Bộ Công Thương đề xuất chưa ngừng nhập máy đào tiền ảo
(Dân trí) - Bộ Công Thương lo lắng, việc ngừng nhập khẩu sẽ gây ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có sử dụng thiết bị.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, mới đây Bộ Công Thương vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng liên quan đến việc quản lý nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động (mã HS 8471.80.90), trong đó dẫn hàng loạt ý kiến của các Bộ, ngành góp ý về việc chưa thể tạm ngừng nhập máy đào tiền ảo.
Lý do là bởi phạm vi ảnh hưởng nếu dừng nhập khẩu nhóm hàng mã này rất rộng. Nếu thực hiện biện pháp này, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng cho hay hiện vẫn chưa thể xác định cụ thể mã số phân loại hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa này, do đó không thể thực hiện các biện pháp hạn chế nhập khẩu.
Theo đó, ngừng nhập khẩu trong khi chưa xác định được cụ thể mã HS với mặt hàng cần quản lý là chưa phù hợp với quy định tại Luật Quản lý ngoại thương về quyền tự do kinh doanh xuất, nhập khẩu và áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu.
Với máy xử lý dữ liệu tự động đào tiền ảo đã nhập khẩu trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc cần tăng cường biện pháp quản lý như: cho các tổ chức, cá nhân đã nhập khẩu được tiếp tục hay không hoặc cấp giấy phép để quản lý; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng của các tổ chức, cá nhân đã nhập khẩu.
Trước đó, vào đầu tháng 6/2018, Bộ Tài chính đã có đề xuất lên Văn phòng Chính phủ về việc tạm ngưng nhập máy đào tiền ảo. Trong đề xuất nêu rõ thực trạng ồ ạt nhập máy đào tiền ảo đã gây lúng túng cho cơ quan hải quan, bởi mặt hàng này không thuộc danh mục quản lý chuyên ngành hay hàng hóa gây mất an toàn. Cụ thể theo thống kê của hải quan, năm 2017, Việt Nam đã nhập hơn 27,2 triệu sản phẩm và 5 tháng đầu năm 2018 nhập hơn 15 triệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, việc sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động giải mã Bitcoin, Litecoin,... để khai thác tiền ảo có nhiều dấu hiệu phức tạp trong công tác quản lý, dễ bị các đối tượng lợi dụng để sử dụng như tiền tệ hoặc một phương pháp thanh toán khác. Trong khi đó từ tháng 1/2018, các nhóm tiền ảo đã chính thức không được Ngân hàng Việt Nam công nhận là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, Khoản 6 Điều 6 Nghị định số 101 nói trên quy định về hành vi bị cấm bao gồm: "Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp".
Nguyễn Nguyễn