1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Chiêu trò bán iPhone 8, Note8 giá cực rẻ: Gây nhiễu loạn thị trường di động

(Dân trí) - Thị trường di động Việt đang trải qua những tháng ngày cạnh tranh quyết liệt, sức ép gia tăng từ các chuỗi bán lẻ lớn đã khiến cho cửa hàng nhỏ tìm phương án để tồn tại. Bắt đầu cho những câu chuyện cạnh tranh thiếu lành mạnh, và mới đây là câu chuyện về giá ảo iPhone 8, Galaxy Note8 xách tay.

Tung giá ảo để lôi kéo khách

Gần đây thị trường di động Việt liên tục xôn xao về mẫu Galaxy Note8 và iPhone 8 bắt ngờ được công bố giá bán cực rẻ ngay lần đầu tiên về Việt Nam, thậm chí còn rẻ hơn giá hàng chính hãng. Đây được xem là điều bất ngờ và chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay tại Việt Nam.

Galaxy Note8
Galaxy Note8

Cụ thể, những chiếc Galaxy Note8 đầu tiên trên thế giới được xách tay từ Hàn Quốc về vào ngày 9/9 vừa qua. Sản phẩm này được một cửa hàng tại TPHCM mang về và chào bán ở mức 18,5 triệu đồng. Một mức giá được đánh giá là không tưởng dành cho phiên bản Galaxy Note8 đầu tiên có mặt ở VN.

Mức giá trên còn gây ấn tượng khi rẻ hơn hàng chính hãng được công bố ở mức 22,5 triệu đồng. Nhưng lưu ý rằng, hàng chính hãng chỉ được bán ra vào ngày 29/9 tới, tức cách đó hơn 20 ngày.

Như vậy, một trong những phiên bản đầu tiên xuất hiện ở VN, lại là một sản phẩm “hot”… cớ nào lại có giá đó?

Khi liên hệ, cửa hàng này chỉ cho biết, sản phẩm này chỉ mang về làm truyền thông và không bán. Nếu muốn mua, người dùng cứ đặt hàng và sẽ giao máy khi có hàng. Đó chỉ là giá dự kiến!?

Trao đổi với Dân trí trong thời điểm trên, một cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng này cho biết, đây thực chất là chiêu kinh doanh bẩn, đưa mức giá cực sốc để gây chú ý và lôi kéo người dùng đến với cửa hàng này. Trong khi giá nhập thực tế đối với 1 chiếc máy như vậy không thể nào có mức giá trên.

Và thực tế, chỉ vài ngày sau khi máy về, hầu hết là máy xách tay từ Hàn Quốc, giá máy được đẩy lên đến mức 21,9 triệu đồng, thậm chí có phiên bản màu sắc khác có giá lên đến 23,5 triệu đồng. Một mức giá “khác xa” so với giá được cửa hàng này cho là dự kiến.

Một bất ngờ khác cũng xảy ra vào chiều hôm qua 20/9, khi bộ đôi iPhone 8 và 8 Plus đầu tiên trên thế giới xuất hiện tại VN. Đây là hai phiên bản thương mại, không còn là những phiên bản thử nghiệm. Và về VN sớm hơn đến 2 ngày so với ngày mở bán chính thức của Apple trên toàn cầu.

Điều đáng nói đó là mức giá, khi cửa hàng này tung thông tin giá dự kiến là 19,98 triệu đồng, có hàng từ 22-23/9, tức ngay ngày mở bán chính thức của Apple. Một mức giá được cho là quá rẻ và chưa từng có tiền lệ đối với các sản phẩm Apple khi về VN.

Nếu đúng thông tin trên, đây thực sự là một niềm vui dành cho khách hàng đang quan tâm. Đưa sản phẩm về đúng với giá trị thực vốn có của nó ngay lúc ban đầu máy có mặt tại VN. Nhưng chuyện không như vậy!

Một đại diện truyền thông hệ thống bán lẻ cho biết, đây thực chất là chiêu tung tin để lôi kéo. Người này khẳng định không thể có mức giá đó cho ngày bán đầu tiên, thậm chí cả ngày thứ 2.

iPhone 8 và 8 Plus xuất hiện tại VN
iPhone 8 và 8 Plus xuất hiện tại VN

Lấy ví dụ, vị này nói: “Mua qua thương lái, chắc chắn giá không hề rẻ, cứ một máy bán ra, nên cộng thêm vào 100 USD cho tất cả các phí vận chuyển, thì sẽ ra giá bán trên 20 triệu đồng. Hoặc, nếu tự túc, tính tiền vé máy bay, ăn ở… Và mang máy về ngày đầu tiên, riêng mua bên Singapore, ít nhất chênh lệch tầm 4 triệu đồng. Chưa kể trầy da, tróc vẩy khi đứng xếp hàng mua máy”.

Một đại diện khác cũng cho biết, không thể nào có giá như vậy trong những ngày đầu tiên. Ít nhất 3 ngày sau, giá mới thực sự ổn định và có thể quay về giá ở tầm đó, nhưng sẽ cao hơn. Thậm chí cả tuần sau đó giá bán cũng không thể dưới 20 triệu đồng.

