1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Chat “chùa”: chuyện không có hồi kết!

Tán gẫu trên mạng (chat) qua các phần mềm nhắn tin nhanh (Instant Messenger) gần như là bài học nhập môn Internet của bất cứ ai. Đây là một kênh liên lạc rất thuận tiện và hữu ích.

Tuy nhiên, khi từ tiệm Internet lan vào công sở thì tiện ích này trở thành một vị khách không mời mà đến, chẳng hề được hoan nghênh.

Kẻ thù của nhà quản lý

"Nếu không có các biện pháp kiểm soát, mỗi nhân viên có thể bỏ ra tới 1,5 giờ mỗi ngày cho việc chat và đó là một sự lãng phí thời gian kinh khủng, làm giảm trầm trọng hiệu suất làm việc" - ông Phạm Nhật Phương, middle manager tại Trung tâm Phát triển phần mềm xuất khẩu (FSOFT), nhận định. Vì thế, cơ quan này đã dùng biện pháp kỹ thuật để chặn cổng kết nối của tất cả các phần mềm chat: Yahoo Messenger, MSN, Skype, AIM... đối với một số bộ phận như marketing, tài chính và những phòng không có nhu cầu liên lạc với khách hàng qua chat.

Tuy vậy, ông Phương cho biết một số phòng ban, đặc biệt là bộ phận lập trình, không thể áp dụng biện pháp này được vì chat tỏ ra vẫn tương đối có ích. "Khi nhân viên được triển khai tới các đối tác nước ngoài, sử dụng phần mềm nhắn tin nhanh để liên lạc về trụ sở tại VN rẻ và hiệu quả hơn so với sử dụng điện thoại. Ngoài ra, khi vấp phải rào cản ngôn ngữ trong giao tiếp với khách hàng nước ngoài qua điện thoại thì chat sẽ giải quyết được vấn đề vì dẫu sao đọc vẫn dễ hơn là nghe".

Với những bộ phận không thể cấm chat này, biện pháp chống chat riêng tư trong giờ làm việc chỉ có thể là yêu cầu nhân viên nghiêm chỉnh chấp hành qui định. Những trường hợp vi phạm sẽ bị phạt rất nặng như cắt thưởng cuối năm và không được đưa vào danh sách xét tăng bậc.

Bà Hoàng Lan Anh, trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Hồng Thủy, tỏ ra khắt khe hơn: "Tôi thấy chat trong giờ làm việc tại công sở chỉ có hại chứ không có lợi. Thứ nhất, bí mật kinh doanh của công ty có thể bị rò rỉ một cách vô tình hay cố ý qua những dòng chat vô bổ. Thứ hai, chat khiến giờ làm việc của nhân viên bị cắt xén đáng kể.

Hãy thử làm một phép tính nho nhỏ, nếu mỗi ngày một nhân viên chỉ dành 1 giờ cho chat thôi thì một năm họ làm phung phí tới 1 x 5,5 x 52 = 286 giờ, tức hơn 30 ngày làm việc. Và đương nhiên là không công ty nào có thể chấp nhận việc mỗi năm trả nguyên một tháng lương cho nhân viên chỉ để họ ngồi tán gẫu. Vì thế, các bộ phận khác có thể vẫn cho phép chat, chứ riêng phòng tôi thì cấm tiệt".

Muôn mặt chat "chùa"

Khi được hỏi về tình trạng "8 giờ vàng ngọc" bị hao mòn bởi chat, H., nhân viên IT làm việc tại Trung tâm Giao dịch công nghệ thông tin số 185 Giảng Võ (Hà Nội), dí dỏm: "Tôi đang trả lời phỏng vấn qua chat trong giờ làm việc ở công ty. Điều đó có nghĩa là tình trạng chat nơi công sở hết sức phổ biến". H. giải thích: "Việc nhân viên nghiện chat là do... lịch sử để lại. Thời sinh viên ai cũng chat, chat để tìm bạn, để kiếm người buôn chuyện giải khuây hay chỉ là tò mò thử cho biết... Rồi đến khi vào công sở cũng là lúc băng thông rộng phát triển, mạng được kết nối 24/24g và vì là "của chùa" nên ai cũng "thắp hương" một tẹo".

Một nhân viên xin được giấu tên hiện đang làm việc tại một ngân hàng lớn cho biết ngân hàng này đã áp dụng các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo và ngày một leo thang hơn, nhưng nhân viên nơi đây vẫn tìm được cách chat "chùa": "Ban đầu, khi chỉ ra qui chế xử phạt hành chính, chúng tôi chat kín đáo hơn, trong giờ nghỉ trưa hay khi sếp đi ra ngoài.

Sau đó, có một số trường hợp bị khiển trách và bộ phận kỹ thuật thiết lập chế độ cấm download, cài đặt với tất cả máy tính thì chúng tôi chuyển sang sử dụng webchat của ICQ. Điều bất tiện của chương trình này là nó không phổ biến với người dùng VN nên phạm vi liên lạc bị thu hẹp đáng kể. Không chịu đầu hàng, bọn tôi search trên mạng và phát hiện trang web www.xem.com.vn có tiện ích chat bằng YM mà không cần cài đặt. Thế là mọi chuyện đâu lại vào đó...".

Khá thú vị là mặc dù chat bị phản đối kịch liệt từ phía những nhà quản lý với nhiều hình thức cấm đoán, xử phạt nhưng hầu hết thông tin trong bài viết này đều được khai thác qua... chat, thậm chí từ ngay những nơi bị cấm đoán ngặt nghèo nhất. Điều đó cho thấy khi tính tự giác chưa được phát huy thì mọi biện pháp cấm đoán chỉ có thể hạn chế chứ không thể ngăn chặn triệt để tình trạng chat "chùa". Xem ra không có giải pháp nào là hoàn hảo và khi có người cố ý vi phạm thì nhà quản lý xây tường cao bao nhiêu, nhân viên sẽ nối thang dài bấy nhiêu.

Theo Bình Nguyên

Tuổi trẻ