"Cha đẻ" của mạng Wifi qua đời ở tuổi 88

(Dân trí) - Norman Abramson, người được xem là "cha đẻ" của mạng Wifi hiện đại, đã qua đời ở tuổi 88.

Năm 1971, khi đang làm công việc giảng dạy tại Đại học Hawaii, Norman Abramson đã cùng nhóm nghiên cứu sinh và giảng viên của trường đã xây dựng nên ALOHAnet, một hệ thống mạng máy tính không dây tiên phong, được xem là tiền thân của mạng WiFi hiện đại ngày nay. Norman Abramson là trưởng nhóm và được xem là "cha đẻ" của mạng WiFi hiện đại.

Cha đẻ của mạng Wifi qua đời ở tuổi 88 - 1

Norman Abramson, được xem là "cha đẻ" của mạng WiFi hiện nay

Sinh ngày 1/4/1932 tại thành phố Boston (bang Massachusetts) trong một gia đình gốc Do Thái, Norman đã thể hiện được năng khiếu với toán và khoa học từ khi còn là một cậu bé. Năm 1953, Norman nhận được bằng cử nhân vật lý tại Đại học Harvard, sau đó là bằng Thạc sĩ vật lý tại Đại học California vào năm 1955. Năm 1958, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ về kỹ thuật điện tại Đại học Stanford. Luận án tiến sĩ của ông tại Đại học Stanford về chủ đề lý thuyết truyền thông, một ngành học giao thoa giữa toán học, lý thuyết thông tin và ký hiệu học.

Năm 1966, Norman chuyển đến làm việc tại Đại học Hawaii và giảng dạy bộ môn Kỹ thuật điện và Khoa học Máy tính. Nguyên do khiến ông chuyển đến làm việc tại Hawaii vì yêu thích bộ môn lướt sóng. Trong 30 năm làm việc tại Đại học Hawaii, ông đã trở thành Chủ nhiệm Khoa thông tin và Khoa học máy tính, để lại nhiều công trình nghiên cứu (bao gồm ALOHAnet)…

Giống như dự án ARPAnet, được dùng làm nền tảng cho mạng Internet (kết nối có dây), ALOHAnet được sử dụng làm nền tảng phát triển cho mạng WiFi ngày nay. Ban đầu, ALOHAnet được thiết kế làm hệ thống kết nối giữa Đại học Hawaii và các trường đại học, cao đẳng khác để chia sẻ các công trình nghiên cứu, cho phép truyền các gói dữ liệu qua các kênh vô tuyến, mà nếu dữ liệu không nhận được sẽ được trả về nơi gửi.

Sau khi về hưu, Norman Abramson sống cùng vợ, con trai và 3 người cháu tại thành phố San Francisco (bang California, Mỹ). Ông qua đời vì ung thư da di căn vào phổi.

"Rất ít người có được những đóng góp và tác động to lớn như Norman đến sự hoàn thiện về cách giao tiếp và chia sẻ thông tin ngày nay", David Lassner, Chủ tịch Đại học Hawaii cho biết. "Norman đã kết nối những đảo Hawaii lại với nhau và với cả thế giới, để lại di sản to lớn tại Đại học Hawaii và hơn thế nữa thông qua những ý tưởng của mình".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm