Cảnh giác nạn trộm tiền ảo bằng ứng dụng giả trên smartphone
(Dân trí) - Chuyên gia nghiên cứu mã độc cảnh báo người dùng về ứng dụng mang tên MyEtherWallet, giả mạo trang web tiền ảo MyEtherWallet.com, yêu cầu nhập tài khoản và mật khẩu 12 chữ số, và sau đó sẽ chiếm đoạt các thông tin này để "cuỗm đi" số tiền ảo bên trong.
Bất chấp giá chung của thị trường đi xuống, nhưng "cơn sốt" tiền ảo vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Thay vào đó, nhiều nhà đầu tư đang tích cực mua càng nhiều tiền ảo càng tốt trong khi giá đang thấp. Động thái này giúp nhiều dịch vụ và ứng dụng hỗ trợ giao dịch, cất giữ tiền ảo "nở rộ", đặc biệt là khi ai cũng muốn dễ dàng kiểm soát ví tiền ảo của mình trên chiếc điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý rằng cũng có nhiều tổ chức đã lợi dụng xu thế này để đánh lừa nhà đầu tư bằng các ứng dụng được làm "nhái" có chứa mã độc đang tràn lan trên cửa hàng Google Play, Apple Store khiến rất nhiều chủ sở hữu tiền ảo mất tiền oan.
Trên trang Twitter cá nhân, chuyên gia nghiên cứu mã độc là Lukas Stefako vừa mới đang cảnh báo người dùng về ứng dụng mang tên MyEtherWallet, giả mạo trang web tiền ảo MyEtherWallet.com, yêu cầu nhập tài khoản và mật khẩu 12 chữ số, và sau đó sẽ chiếm đoạt các thông tin này để "cuỗm đi" số tiền ảo bên trong.
Theo dữ liệu của Google Play, ứng dụng giả mạo chứa mã độc trên có mặt trên cửa hàng từ ngày 18/1, và đã có hơn 500 lượt tải. Hồi đầu tháng 12, ứng dụng này cũng từng xuất hiện trên cửa hàng iOS và đứng top 3 trong hạng mục ứng dụng tài chính, trước khi bị Apple chính thức gỡ bỏ.
Đáng chú ý, chủ nhân của những ứng dụng này dường như là một người Việt, với tên ở mục tác giả niêm yết là Nam Le. Khi mới được phát hiện trên cửa hàng App Store, ứng dụng được bán với giá 4,99 USD và đã có hơn 3.000 lượt tải với tính năng được mô tả rằng sẽ cho phép người dùng tạo và sát nhập dữ liệu của ví tiền ảo.
Dù với bất kỳ lý do nào, thì những ứng dụng có tên MyEtherWallet đều là giả mạo, bởi theo ghi nhận thì website MyEtherWallet hiện vẫn chưa ra mắt ứng dụng trên nền tảng di động của riêng họ nhằm giúp các nhà đầu tư quản lý ví tiền thông minh.
Bên cạnh đó, Apple cho biết cũng từng có nhiều ứng dụng đi kèm mã độc như BitWallet, Bitcoin Wallet, Simple Bitcoin Wallet, BitcoinCore,... và chiếm đoạt ít nhất 20.000 USD từ người dùng trước khi bị ngăn chặn.
Hiện vẫn chưa nhận được báo cáo rằng có người Việt nào bị ảnh hưởng và mất tiền bởi các ứng dụng trên smartphone, nhưng các chuyên gia bảo mật khuyến cáo các nhà đầu tư nên hết sức thận trọng và cảnh giác trước những ứng dụng được cho là giúp quản lý ví tiền ảo trên nền tảng di động bằng cách chủ động tìm hiểu thông tin về chúng trước khi tải về máy và sử dụng.
Nguyễn Nguyễn
Theo TNW