Chọn mua “dế” rẻ

ĐTDĐ đẹp mà có giá rẻ chủ yếu là các sản phẩm đã qua sử dụng (hàng cũ) hoặc hàng xách tay. Tuy nhiên, điện thoại cũ cũng có hai loại: Hàng công ty và hàng không rõ nguồn gốc (thường là nhập lậu hoặc qua đường xách tay). Còn điện thoại xách tay cũng có máy tốt, máy rởm.

Cũng là mua hàng xách tay nhưng có máy dùng bền, có máy rất nhanh hỏng và dù cho mua loại nào đi nữa thì bạn cũng nên trang bị cho mình một số kinh nghiệm để không bị "qua mặt".

Trước hết là kiểm tra bộ mặt màn hình, để màn hình hơi nghiêng và lấy tay ấn nhẹ để nhận biết các điểm màu có bị vỡ không. Tiếp đến, lướt một vòng quanh các phím bấm. Khi bấm, phím điện thoại nhảy chậm một chút cũng không sao vì có thể máy bẩn, chỉ cần vệ sinh là được, nhưng nếu nút nào đó bị liệt thì bạn cần cẩn trọng. Có thể dây nguồn liên kết gặp trở ngại, muốn thay cũng khá tốn kém.

Kiểm tra pin, công việc rất quan trọng. Thường nhiều khách hàng nghĩ cứ cho máy hoạt động thì biết tuổi thọ pin thế nào. Không hẳn vậy, bạn nên kiểm tra theo cách đơn giản sau: Đặt pin lên mặt bàn phẳng, nếu thấy pin cong hoặc nhô lên so với mặt bàn thì chắc nó sắp "ra đi". Sau đấy, để chắc chắn 100%, bạn cắm sạc khoảng 5-10 phút hoặc lâu hơn để theo dõi tốc độ nạp điện và nhiệt độ. Pin nóng nhanh hay sạc hoài vẫn không đầy đều là hiện tượng xấu.

Tiếp đó, khởi động lại xem hệ thống có vận hành tốt không. Kích hoạt SIM, lấy tay bịt trên đầu máy để theo dõi độ ổn định của cột thu sóng. Gọi thử và nói chuyện trong khoảng hơn một phút, chú ý âm thanh, tiếng chuông. Một số máy mắc lỗi ở bộ phận thu phát sóng nên sóng chập chờn, cuộc gọi chỉ thực hiện chừng 30 giây là tắt ngấm.

Kỹ hơn, bạn có thể thám hiểm sâu vào bên trong thông qua việc khám phá main board. Tháo vỏ máy và lấy pin ra sẽ thấy mạch điện với rất nhiều linh kiện nhỏ gắn trên nó. Main chuẩn và chính hãng thường có màu xanh nhạt, dày, nặng và các ốc linh kiện rất sáng. Main giả vốn có màu xanh đậm hơn và ít sáng bóng (hàng do thợ Trung Quốc ráp chui).

Đồng thời, bạn quan sát kỹ các con ốc gắn vào sườn máy xem có bị bung chưa. Hàng bung rồi thì dù thợ có khéo tay đến mấy cũng khó tránh gây xước ốc. Dấu hiệu nhận biết rất rõ do các con ốc được sơn lớp sơn màu đen cách điện nên chỉ một vết xước nhẹ, mắt thường cũng có thể nhìn thấy.

Sau cùng, bạn kiểm tra độ rung, nhắn thử vài tin. Không ít máy tự nhiên có chuông nhưng không rung và nhắn tin không gửi được.

Nếu muốn mua hàng cũ chính hãng còn tốt, bạn nên tìm đến các trung tâm buôn bán điện thoại uy tín. Tại đây nguồn hàng cũ tương đối phong phú và đã được thợ chuyên nghiệp kiểm tra và chịu trách nhiệm bảo hành.

Theo XHTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm