Cậu bé 15 tuổi và 3 công nhân chết tại nhà máy lắp ráp iPhone
(Dân trí) - Cái chết của một cậu bé 15 tuổi cùng 3 công nhân khác tại nhà máy lắp ráp iPhone ở Trung Quốc một lần nữa gióng lên hồi chuông về tình trạng lao động của công nhân tại các nhà máy lắp ráp sản phẩm của Apple.
Vào hồi tháng 9 qua qua, Shi Zhaokun, 15 tuổi, bắt đầu công việc lắp ráp iPhone của mình tại một nhà máy của Pegatron ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc). Một tháng sau đó, Shi qua đời vì bị viêm phổi.
Hãng điện tử Pegatron của Đài Loan, đối tác lắp ráp sản phẩm của Apple, vừa xác nhận cái chết của Shi cùng 3 công nhân khác tại nhà máy lắp ráp iPhone của mình ở Thượng Hải, nơi hiện có khoảng 100.000 công nhân.
Nhà máy lắp ráp iPhone của Pegatron ở Thượng Hải, nơi có 4 công nhân tử vong trong ít tháng qua
Các công nhân tại nhà máy này cho biết làm việc quá giờ và điều kiện sống đông đúc tại các ký túc xá là nguyên nhân gây ra cái chết của Shi và các công nhân.
Để phản ứng lại với cái chết của Shi, tháng trước Apple đã cử các chuyên gia y tế độc lập từ Mỹ đến nhà máy của Pegatron ở Trung Quốc để tiến hành điều tra. Pegatron và Apple đã cho biết những cuộc điều tra của mình cho thấy cái chết của các công nhân này không liên quan đến điều kiện làm việc.
“Họ đã không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa điều kiện làm việc với các trường hợp tử vọng. Chúng tôi xin chia buồn với gia đình và người thân của những công nhân”, phát ngôn viên của Apple cho biết.
Tuy nhiên, phía Apple đã từ chối bình luận về trường hợp của Shi Zhaokun khi cậu bé này vào làm việc tại nhà máy khi mới 15 tuổi, mặc dù Apple từ lâu đã tuyên bố quy định chặt chẽ về giới hạn độ tuổi của người lao động.
Phía Pegatron cho biết mình đã sử dụng các biện pháp nghiêm ngặt để xác minh độ tuổi của các công nhân, tuy nhiên Shi đã sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo, trong đó cho biết Shi đã 20 tuổi. Pegatron quy định độ tuổi của công nhân tại nhà máy của mình là từ 16 trở lên.
“Thật không may, giấy tờ tùy thân khi đi xin việc của Shi Zhaokun là không chính xác”, phát ngôn viên của Pegatron cho biết.
Mẹ của Shi Zhaokun, Yan Taixia, chia sẻ bà đã không biết con mình đến thành phố Thượng Hải để làm gì, chỉ sau này Shi mới cho biết mình đang làm việc tại một nhà máy. Bà Yan cho biết một tháng sau khi bắt đầu làm việc, Shi đã gọi điện về nhà và cho biết mình bị cảm lạnh.
Mặc dù bà đã gọi cậu con trai của mình về nhà tuy nhiên Shi cho biết muốn tiếp tục làm việc cho đến khi được trả lương. Tuy nhiên 5 ngày sau đó, nhà máy của Pegatron gọi điện về gia đình Shi và cho biết cậu bé đang bị bệnh rất nặng và chỉ ít giờ sau khi gia đình đón xe đến Thượng Hải, Shi đã qua đời.
Gia đình khẳng định dựa trên thời gian biểu của Shi cho thấy cậu bé này đã phải làm việc hơn 12 mỗi ngày. Bên cạnh đó gia đình cũng cáo buộc nhà máy của Pegatron không có chế độ kiểm tra sức khỏe định kỳ cho các công nhân làm việc tại đây.
“Chúng tôi có các bác sĩ, tuy nhiên rất nhiều người trẻ không nhận ra được họ đang bị bệnh nặng”, Charles Lin, Giám đốc tài chính của Pegatron cho biết. “Rất khó để quản lý hàng chục ngàn công nhân một cách kỹ lưỡng. Chúng tôi đang nghĩ đến biện pháp để cải thiện chương trình chăm sóc sức khỏe”.
Pegatron cho biết cái chết của Shi là do bệnh và không liên quan đến điều kiện làm việc nên không phải là lỗi của công ty. Dù vậy, Pegatron đã đưa ra khoản tiền 90.000 Nhân Dân Tệ (khoảng 15.000USD) để bồi thường cho gia đình của Shi vì cái chết của cậu bé, tuy nhiên gia đình này đã từ chối vì số tiền quá thấp.
Bên cạnh Pegatron, các nhà máy của Foxconn, một đối tác lắp ráp sản phẩm khác của Apple tại Trung Quốc, cũng thường xuyên bị cáo buộc ép công nhân làm thêm giờ cũng như điều kiện lao động, điều kiện sống thiểu an toàn và ổn định. Nhiều trường hợp công nhân của Foxconn tự tử do không chịu được áp lực công việc.
Những năm vừa qua, Apple đang dần tìm kiếm những đối tác lắp ráp sản phẩm khác bên cạnh Foxconn và Pegatron để đa dạng hóa nguồn cung cấp sản phẩm của mình.
Trên thực tế việc làm thêm giờ rất phổ biến tại các nhà máy ở Trung Quốc. Thậm chí nhiều người lao động càng hy vọng sẽ được làm thêm càng nhiều giờ càng tốt. Hồi tháng 10 vừa qua, khi Pegatron cắt giảm giờ lao động do đơn đặt hàng của Apple giảm xuống, nhiều người lao động đã bỏ nhà máy để tìm việc ở những nhà máy khác có nhiều việc hơn.
T.Thủy