Bitcoin sắp bước vào vùng nguy hiểm
(Dân trí) - Trong quá khứ, giá Bitcoin đã nhiều lần có sự điều chỉnh mạnh trước khi halving diễn ra.
Trong một bài đăng gần đây trên nền tảng mạng xã hội X, nhà phân tích tiền điện tử Rekt Capital nhận định rằng trong vài ngày tới, Bitcoin sẽ bước vào "vùng nguy hiểm" trước giai đoạn halving. Trong quá khứ, giá Bitcoin đã nhiều lần có sự điều chỉnh mạnh trước khi halving diễn ra.
"Ở những chu kỳ trước, giá Bitcoin đã giảm mạnh trong khoảng thời gian 14-28 ngày trước khi halving diễn ra. Trong đợt điều chỉnh vào năm 2016, giá Bitcoin đã giảm 40%. Vào năm 2020, Bitcoin cũng giảm 20% giá trị", Rekt Capital chia sẻ.
Vài tháng trở lại đây, Bitcoin đã liên tục tăng trưởng, thậm chí còn vượt mức đỉnh cũ trong lịch sử khi đạt giá trị gần 73.600 USD. Đây cũng là lần đầu tiên Bitcoin làm được điều này trước sự kiện halving.
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, quá trình halving sẽ diễn ra trong khoảng thời gian 4-5 tuần nữa. Đến sáng 20/3, đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới đang được giao dịch quanh mức 62.700 USD, giảm gần 15% so với mức đỉnh đạt được vào tuần trước.
Bitcoin halving là một sự kiện quan trọng, liên quan đến việc giảm một nửa phần thưởng khối dành cho các thợ đào Bitcoin. Cơ chế này được tạo ra bởi Satoshi Nakamoto (một nhân vật hoặc tổ chức ẩn danh đã sáng tạo ra Bitcoin), nhằm làm giảm tỷ lệ lạm phát của Bitcoin theo thời gian.
Theo Reuters, sự kiện Bitcoin halving có tác động mạnh mẽ đối với các thợ đào và toàn bộ ngành công nghiệp tiền điện tử. Các thợ đào sẽ phải thích nghi với cơ chế trả phần thưởng mới sau Bitcoin halving để hoạt động có lãi. Điều này làm tăng sự cạnh tranh và loại bỏ những thợ đào kém năng suất.
Trong một chia sẻ gần đây, ông Richard Teng, Giám đốc điều hành sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới Binance, cho biết ông kỳ vọng rằng giá Bitcoin sẽ tiếp tục phá kỷ lục và vượt qua mức 80.000 USD vào cuối năm nay.
Đồng quan điểm, Kris Marszalek, Giám đốc điều hành của Crypto.com, cũng cho rằng việc Bitcoin điều chỉnh giá bán trong giai đoạn này là "một động thái lành mạnh để có thể tiếp tục tích lũy".