Cách các nhà hàng “sống sót” nhờ công nghệ trong mùa dịch Covid-19

(Dân trí) - Sự bùng phát của dịch bệnh do virus Covid-19 đã khiến các dịch vụ nhà hàng, ăn uống phải đóng cửa. Nhiều chủ nhà hàng đã phải nhờ đến sự trợ giúp của công nghệ để “sống sót” qua mùa dịch.

Các dịch vụ được coi là “không thiết yếu” như nhà hàng, quán cafe, quán bar... đã phải đóng cửa trên khắp thế giới sau khi dịch bệnh do virus Covid-19 lây lan nhanh chóng. Các nhà hàng, quán cafe... tại một số nước như Mỹ, Anh hay Úc đã phải đóng cửa từ giữa tháng 3, chỉ cho phép bán hàng mang đi hoặc giao hàng tận nơi.

Không giống các công việc văn phòng có thể làm việc trực tuyến tại nhà, các dịch vụ nhà hàng, quán cafe không thể áp dụng hình thức làm việc tại nhà. Một số nhà hàng, quán cafe... tiếp tục hình thức bán hàng mang đi hoặc giao hàng tận nhà để “cầm cự”, còn một số chủ nhà hàng chấp nhận đóng cửa kinh doanh để chờ cho dịch trôi qua.

Trong khi đó, một số nhà hàng, quán bar đã nhờ đến sự trợ giúp của công nghệ để kiếm được doanh thu và “sống sót” qua mùa dịch.

Cách các nhà hàng “sống sót” nhờ công nghệ trong mùa dịch Covid-19 - 1

Nhiều nhà hàng đã mở các lớp dạy nấu ăn trực tuyến để kiếm thêm doanh thu trong mùa dịch (Ảnh minh họa)

Bread Ahead, một tiệm bánh ở thủ đô London (Anh) đã bắt đầu livestream để dạy làm bánh trực tuyến trên Instagram, đồng thời bán những phiếu quà tặng để mua bánh mì hoặc bán các khóa học làm bánh trong tương lai thông qua các buổi livestream. Apres, một nhà hàng cũng ở London đã sử dụng trang Instagram của mình trở thành một “siêu thị” để quảng cáo các món ăn của mình, cho phép người dùng có thể đặt hàng và sẽ được giao hàng tận nơi. Quán cafe Jack’s Wife Freda tại thành phố New York đã sử dụng trang web gây quỹ cộng đồng GoFundMe để kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng mạng quyên góp tiền để có kinh phí hoạt động và trả lương cho nhân viên của mình.

“Phần lớn chúng tôi đều sống nhờ lương theo giờ và khi nhà hàng bị chính phủ yêu cầu đóng cửa, tất cả chúng tôi đều trở thành thất nghiệp sau một đêm”, Kate Waldron, người thành lập trang gây quỹ cộng đồng cho quán cafe Jack’s Wife Freda chia sẻ trên trang web GoFundMe. Hiện trang kêu gọi này đã được ủng hộ số tiền hơn 7.000USD.

“Hoặc là phải chấp nhận hoặc phải làm điều gì đó”, Daniel McBride, nhà đồng sáng lập của chuỗi nhà hàng Golden Gully tại Úc cho biết. Để “sống sót” của dịch bệnh, Golden Gully đã xây dựng phiên bản trực tuyến của nhà hàng mình, với tên gọi Virtual Gully. Tặng phiếu giảm giá đồ uống, giao đồ uống tại nhà, dạy nấu ăn trực tuyến với đầu bếp chuyên nghiệp hoặc phát trực tiếp những buổi thử rượu... trên các nền tảng mạng xã hội đã giúp Golden Gully kiếm được số tiền không hề ít trong mùa dịch, dù không cần phải mở cửa hàng.

McBride cho biết Virtual Gully đã giúp mang lại tiền cho nhà hàng nhiều hơn những gì ông dự kiến, tuy nhiên McBride vẫn chưa thể lạc quan về mô hình kinh doanh trực tuyến này.

“Hình thức này đã giúp mang lại tiền nhiều hơn những gì chúng tôi ước tính, nhưng sẽ không kéo dài, đó không phải là một mô hình kinh doanh bền vững”, McBride chia sẻ. Dù vậy, McBride cho biết mô hình kinh doanh trực tuyến Virtual Gully vẫn sẽ được giữ lại sau khi dịch bệnh trôi qua và nhà hàng mở cửa lại bình thường.

Nhiều nhà hàng đã kết hợp với các dịch vụ giao hàng công nghệ như Uber Eats, DoorDash hay Grubhub để giao các đơn hàng đến tận nhà cho khách của mình. Số lượng các đơn hàng thông qua các dịch vụ này đã tăng lên đột biến kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, phí dịch vụ của các công ty này đòi rất cao, có thể lên đến 30% đối với dịch vụ Uber Eats và điều này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các nhà hàng.

Các dịch vụ giao thức ăn cũng đã có những hình thức để hỗ trợ các nhà hàng, quán ăn như miễn số một số lượng đơn hàng, giảm phí dịch vụ hoặc cho phép nợ phí dịch vụ... dù vậy, với những nhà hàng có quy mô nhỏ, chừng đó là chưa đủ để giúp họ có được lợi nhuận, nhưng theo nhiều chủ nhà hàng, họ không còn sự lựa chọn nào khác.

T.Thủy
Theo CNet