“Cần có hệ thống đánh giá game online”

(Dân trí) - Câu chuyện “xây” hay “phá” nền công nghiệp game online vẫn tiếp tục hâm nóng các diễn đàn. Nhiều chuyên gia đã đưa ra một số "kế sách" phù hợp với Việt Nam để quản lý loại hình trò chơi này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Lê Doãn Hợp từng nhận định, “game có 4 cái lợi to lớn và 3 cái không tốt cần khắc phục”, song vấn đề đặt ra là khắc phục ra sao và quản lý thế nào cho hợp lý.

Ngay sau đó, hàng loạt bàn tròn, hội thảo đã được thực hiện nhằm “trưng cầu dân ý” với sự góp mặt của các chuyên gia, ĐBQH, những nhà sản xuất game nội và những game thủ thành đạt. Thông qua các diễn đàn, những vấn đề tốt xấu, bạo lực và phi bạo lực trong game online cùng những ảnh hưởng của nó lên lớp trẻ đã được đem ra “mổ xẻ”. Đích đến là “hành lang bên phải” cho hệ thống các nhà sản xuất game Việt, cho người chơi và các nhà quản lý.
 
Là “tín đồ” của Đột kích, Playstation, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường trải lòng, “Về tác dụng tốt, xấu của game, theo tôi hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức của người chơi. Nhưng xét về mặt tiêu cực, người chơi dành quá nhiều thời gian cho game và đặt nặng yếu tố ăn thua, được mất trong quá trình chơi thì hẳn nhiên, game không chỉ ảnh hưởng đến thời gian, tiền bạc mà còn là sức khỏe của họ. Thủ khoa ĐHGTVT- Bùi Lê Khánh, cũng chia sẻ: Với các game online hiện tại, nếu người chơi đặt mục đích “cày game”, lên level, thì sẽ mất thời gian và tiền bạc, thậm chí mất khá nhiều. Tuy nhiên, game có tác động xấu hay không còn tùy thuộc người chơi, có người tìm thấy nguồn vui trong đó, trong khi có người nghiện game, hao tổn thời gian và sức khỏe”.
 
“Cần có hệ thống đánh giá game online” - 1
Cả xã hội cần vào cuộc để quản lý game online. (Ảnh minh họa)
 
“Trước đây, em hay chơi Đế chế (Age of Empires), hiện tại em chơi game Dota... Đối với em đây là một hình thức giải trí hữu hiệu mỗi khi mệt mỏi, căng thẳng vì học hành, bài vở. Nhưng khi ham mê quá độ, nghiện game quá độ thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”- Nguyễn Ngọc Trung người đạt HCV Olympic Toán quốc tế tâm sự.

Tại buổi tọa đàm về trò chơi trực tuyến ở TP HCM mới đây, ông Trương Hoài Trang, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cũng đã lên tiếng rằng: Không thể cấm game online phát triển mà quản lý chặt chẽ mới là là yêu cầu cấp thiết. Bởi cấm chơi game trong nước người chơi sẽ chơi game nước ngoài và game lậu qua các đĩa CD đang bán tràn lan trên thị trường.

Trước ý kiến của một số cơ quan quản lý nhà nước cho rằng cần đóng cửa các game bạo lực, TS XHH Trịnh Hòa Bình, thành viên Hội đồng thẩm định game quốc gia, cho rằng, trong vấn đề hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của game online tới giới trẻ, vai trò của chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan trọng. “Điều chúng ta cần bàn là vai trò quản lý của các cơ quan chức năng, đặc biệt là công tác kiểm tra giám sát của chính quyền cấp cơ sở, của ngành văn hóa”, ông lập luận. “Với mục tiêu lợi nhuận, các đại lý Internet rất dễ “làm ngơ” trước những bộ đồng phục, hay sự thiếu trùng khớp giữa CMT và người đang “sở hữu”. Chưa kể, trẻ hoàn toàn có thể chơi game tại nhà”.

Đồng quan điểm này, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục quản lý Phát thanh Truyền hình, Bộ TT-TT khẳng định: Nếu có chính sách nhưng không có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các cấp cùng gia đình và nhà trường thì cũng không đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Hoài Nam, người từng được bình chọn là một trong 27 chuyên gia xuất sắc nhất thế giới năm 2002 về lĩnh vực viết phần mềm nhiều loại game, hiện là giám đốc kỹ thuật công ty Glass Egg gợi ý: “Chúng ta nên có hệ thống đánh giá nội dung cụ thể vì bạo lực trong game là vấn đề khó phân biệt rạch ròi. Cùng là một hành động dùng dao hay kiếm chém, nhưng nếu điều này hiện diện trong những game cổ tích chiến đấu để chống cái ác thì hoàn toàn không thể coi là bạo lực”.

Tuy nhiên, theo ông Nam, “các game mô phỏng quá chi tiết các hành vi đánh nhau thực tế là không tốt, và nên hạn chế độ tuổi với những người tiếp xúc thể loại này. Tại các nước  Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc… thường có “hệ thống đánh giá thương mại”, bao gồm cả những đánh giá về tính bạo lực, sex, cờ bạc…đối với các sản phẩm giải trí (game online, phim ảnh, nhạc…). Nếu chúng ta có hệ thống đánh giá, phụ huynh sẽ biết được các sản phẩm gane online nào tốt, phù hợp với con em mình.

Hải Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm