn, tìm ra các sáng tạo xuất sắc nhất, các ứng dụng hiệu quả nhất. Nên dù sản phẩm từ Nhà Tài trợ tham gia hay không cũng khó có thể tạo ra khác biệt (khác mội số giải thưởng tôn vinh thường hay gắn với danh vị tài trợ). Đã 9 năm qua, chưa thấy sản phẩm nổi trội nào từ Nhà tài trợ VNPT, hi vọng năm nay các sản phẩm từ các thành viên VNPT đã lọt vào vòng Chung khảo sẽ chứng minh trước Hội đồng  sản phẩm của mình xứng đáng đoạt giải NTĐV. 
Chủ nhân giải thưởng NTĐV phải chứng minh được mình là nhân tài (bài đang sửa)
TS Nguyễn Long trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc về Giải thưởng NTĐV 2013 tại tòa soạn Dân trí.

- HĐSK đã góp sức rất lớn vào việc bảo vệ uy tín Giải thưởng bằng cách chấm chọn sản phẩm rất khắt khe. Ông có thể nêu ra những khó khăn khi chấm chọn sản phẩm nổi bật trong số nhiều sản phẩm “na ná” nhau?

- NTĐV là giải thưởng cộng đồng, không bị gò ép theo một cơ chế quản lý hành chính nào. Chính vì vậy chỉ có các sản phẩm thực sự có tiềm năng (sáng tạo và ứng dụng hiệu quả) mới có cơ hội vào vòng Chung khảo. Ngoài ra có rất nhiều sản phẩm đã có các giải thưởng khác nhau (kể cả giải NTĐV đi thi tiếp) nên công việc đánh giá của HĐSK rất nặng nề và có những khó khăn nhất định.
 
Tuy nhiên với tiêu chí tìm ra các sản phẩm sáng tạo và ứng dụng xứng đáng nhất, có cơ hội nhất để bảo vệ vòng Chung khảo đã giúp HĐSK chấm bình chọn các sản phẩm phong phú và đa dạng. HĐSK cũng có nhiều khó khăn khi phải lựa chọn các sản phẩm “na ná” giống nhau, nhưng với định hướng (thí dụ như) nếu là ứng dụng đã có trên thị trường thì phải mới hơn, áp dụng công nghệ mới hơn các ứng dụng trước đó; nếu là công nghệ mới thì thực sự khẳng định được là sản phẩm sáng tạo của chính mình; đã đoạt giải tham dự tiếp thì phải rõ tính hơn hẳn, đổi mới trong sản phẩm cả về công nghệ cũng như định hướng thị trường …
 
Trong tập thể HĐSK còn có các nhà khoa học về CNTT nên việc bình chấm khắt khe đầu tiên là các sản phẩm ngoài ý tưởng sáng tạo cần phải có cả tính khoa học và công nghệ đáp ứng tiêu chí của Giải thưởng.

 - Trong buổi công bố sản phẩm được chọn vào Chung khảo, ông nói qua kinh nghiệm 9 năm, HĐSK có thể thể đúc kết chính xác sản phẩm nào có ích cho xã hội. Ông có thể chia sẻ sâu hơn về điều này?

- Thực ra đây không phải là việc của HĐSK. BTC đã duy trì tới 9 năm Giải thưởng cũng nên mời các Nhà sáng tạo đã đoạt giải và đã từng vào Chung khảo các kỳ NTĐV tụ họp để cùng nhìn lại đánh giá sẽ rõ ràng hơn.
 
Tôi rất vui mừng và hãnh diện được thấy các sản phẩm đoạt giải hoặc vào chung khảo các kỳ NTĐV đã và đang có những thành công nhất định. Phải kể đến: sản phẩm Chip Việt được Nhà nước đầu tư sản xuất với quy mô lớn, eLearning của nhóm AI đã có thương hiệu và thành công, ChoDienTu cũng rất thành công …. Tuy không kể hết, tuy vẫn còn các sản phẩm lặng lẽ “biến mất” nhưng NTĐV trong lĩnh vực CNTT cũng đã tìm ra được nhiều gương mặt điển hình có ích cho xã hội và thúc đẩy sáng tạo và ứng dụng CNTT.

 - Ông từng bày tỏ việc mong muốn các nhà mạng, nhà khai thác cùng nhìn nhận và đánh giá sản phẩm dự thi trên lĩnh vực di động. Xin ông cho biết cụ thể hơn?

- Với lĩnh vực ứng dụng di động, đặc biệt nếu là ứng dụng xã hội – cộng đồng thì người dùng sẽ là những người đánh giá tốt nhất. Để có các sản phẩm ứng dụng di động Việt xuất sắc, hiệu quả các nhà khai thác (không nhiều) hãy cùng phối hợp tham gia tạo môi trường ứng dụng thử nghiệm (trong thời gian thi) lấy ý kiến người dùng (số lượng, chất lượng) và sẵn sàng chia sẻ quyền lợi kinh doanh cùng tác giả thì chắc chắn sẽ có đông sản phẩm dự thi và sẽ có nhiều ứng dụng xuất sắc, hiệu quả cho xu thế ứng dụng di động. 

 - Cuối cùng, với vai trò một nhà hoạt động trong lĩnh vực CNTT chứ không phải Giám khảo Giải thưởng, xin ông đánh giá tầm vóc và ảnh hưởng của Giải thưởng NTĐV trong bối cảnh CNTT nước nhà đang phát triển như hiện nay.

- 9 năm qua Nhân tài đất Việt đã đi vào cuộc sống, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 qua truyền hình trực tiếp lễ trao giải với các tấm gương nhà khoa học, các bác sĩ, các sản phẩm sáng tạo và ứng dụng hiệu quả và cả những “mong chờ” có Giải Nhất trong lĩnh vực CNTT.
 
Điều đó cho thấy sự quan tâm của xã hội và tầm vóc của NTĐV. Qua các sáng tạo NTĐV trong lĩnh vực CNTT tôi hy vọng Giải thưởng sẽ thúc đẩy, thu hút đặc biệt các bạn trẻ cùng chung tay, góp sức cho sự nghiệp phát triển và ứng dụng CNTT của Việt Nam, xứng danh Nhân tài đất Việt.
 
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
Bảo Trung
Thực hiện