"Bước đi lịch sử" của Internet ảnh hưởng gì đến người dùng?

(Dân trí) - Internet đã có sự "thay đổi lịch sử" vào ngày 6/6 vừa qua khi bắt đầu chuyển đổi từ giao thức IPv4 sang IPv6. Vậy sự thay đổi này có ý nghĩa gì và ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

IPv4 là gì?

IPv4 là viết tắt của chữ Internet Protocol version 4 (giao thức Internet phiên bản 4). Đây là công nghệ cơ bản giúp cho các thiết bị có thể kết nối vào Internet.

Bất cứ khi nào một thiết bị truy cập Internet (cho dù là máy tính, smartphone hay máy tính bảng…), nó đều được gắn với 1 địa chỉ IP duy nhất. Để gửi dữ liệu từ máy này sang máy khác thông qua trang web, một gói dữ liệu phải được chuyển giao trên mạng có chứa địa chỉ IP của cả 2 thiết bị.

Nếu không có địa chỉ IP, máy tính sẽ không thể giao tiếp và gửi dữ liệu cho nhau. Đó là điều cần thiết cơ bản để tạo nên cơ sở hạ tầng của Internet.

Ipv6 là gì?

IPv6 được xem là tương lai của Internet
IPv6 được xem là tương lai của Internet

Tương tự như IPv4, IPv6 là Giao thức Internet phiên bản 6 và là phiên bản kế tiếp của IPv4. Chức năng của Ipv6 cũng tương tự như Ipv4, sẽ cung cấp cho mỗi thiết bị một địa chỉ IP duy nhất và  cần thiết cho quá trình truy cập Internet.

Tuy nhiên, IPv6 có sự khác biệt so với Ipv4 đó là sử dụng địa chỉ 128-bit, điều này cho phép tạo ra số lượng địa chỉ IP nhiều hơn so với giao thức IPv4.

Tại sao Ipv6 lại quan trọng đến vậy?

Giao thức IPv4 sử dụng địa chỉ 32-bit để tạo nên địa chỉ IP. Điều này có nghĩa rằng nó sẽ chỉ tạo ra tối đa 2^32 địa chỉ IP, tương đương với khoảng 4,3 tỷ địa chỉ. Điều này có vẻ là khá nhiều so với những ngày đầu khi Internet mới ra đời, nhưng giờ đây, khi các thiết bị kết nối Internet đang dần trở nên nhiều hơn thì 4,3 tỷ là con số quá nhỏ bé.

Điều này đồng nghĩa với việc thế giới sẽ phải "chạm mốc" các thiết bị kết nối Internet. Đây được xem như là một hạn chế cho sự phát triển của Internet toàn cầu.

Vậy Ipv6 giải quyết vấn đề này như thế nào?

IPv6 sử dụng địa chỉ 128-bit, đồng nghĩa với việc cung cấp tôi đa 2^128 địa chỉ IP, tương đương với 340,282,366,920,938,000,000,000,000,000,000,000,000, một con số khổng lồ. Nên việc con người có thể sử dụng hết số lượng địa chỉ IP này dường như là một điều không thể, đủ để Internet vẫn có thể tiếp tục hoạt động và phát triển trong một thời gian rất dài.

Tuy nhiên, có một điều cần phải làm rõ rằng trên thực tế không phải số lượng địa chỉ IPv4 đã bị cạn kiện, mà một phần lớn trong số đó được sử dụng trong các viện nghiên cứu của các tập đoàn công nghệ hay các học viện, như tại MIT, Ford hay IBM…

Trên thực tế, người ta đã có thể áp dụng IPv6 từ những ngày đầu tiên Internet được ra đời, tuy nhiên vào thời điểm bấy giờ, điều này là không cần thiết nên IPv4 đã được lựa chọn để sử dụng vì đơn giản hơn.

Địa chỉ IPv6 có dạng như thế nào?

Có thể nhiều người trong chúng ta đã quen thuộc với kiểu địa chỉ của IPv4, chẳng hạn như 192.168.2.1.  Tuy nhiên, với địa chỉ của IPv6, con số này sẽ dài và khó nhớ hơn rất nhiều.

IPv6 sẽ có dạng rất dài và khó nhớ
IPv6 sẽ có dạng rất dài và khó nhớ

Địa chỉ IP của IPv6 sẽ có dạng kiểu như 2001:db8::1234:ace:6006:1e. Với dạng địa chỉ này, sẽ có đến hơn 340 tỷ tỷ tỷ tỷ địa chỉ. Tuy nhiên, người dùng cũng sẽ rất khó để có thể nhớ được địa chỉ IP của mình.

Quá trình chuyển đổi được diễn ra như thế nào?

Tiên đoán về sự cạn kiệt của địa chỉ IPv4 đã được đưa ra từ vài năm trước đây, và việc dần chuyển đổi sang địa chỉ IPv6 đã từng được áp dụng và thử nghiệm. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này diễn ra khá chậm.

Để chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6, phần mềm và router sẽ phải hỗ trợ nhiều công nghệ mạng tiên tiến hơn, điều này sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Quá trình thử nghiệm chuyển đổi IPv6 rầm rộ nhất được diễn ra lần đầu tiên vào 8/6/2011, với tên gọi ‘Ngày IPv6 Thế giới’. Các trang web lớn như Google, Facebook, Yahoo! và các công ty web nổi tiếng khác đã thử nghiệm mạng IPv6 để kiểm tra xem khả năng xử lý và xác định những điều vẫn cần phải làm trước khi cả thế giới chuyển sang giao thức mới.

Cho đến tận ngày hôm 6/6 vừa qua, giao thức IPv6 mới được chính thức áp dụng rộng rãi và đi vào sử dụng thực tiễn.

Việc chuyển đổi này sẽ ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

Nếu chỉ là những người dùng Internet thông thường, thì trên thực tế quá trình chuyển đổi này không ảnh hưởng quá nhiều đến chúng ta, thậm chí nhiều người trong chúng ta còn không nhận thức được rằng quá trình chuyển đổi đang diễn ra, ngoại trừ tốc độ duyệt web trong thời gian chuyển đổi có thể bị đôi chút chậm lại.

Ngày nay, hầu hết các hệ điều hành đều đã hỗ trợ IPv6, bao gồm cả Mac OS X 10.2 và Windows XP SP1.

Trong quá trình chuyển tiếp giữa IPv4 và IPv6, sẽ có một hệ thống kép, nơi cả IPv4 lẫn IPv6 được xem là hợp lệ. Những thiết bị sử dụng IPv4 vẫn được sử dụng bình thường, tuy nhiên trong tương lai, những thiết bị mua mới hoặc những người dùng Internet mới lắp đặt đều sẽ phải sử dụng IPv6 làm chuẩn mặc định của mình.

Với những người dùng chuyên nghiệp, việc chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng IPv6 sẽ mang lại những lợi ích nhất định, nhưng với những người dùng thông thường, việc chuyển đổi này không thực sự mang lại nhiều lợi ích.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng người dùng không thực sự phải lo lắng cũng như không cần phải làm bất cứ điều gì để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi này. Mọi thứ sẽ được chuyển đổi một cách tự động và các nhà cung cấp dịch vụ Internet sẽ có nghĩa vụ thực hiện điều này.

Để kiểm tra xem thiết bị của bạn đã được cấp phát địa chỉ IPv6 hay chưa, bạn có thể truy cập vào trang web tại http://test-ipv6.com/, thông tin về địa chỉ IP (bao gồm IPv4 và IPv6) sẽ được hiển thị cho bạn biết rõ.

Kết quả kiểm tra cho thấy máy tính vẫn chưa được cấp phát địa chỉ IPv6
Kết quả kiểm tra cho thấy máy tính vẫn chưa được cấp phát địa chỉ IPv6

Nếu máy tính hay thiết bị của bạn chưa được hỗ trợ IPv6 thì đây cũng là một điều bình thường vì phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ Internet vẫn chưa sẵn sàng để cung cấp IPv6 rộng rãi đến cho người dùng.

Hiện không ai có thể biết rõ rằng quá trình thực hiện sẽ mất bao lâu và mất bao nhiêu tiền để có thể hoàn tất, tuy nhiên đây là điều không thể không thực hiện để xây dựng tương lai của Internet.

Xem video về Vint Cerf, người được mệnh danh là "cha đẻ của Internet", hiện đang là Phó chủ tịch của Google, phân tích về lịch sử phát triển của IPv4 và sự cần thiết của việc ra đời giao thức IPv6:



Phạm Thế Quang Huy