Chế tạo thành công camera siêu nhỏ lắp trên lưng bọ cánh cứng

(Dân trí) - Hệ thống camera này có thể quay video ở tốc độ 1 đến 5 khung hình mỗi giây, sau đó truyền phát trực tiếp tới smartphone theo cơ chế hoàn toàn không dây.

Chế tạo thành công camera siêu nhỏ lắp trên lưng bọ cánh cứng - 1

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington (UW) đã phát triển thành công một camera tí hon, thậm chí có thể đặt trên lưng một con bọ cánh cứng, từ đó ghi lại những thước phim chân thực, chủ yếu ứng dụng trong khoa học, nghiên cứu thế giới tự nhiên.

Ưu điểm lớn nhất của nó là sở hữu trọng lượng siêu nhẹ, với chỉ khoảng 250 miligram toàn bộ hệ thống. Nhờ vậy, nó có thể được gắn một cách dễ dàng trên lưng những con bọ cánh cứng, hay những con robot chuyên dụng có kích thước nhỏ như côn trùng.

Hệ thống camera có thể quay video ở tốc độ 1 đến 5 khung hình mỗi giây, sau đó truyền phát trực tiếp tới smartphone theo cơ chế hoàn toàn không dây.

Camera cũng có thể di chuyển một góc 60 độ, cho phép người điều khiển có thể chụp được ảnh toàn cảnh, hoặc theo dõi đối tượng chuyển động trong tự nhiên một cách chân thực nhất, mà ít tiêu tốn nguồn lực.

Chi tiết có thể xem tại video dưới đây:

Xem cách hoạt động của camera siêu nhỏ, có thể lắp trên lưng côn trùng

Shyam Gollakota, phó giáo sư của Trường Khoa học & Kỹ thuật Máy tính Paul G. Allen cho biết: “Chúng tôi đã tạo ra một hệ thống camera không dây, trọng lượng thấp, tiêu hao năng lượng thấp, có thể thu được góc nhìn tự nhiên nhất, chân thật nhất về những gì đang xảy ra trong giới tự nhiên, từ góc nhìn của một con côn trùng sống thực sự hay các robot nhỏ “.

Để hạn chế tiêu thụ pin của camera, các nhà khoa học đã thêm một gia tốc kế siêu nhỏ vào hệ thống của mình. Nhờ đó, camera sẽ chỉ hoạt động khi con bọ hoặc robot bắt đầu di chuyển.

"Với máy đo gia tốc, camera có thể chụp ảnh hoặc quay video liên tục từ 6 tiếng trở lên, còn tùy thuộc vào sức di chuyển của con bọ cánh cứng đó trong thời gian thực", đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.

Công trình này được thực hiện bắt đầu từ ngày 29/1/2020, và vừa được công bố trên Tạp chí Science Robotics Hoa Kỳ vào ngày 15/7/2020.

Nguyễn Nguyễn