Giải thích rõ hơn, vị này nói, giá hàng chính hãng dự báo ở mức 20,99 triệu đồng nhưng đến cuối tháng 10 mới có hàng. Trong khi hàng xách tay về VN đợt đầu tiên, sớm hơn cả tháng lại rẻ hơn, đó là một nghịch lý và hết sức vô lý. “Bình thường mỗi năm, giá bán iPhone sau 3 ngày đầu tiên sẽ về với mức ổn định nhưng vẫn luôn cao, cao hơn giá dự kiến của chính hãng bởi ảnh hưởng từ nguồn cung, giá thị trường chợ đen. Chỉ có thể thay đổi khi gần sát ngày hàng chính hãng bán ra”. Vị này nói.

Do đó, việc tung giá ảo lần này chỉ để hòng tạo sự chú ý và gây ra nhiễu loạn thị trường.

Quả thật, tính đến thời điểm này, khi truy cập vào trang web bán hàng trên, mức giá iPhone 8 được của hàng này chào ở mức 20,88 triệu đồng, khác xa so với công bố trước đó vài tiếng. Đáng chú ý, cửa hàng đưa giá ảo không cho phép đặt hàng sản phẩm này.

Một vị đại diện cửa hàng giấu tên khác cũng cho rằng, việc đưa giá ảo lần này một phần cũng do dự đoán nhu cầu thị trường, khó có thể làm giá cao nên gây chú ý để lôi kéo khách hàng. "Việc đưa giá dự kiến là một chuyện, giá thực tế là một chuyện khác. Bởi đó là dự kiến chứ đâu phải chính thức, và chắc chắn bạn sẽ nhận được câu trả lời khi đến mua máy, nó khác xa một trời một vực”. Vị này nói.

Vì đâu nên nỗi?

Dẫn thống kê từ GFK, năm 2015 thị phần của các cửa hàng nhỏ lẻ tại Việt Nam đã bất ngờ giảm mạnh, chỉ còn 40%. Trong khi đó 60% còn lại được chia cho 2 hệ thống lớn và một số chuỗi nhà bán lẻ khác, gồm 30% của Thế giới Di động, 10% của FPT Shop và 20% còn lại của các chuỗi khác.

Trong năm 2016, theo báo cáo tổng doanh thu mảng bán lẻ di động của Thế giới Di Động đạt mức doanh thu 44.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 26.000-27.000 tỷ đồng của năm 2015. Con số này cũng đưa họ trở thành nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam.

Khi đem con số này so với tổng doanh thu thị trường khoảng 90.000 tỷ (khoảng 4 tỷ USD). Chỉ riêng nhà bán lẻ TGDĐ đã chiếm khoảng 1/2 của tổng doanh thu tại VN.

Hệ thống lớn đang giành hết đất sống của những cửa hàng nhỏ lẻ.
Hệ thống lớn đang giành hết đất sống của những cửa hàng nhỏ lẻ.

Nhìn vào con số đó cũng cho thấy một bức tranh đầy ạm đạm của thị trường Việt khi miếng bánh hầu hết chỉ nằm trong tay các nhà bán lẻ lớn. Còn lại, các cửa hàng nhỏ lẻ, hệ thống nhỏ tranh giành nhau những thị phần ít ỏi còn lại và đi tìm còn đường ngách để tồn tại.

Và trong năm 2017, nhiều nhà bán lẻ trong nước đã tăng thêm các mô hình mua sắm khác để mong "trụ vững”, có nhà bán lẻ điện thoại đi bán nước hoa, bán sữa… Đây cũng là năm được dự báo là năm để tồn tại.

Theo một nhà bán lẻ giấu tên, sức mua đồ công nghệ đang giảm mạnh, để mong dùy trì doanh số, các nhà bán lẻ cần có chiến lược mở rộng thêm mô hình, dịch vụ trước áp lực của cạnh tranh và sức ép gia tăng lợi nhuận. Do đó, việc các mô hình thử nghiệm những mặt hàng như kể trên đều không quá ngạc nhiên. "Không thử thì chưa biết có thành công hay không nhưng không thử thì liệu có đủ lợi nhuận để duy trì trong thời buổi thấp điểm của thị trường công nghệ.”.

Và đó cũng là những chiêu trò kinh doanh tiếp tục bộc lộ để hòng cạnh tranh trong thời buổi này.

Dù sao, các cửa hàng cũng cần cân nhắc thật kỹ cho những chiến lược và hướng đi của mình. Khách hàng hiện nay đủ kiến thức để tiếp cận với những dòng sản phẩm đúng với giá tiền mà họ bỏ ra. Việc mưu mẹo để lôi kéo khách hàng nhưng bán không đúng với lời cam kết sẽ là con dao hai lưỡi, khiến cho khách hàng càng rời xa với thương hiệu. Hãy mang đến cho người dùng những giá trị thực thay vì chiêu trò để đánh bóng tên tuổi.

Gia Hưng