Camera số - cuộc chiến sinh tồn
Hoặc phải đầu tư sản xuất máy cao cấp ống kính rời để tìm kiếm lợi nhuận, hoặc tập trung phát triển các loại thiết bị phụ trợ, ngành công nghiệp chế tạo máy ảnh kỹ thuật số đang đứng trước một thời điểm quyết định sau thời kỳ thăng hoa rực rỡ.
Năm 1997, máy ảnh số bắt đầu phổ biến trên thị trường nhưng số lượng còn xa mới đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Trong vòng 9 năm từ đó đến nay, có tới gần 300 triệu máy đã được bán ra trên thị trường. Một nửa các gia đình ở Mỹ và Nhật Bản hiện nay sở hữu một máy ảnh kỹ thuật số, ở châu Âu con số này là 41%. Tốc độ phát triển chóng mặt này dẫn đến việc những tên tuổi lớn một thời biến mất. Polaroid, nổi tiếng với các máy chụp hình cho ảnh tức thì, phá sản năm 2001. Kodak quyết định ngừng sản xuất máy phim năm 2004. Những đại gia đang dẫn dẫn đầu thị trường hiện nay như Canon và Nikon cũng chỉ duy trì việc sản xuất máy ảnh dùng phim cho những nhu cầu đặc biệt và chủ yếu để hỗ trợ các khách hàng đã gắn bó từ lâu.
Theo dự đoán của công ty nghiên cứu thị trường IDC, trên phạm vi toàn thế giới, doanh số bán camera kỹ thuật số năm nay sẽ tăng hơn năm trước 10%, lên 103,2 triệu chiếc so với 93,8 triệu chiếc. Tuy nhiên, đó không phải là một tin vui vì so với các năm trước đây thì người ta có thể thấy thị trường dường như đang chững hẳn lại theo một tốc độ đáng giật mình. Năm 2005, doanh số của thị trường máy ảnh tăng 27%, năm 2004 tăng 51% và 2003 tăng 73%. “Chúng ta đã đạt tới điểm bão hòa”, Chris Chute, một chuyên gia phân tích của IDC, quả quyết. “Những nhà sản xuất chiếm chưa đến 8% thị phần phải xem xét lại vị trí của họ”.
Cũng theo IDC, riêng tại hai thị trường lớn là Nhật Bản và Tây Âu, lượng máy ảnh số được tiêu thụ năm nay sẽ ít hơn năm ngoái (riêng tại Nhật Bản, thực tế này đã xảy ra từ năm 2005). IDC dự báo lượng máy ảnh các hãng bán ra sẽ không thể tăng thêm vào năm 2009, đạt mức 111,1 triệu camera, và sau đó sẽ là quá trình đi xuống kể từ năm 2010.
Mọi việc thậm chí còn tệ hơn nhiều xét trên khía cạnh doanh thu. Giá bán lẻ sẽ còn giảm mạnh do sự tấn công từ những đại gia trong ngành chế tạo hàng tiêu dùng điện tử như Samsung, Panasonic và BenQ nhằm giành được càng nhiều thị phần càng tốt từ những tên tuổi xếp trên - Sony, Kodak, Olympus, Nikon, Fujifilm, HP và Casio - và từ ngay cả hãng dẫn đầu Canon. IDC cho rằng doanh thu sẽ không tăng trong tương lai gần khi mà 10% doanh số tăng thêm trong năm nay chỉ tương đương với 2,2% tăng doanh thu, tức là đạt 33,3 tỷ USD. Năm 2007, doanh thu của toàn ngành sẽ giảm xuống còn 32,5 tỷ USD.
Chuyển đổi hay là chết
Cuộc đua gay gắt đã khiến ít nhất 3 tên tuổi lớn bị loại. Đầu năm nay, Konica Minolta đã bán cả thương hiệu và các cơ sở sản xuất cho Sony. Kyocera ngừng kinh doanh máy ảnh từ năm 2005, tức là hai thập kỷ sau khi hãng gia nhập thị trường bằng việc mua lại công ty nổi tiếng của Nhật là Yashica Camera Co. và thương hiệu lừng danh Contax. Ngay cả đại gia điện tử như Toshiba cũng phải ngậm ngùi rời cuộc chơi năm 2004.
Vậy làm thế nào các nhà sản xuất máy ảnh số khác có thể kéo dài sự tồn tại? Hai tuần trước, Kodak thông báo lỗ 282 triệu USD riêng trong quý II, gần gấp hai lần cùng thời kỳ năm ngoái. Mức lợi nhuận càng thấp, sự cạnh tranh càng khốc liệt. Bất cứ ai giờ đây cũng có thể mua một máy ảnh loại chụp ngon lành chỉ với 80 USD. Cho dù iSupply, một hãng nghiên cứu có trụ sở ở bang California, Mỹ, có khẳng định chi phí sản xuất máy ảnh sẽ tiếp tục giảm, nó không trùng nhịp với tốc độ hạ giá trên thị trường.
Nếu không muốn cạnh tranh về giá, các nhà sản xuất sẽ phải tìm ra những con đường đi khác. Vào thời điểm hoàng kim của thị trường máy ảnh số, tất cả những gì mà các công ty phải làm là tăng độ phân giải (Megapixel). Giờ đây, các máy ảnh ngắm và chụp (point-and-shoot) loại xoàng cũng đạt độ phân giải từ 5 đến 6 Megapixel, mức độ mà mắt người không thể phân biệt được sự thay đổi. Vì thế, các hãng buộc phải dựa vào lợi thế riêng biệt.
Máy ảnh số ống kính rời (D-SLR) là một hướng đi được nhiều hãng lựa chọn. Dân đam mê nhiếp ảnh sẵn sàng trả tiền cho các loại máy ống kính rời vì chúng tương xứng với chất lượng. Máy ảnh loại này cho phép người dùng sử dụng được nhiều loại ống kính khác nhau, do vậy chụp được nhiều đối tượng, và nổi tiếng vì cho chất lượng chính xác như mắt thật. Canon và Nikon, hai tên tuổi lớn nhất từ thời máy analog ống kính rời, giờ đây lại tiếp tục dẫn đầu.
Sony vốn nổi tiếng với dòng máy ngắm và chụp Cyber-shoot cũng bắt đầu sự dịch chuyển với mẫu máy ảnh D-SLR đầu tiên Alpha A100, (đã xuất hiện trên thị trường cả ở Việt Nam). Máy ảnh này sử dụng công nghệ SLR mà Sony có được thông qua việc mua lại Konica Minolta, và được bán với giá 1.100 USD ở trong nước, gồm cả ống kính. Các nhà sản xuất cho rằng máy D-SLR sẽ giúp làm tăng trưởng thị trường phụ kiện gồm sản phẩm như ống kính, đèn flash và các kiểu túi đựng. Chẳng hay với Alpha 100, Sony trình làng tới 21 loại ống kính khác nhau.
Tuy nhiên, một số lại cho rằng máy D-SLR không thể là một hy vọng của ngành công nghiệp máy ảnh kỹ thuật số vì phần lớn mọi người cho rằng chúng quá phức tạp, cồng kềnh và đắt. Theo IDC, máy D-SLR hiện chỉ chiếm khoảng 4% thị trường và sẽ tăng lên 5,5% vào năm 2010. Trong tháng 1 vừa qua, Fujifilm đã tiến hành cải tổ chi nhánh sản xuất máy ảnh và không muốn tham gia phân khúc máy D-SLR vì, theo Giám đốc chi nhánh máy ảnh Fujifilm tại Anh, Adrian Clarke, thị trường “có sức cạnh tranh quá lớn”.
Thay vào đó, Fujifilm đặt niềm tin vào việc kinh doanh máy in ảnh, một chiến lược bắt nguồn từ việc trước đây hãng là một trong những nhà cung cấp các loại phim chụp ảnh lớn nhất. Doanh số bán máy in ảnh Fujifilm dạng minilab cho các nhà bán lẻ ở Anh như Tesco, Boots và Jessops duy trì ở mức ổn định trong vòng 5 năm qua, trung bình 600 sản phẩm mỗi năm. Nhưng trong năm 2005, con số này đã giảm còn một nửa. Theo công ty, người mua hiện chưa cần thay thế các loại máy in của họ và Fujifilm phải tiến hành các chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng mới.
Tương tự Fujifilm, Kodak dựa phần lớn vào việc kinh doanh máy in ảnh. Jaime Cohen Szulc, phụ trách việc kinh doanh máy ảnh Kodak ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi, cho biết người dùng máy ảnh số chỉ in 28% số bức ảnh mà họ chụp, trong khi với máy phim trước đây, thông thường người ta sẽ rửa hai ảnh cho mỗi bức hình chụp được. Một trong những sản phẩm chính của Kodak là máy in EasyShare, cho phép người dùng kết nối camera với máy in không cần qua máy tính và in ảnh tại nhà một cách dễ dàng. Tuy vậy, việc kinh doanh máy in của Kodak không phát đạt bằng bán giấy in ảnh và khay mực thay thế, vốn có mức lợi nhuận cao hơn các sản phẩm tiêu dùng điện tử.
Những công ty kinh doanh máy in ảnh cũng hy vọng sẽ khai thác được số lượng khổng lồ người dùng máy di động chụp hình. Ngoài ra, các nhà sản xuất đang cố gắng thâm nhập những thị trường tiềm năng như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Và ngay cả ở những khu vực như Nhật, châu Âu và Mỹ, vẫn còn rất nhiều gia đình mong muốn sở hữu một máy ảnh số.
Theo Số hoá