Căng thẳng leo thang, điện thoại Trung Quốc khó "sống" tại Việt Nam

(Dân trí) - Trước việc Trung Quốc bành trướng thế lực, đưa tàu hộ tống giàn khoan dầu HD 981 trái phép vào thềm lục địa Việt Nam, cộng đồng mạng tức giận, kêu gọi tẩy chay "đồ Tàu".

Căng thẳng leo thang, điện thoại Trung Quốc sẽ khó sống tại Việt Nam?
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển của Việt Nam tại khu vực gần giàn khoan HD 981.

Dè chừng hàng Trung Quốc
 
Trước khi có căng thẳng leo thang, hàng hóa Trung Quốc từ lâu đã trở thành chủ đề nóng mà người dùng không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới đều phải “dè chừng” bởi những nguy hiểm tiềm ẩn đằng sau mức giá rẻ mạt của nó, trong đó có đồ công nghệ.
 
Cách đây không lâu, một nguồn tin từ Nga đã phát hiện ra hàng loạt bàn là, nồi cơm điện, quạt, ấm đun nước xuất xứ Trung Quốc… có gắn chip theo dõi người dùng, nghe lén, khai thác thông tin và tải về máy chủ nước ngoài thông qua mạng Wi-Fi không đặt password.
 
Các thiết bị bí mật phần lớn được sử dụng để phát tán virus, bằng cách kết nối với các máy tính sử dụng mạng Wi-Fi không có mật khẩu bảo vệ trong phạm vi 200m. Sau khi xâm nhập vào các máy, virus có thể đánh cắp dữ liệu và gửi tới trang chủ ở nước ngoài.
 
Đó là đồ gia dụng, vậy còn smartphone, tablet, PC… thì sao? Câu trả lời là hoàn toàn có thể và việc tích hợp còn dễ dàng hơn rất nhiều.

Không chỉ phần cứng, chắc hẳn người dùng Việt, nhất là giới trẻ cũng chưa quên câu chuyện ứng dụng OTT Wechat đã tích hợp bản đồ “đường lưỡi bò” và “ép” người Việt sử dụng. Trước khi bị phát hiện, phần mềm Trung Quốc này được sự quan tâm và nhiều người dùng Việt sử dụng. Tuy nhiên, "âm mưu" bị phát giác và Wechat ngay lập tức bị  người dùng tẩy chay. Trên các diễn đàn, mạng xã hội… nhiều người nói “không” với Wechat dù nó cũng có một số ưu điểm.
 
Với việc tích hợp bản đồ “đường lưỡi bò”, ứng dụng này dù đang đứng ở hạng top tại Việt Nam đã nhanh chóng hạ nhiệt và gần như biến mất khỏi cộng đồng sau một thời gian ngắn.
 
Thậm chí, những tên tuổi nổi tiếng như Bùi Anh Tuấn, Khởi My hay Bảo Anh dù vô tình anh cố ý “PR trá hình” cho ứng dụng này cũng đã bị cộng đồng lên án dữ dội.

Căng thẳng Biển Đông, cộng đồng mạng kêu gọi tẩy chay "đồ Tàu"

Khi Trung Quốc có những động thái gây hấn với chúng ta về chủ quyền biển đảo, hàng loạt fanpage, chủ đề nóng trên các diễn đàn tại Việt Nam được lập ra, xoay quanh vấn đề tình hình căng thẳng đang diễn ra trên lãnh địa của Việt Nam. Đồng thời nhiều chủ để được lập ra, kêu gọi cộng đồng Việt đồng lòng tẩy chay hàng Trung Quốc diễn ra rầm rộ trên các trang mạng xã hội...  
 
Các chủ đề được lập ra thu hút đông đảo sự đồng tình của người dùng tại Việt Nam, nhiều người dùng tỏ ra tức giận vì những hành động bành trướng thế lực, họ thể hiện sự tức giận, lên án vì những hành động ngang ngược của Trung Quốc. Đa số kiên quyết kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp đồng lòng tẩy chay hàng Trung Quốc. 

Bạn N.A Nhân bức xúc viết, "Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. Hướng về biển đông, hướng về Tổ quốc. Khi Tổ quốc lâm nguy thì chúng ta ko ngại chi gian khổ. Cùng nhau tẩy chay Trung Quốc.". Bạn N. Tu Ho viết, "hãy cho họ biết người dân Việt Nam đoàn kết và yêu nước như thế nào... Bắt đầu từ việc nói không với hàng TQ đi, bà con ơi!" 

Bạn T.L Ngọc Diệp chia sẻ trên trang cá nhân.
Bạn T.L Ngọc Diệp chia sẻ trên trang cá nhân.

Bạn T.L. Ngọc Diệp viết: Tẩy chay hàng TQ! Có lẽ không chỉ người VN muốn làm điều này, tôi nghĩ vậy...!

Dân trí cũng nhận được khá nhiều bình luận của bạn đọc trên khắp cả nước gửi về, đại đa số đều tỏ ra sự bất bình, kêu gọi tuổi trẻ quyết tâm bảo vệ lãnh thổ và nhiều bình luận của đọc giả nhấn mạnh rằng, chứng minh cho việc yêu nước thì đầu tiên hãy nói không với hàng Trung Quốc... 

Ngoài ra, nhiều người dùng trên cộng đồng mạng cũng đã thay đổi hình ảnh đại diện là lá cờ Việt Nam để thể hiện tình cảm, đồng lòng chống Trung Quốc trong thời điểm hiện tại. 

Điện thoại Trung Quốc sẽ khó "sống" tại Việt Nam

Với thị trường hàng công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực điện thoại di động đang rất phát triển tại Việt Nam trong năm nay, người dùng đã chứng kiến khá nhiều các thương hiệu Trung Quốc ồ ạt tấn công thị trường Việt. 

Trao đổi với Dân trí, nhiều đại diện chuỗi bán lẻ cho biết, thị trường chưa có chuyển biến nhiều sau những ngày đầu xảy ra xung đột, tuy nhiên, dự đoán chung đều nhận định việc ảnh hưởng chắc chắn sẽ xảy ra trong thời gian tới nhưng mức độ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. 

Đại diện truyền thông CellPhoneS cho biết: "Hiện tại CellphoneS chỉ kinh doanh 1, 2 nhãn điện thoại của Trung Quốc, trong vài ngày qua chưa thấy ảnh hưởng gì nhiều. Một phần là do nhóm hàng này chiếm doanh số không nhiều. Tuy vậy, nếu có ảnh hưởng thì sẽ ảnh hưởng trong vài ngày tới, vì xung đột mới diễn ra nên khách hàng vẫn chưa có nhiều thay đổi trong quyết định mua hàng".

Đại diện Thế giới Di động cũng cho biết rằng chưa nhận thấy sự ảnh hưởng đáng kể tới doanh số đối với các sản phẩm Trung Quốc. Vấn đề có sử dụng hàng Trung Quốc hay không thuộc về nhận thức và hành vi của người tiêu dùng, nhiệm vụ của nhà bán lẻ là mang đến sản phẩm tốt nhất cho khách hàng lựa chọn, còn quyền lựa chọn hay không thuộc về khách hàng.

Trước đó, trong bài viết "Smartphone Trung Quốc loanh quanh tìm chỗ đứng trên đất Việt" trong tháng 3 vừa qua trên Dân trí, ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Phát triển Kinh doanh FPT Shop cũng đã nhắc đến rằng: "Thực tế là có một số công ty Trung Quốc có cách kinh doanh không minh bạch, chạy theo lợi nhuận hay vì 1 lí do nào đó mà đưa ra những sản phẩm không phù hợp làm mất lòng tin của người tiêu dùng, nhưng cũng có những thương hiệu lớn đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Quan điểm của tôi là không thể kết luận đồng loạt tất cả sản phẩm có xuất xứ thương hiệu từ 1 quốc gia nào đó đều kém hay đều tốt, bởi vì không có gì là tuyệt đối".
 
Tuy vậy ông Bảo cũng đánh giá đúng là người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý e ngại thương hiệu Trung Quốc, không chỉ giới hạn ở mặt hàng điện thoại, mà tâm lý này có ở hầu hết các mặt hàng khác nữa.
 
Trước mắt có thể thấy, chỉ mới những ngày đầu nên sự thay đổi trong hành vi mua sắm không đáng kể và không thể phản ánh được thị trường. Nhưng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, kéo dài, chắc chắn điện thoại Trung Quốc sẽ gặp khó khăn nhất định tại Việt Nam khi cộng đồng người dùng kiên quyết trong việc tẩy chay hàng Trung Quốc.
 
"Thậm chí, nếu kéo dài liên tục thì khả năng sống sót và dễ biến mất trên thị trường đều có thể xảy ra tương tự như ứng dụng WeChat mà bạn đã từng biết đến", đại diện truyền thông của một đơn vị bán lẻ tại TPHCM nhận định. 
 
Hôm qua (8/5), hãng điện thoại Huawei của Trung Quốc (nhà sản xuất điện thoại đứng thứ 3 trên thế giới năm 2013) đã ngưng cuộc họp báo ra mắt sản phẩm mới tại Việt Nam vào phút chót.   Chẳng cần nói ra phóng viên nhiều báo cũng ngầm hiểu rằng, việc ra mắt lần này nếu không hoãn, nhiều khả năng sẽ gây phản tác dụng.

Hiện tại, mới chỉ có một số thương hiệu điện thoại Trung Quốc được bán tại Việt Nam, như Oppo, Gionee, Huawei. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng việc xây dựng thương hiệu trước một rừng sản phẩm của các tên tuổi lớn, như Apple, Samsung, Nokia, HTC... đã là một nhiệm vụ khó khăn nhưng để giữ thương hiệu và thị trường tại Việt Nam trước bối cảnh xung đột leo thang căng thẳng giữa hai bên lại là một điều dường như vượt ngoài khả năng kiểm soát của các hãng di động Trung Quốc.
 
Quốc Phan