Chấm dứt "xài chùa" truyền hình vệ tinh

Ngày 11/1/2006, TS Vũ Mạnh Chu - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả VHNT đã thay mặt Bộ Văn hóa thông tin chính thức công bố Công ước Brussels có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 12/1/2006, chấm dứt tình trạng "xài chùa" truyền hình vệ tinh.

Đây là một công ước liên quan đến việc phân phối các tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh. Như vậy, kể từ ngày 12/1/2006, mọi hình thức dùng chảo thu vệ tinh, đầu thu "lậu" chương trình truyền hình quốc tế qua vệ tinh sẽ là phạm pháp...

Trước hết phải khẳng định, việc Việt Nam trong vòng 3 năm nay, liên tục tham gia các công ước quốc tế về bảo hộ bản quyền là một trong những động thái bắt buộc để hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong tiến trình gia nhập WTO. Ngày13/10/2005, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc - cơ quan lưu chiểu của Công ước Brussel đã thông báo: Công ước này sẽ có hiệu lực đối với VN kể từ ngày 12/1/2006.

Công ước Brussels được thông qua ngày 21/5/1974 tại Brussels (Bỉ) nhằm bảo vệ quyền của các tổ chức phát sóng đối với tín hiệu mang chương trình đã được mã hóa truyền qua vệ tinh nhằm phục vụ công chúng một cách gián tiếp thông qua cơ cấu trung gian (Ví dụ: đầu thu mặt đất, bộ giải mã...) để nhận chương trình. Tham gia Công ước Brussels có 28 quốc gia thành viên, song có mặt đầy đủ các quốc gia lớn về công nghệ truyền hình và vệ tinh phát triển nhất trên thế giới. Có thể nói, gần như toàn bộ các chương trình truyền hình quốc tế hiện nay được phát trên vệ tinh đều được bảo hộ bởi Công ước Brussels.

Trong Công ước, có những nội dung cơ bản quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên tiến hành các biện pháp thích đáng để ngăn chặn việc phân phối trái phép trên hoặc từ lãnh thổ quốc gia mình các tín hiệu mang chương trình được truyền qua vệ tinh. Việc phân phối là trái phép nếu như không có bản quyền của tổ chức phát sóng. Tuy vậy, Công ước vẫn cho phép việc phân phối các tín hiệu mang chương trình bởi những người không có thẩm quyền, nếu các tín hiệu này là trích ngắn - bao gồm: tin tức thời sự, đoạn trích, trích dẫn ngắn. Hoặc trong trường hợp đối với các nước đang phát triển chương trình được phân phối chỉ với mục đích giảng dạy và cả việc giảng dạy cho người lớn và nghiên cứu khoa học.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Vũ Mạnh Chu cho biết, hiện nay Bộ VHTT đã gửi công văn tới tất cả các cơ quan quản lý văn hóa, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, hải quan cửa khẩu, tòa án, bộ đội biên phòng... để bắt đầu triển khai những hoạt động tích cực. Hiện tại, chúng ta chưa có nhiều chương trình truyền hình phát sóng qua vệ tinh nên hầu như việc bảo hộ vẫn chủ yếu tập trung vào bảo vệ bản quyền các chương trình truyền hình quốc tế bị "xài chùa" ở Việt Nam thông qua các ăng-ten, đầu thu nhập lậu, bộ giải mã và chảo thu vệ tinh... mà không thông qua các đài truyền hình kỹ thuật số.

Trước đây, Bộ VHTT có cấp phép cho 7 loại đối tượng cá nhân và đơn vị được phép lắp đặt chảo thu truyền hình vệ tinh (TVRO), song từ nay, tất cả cũng đều phải được xem xét lại bình đẳng như mọi người. Thanh tra Bộ Văn hóa cũng cho biết, theo khảo sát thì từ Nghệ An trở ra, lượng TVRO được sử dụng trái phép trong các hộ dân rất phổ biến do mặt hàng lậu này nhập lậu qua cửa khẩu đường bộ, đường biển. Việc tiến hành tiếp cận và tháo dỡ, hủy bỏ sẽ rất khó khăn...

Ngày 1/7/2006 tới đây, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực. Điều khoản 35 của bộ luật này cũng đã ghi rõ về những sai phạm về bản quyền chương trình truyền hình qua vệ tinh. Từ nay cho đến thời điểm đó, mọi vi phạm Công ước Brussels cũng vẫn có thể quy vào điều 748 Bộ luật Dân sự. Như vậy, việc sử dụng và kinh doanh các chảo thu vệ tinh TVRO, đầu thu nhập đang rất nhộn nhịp sẽ phải ngừng lại. Một khuyến cáo cuối cùng cho những hộ gia đình vào dịp cuối năm này tại các chợ cửa khẩu cũng không nên bỏ phí tiền vào những chiếc đầu thu kỹ thuật số, chảo thu vệ tinh nhập lậu không rõ nguồn gốc mà cần biết rằng chúng ta đã bắt đầu bị giám sát không chỉ trong nước mà cả những tổ chức quốc tế, một cách chặt chẽ.

Theo Chu Minh Vũ

Thanh Niên