Bí mật chuyện Microsoft nâng giá chào mua Yahoo

(Dân trí) - Microsoft từ bỏ tham vọng sáp nhập Yahoo, cổ phiếu của nhà cung cấp dịch vụ Internet lao dốc đã khiến giới đầu tư đổ lỗi cho CEO Yerry Yang. Tuy nhiên, liệu Microsoft đã nghiêm túc như thế nào khi nâng giá chào mua Yahoo từ 42 tỷ USD lên 47,5 tỷ USD?

Câu trả lời sẽ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi mà nhà sáng lập Yahoo đang phải chịu áp lực từ các nhà đầu tư, trong khi đó, cổ đông lên tiếng dọa kiện, đòi thay thế 10 lãnh đạo. Với các nhà đầu tư, mức giá 47,5 tỷ USD mà Microsoft nâng thầu từ giá ban đầu là 42,5 tỷ USD là “quá tốt”. Vì thế, “chân tướng” của việc hãng phần mềm Mỹ nâng giá có ý nghĩa lớn với sự sống còn của Yahoo.

 

Nâng giá bằng miệng - có phải là chuyện đùa?

 

Trước sức ép của các cổ đông, nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ của những nhà đầu tư, Yahoo đã đặt hoài nghi về tính hợp pháp của giá bỏ thầu 33 USD của Microsoft khi hãng này không gửi văn bản chính thức.

 

Theo hai nguồn tin thân cận với thương vụ thất bại này, CEO Steve Ballmer và Brad Smith - GD tư vấn của Microsoft - chỉ bỏ giá bằng miệng chứ không có trong giấy tờ. Chỉ duy nhất lá thư Ballmer gửi cho Yang vào cuối ngày thứ 7 sau khi cả hai bên gặp gỡ và không đạt được thỏa thuận cuối cùng.

 

Yahoo hoài nghi sự nghiêm túc của Microsoft trong việc nâng giá thầu vào phút chót. Có giả thuyết cho rằng, Steve Ballmer “đặt bẫy” người đồng nhiệm Jerry Yang khi đưa ra mức giá 33 USD/cổ phiếu vì thừa biết rằng sẽ bị từ chối. Đây cũng là cách Ballmer tạo “cửa” dễ Microsoft dàng tháo chạy khỏi thương vụ mà theo các nhà phân tích là ẩn chứa nhiều rủi ro.

 

Theo Morton Pierce, một luật sư chuyên về các vụ sáp nhập doanh nghiệp ở New York, việc nâng giá thầu bằng miệng là không hợp pháp nhưng có thể chấp nhận được nếu cả Microsoft và Yahoo đàm phán chân thành, thẳng thắn, tin tưởng lẫn nhau.

 

Trong khi, Microsoft nghiêm chỉnh gửi bản hợp đồng đề nghị mua lại Yahoo với giá 42,5 tỷ USD vào ngày 1/2 nhưng đến thời điểm quan trọng quyết định thương vụ thì Microsoft chỉ nâng giá mua Yahoo bằng miệng. Điều này đã khiến cả Yahoo và giới phân tích nghi ngờ về tính nghiêm túc của hãng phần mềm.

 

Trong suốt 3 tháng kể từ khi bắt đầu có kế hoạch mua lại Yahoo, cả Microsoft và Yahoo đã gặp gỡ đàm phán vài lần. Và đến ngày 30/4, Ballmer đã bay sang California để gặp Yang với hy vọng sẽ chốt được mức giá phù hợp với cả hai bên.

 

Cả hai bên đã thuê các nhà đầu tư và các luật sư và các chuyên gia ngân hàng chuyên nghiệp với giá khá đắt để được tư vấn và hướng dẫn các thủ tục nếu cả hai đồng ý sáp nhập.

 

Điều gì xảy ra trong buổi đàm phán ngày 30/4?

 

Một người thân cận với thương vụ này cho biết, trong buổi gặp mặt với Ballmer hôm 30/4, CEO Yang đòi giá bán là 38 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, nguồn tin khác khẳng định Yang không đưa ra mức giá cụ thể nào trong ngày hôm đó.

 

Cả hai người này đều cho biết, Ballmer nói với người đồng nhiệm rằng ông sẽ “tăng giá bỏ thầu thêm vài USD nữa”. Theo họ, cũng trong ngày 30/4, ban quản trị Microsoft đã thảo luận với nhau để xem xét kế hoạch nâng giá chào mua.

 

Ngày 1/5, Ballmer liên lạc với Yang và nói rằng ông “chính thức tăng giá bỏ thầu thêm vài USD”.

 

Ngày 2/5, cố vấn Smith của Microsoft gọi điện cho Ronald Olson - một luật sư độc lập của Yahoo - để thông báo Microsoft sẽ trả giá 33 USD/cổ phiếu. Có lẽ, thông báo này đã được chuyển tới ban quản trị của Yahoo.

 

Sang ngày 3/5, Yang và người đồng sáng lập Yahoo David Filo đáp phi cơ riêng đến Redmond để gặp Ballmer và Kevin Johnson - GD bộ phận trực tuyến của Microsoft.

 

Trong lần gặp này, Ballmer tiếp tục khẳng định chốt giá 33 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, Yang và Filo nói rằng giá trị của Yahoo hiện tại là 38 USD/cổ phiếu nhưng mong muốn của ban quản trị là sẽ sáp nhập với Microsoft với giá 37 USD.

 

Sự có mặt của Filo trong buổi gặp mặt quan trọng đó đã khiến các nhà đầu tư và các nhà phân tích không hài lòng vì người này không thuộc trong ban quản trị của Yahoo. Filo là một cổ đông lớn với 5,8% cổ phần, nhiều hơn cả cổ phần của Yang - 3,9%.

 

Eric Jackson - một cổ đông năng nổ của Yahoo - cho rằng việc tin tưởng phó thác trách nhiệm đàm phán cho hai người có “mối quan hệ sâu nặng với Yahoo” là Yang và Filo là một điều hoàn toàn sai lầm.

 

Theo người này, ban quản trị cử Yang và Filo tham gia đàm phán hôm 3/5 chẳng khác nào “bố mẹ sai con trẻ đi làm việc gì mà không có lời khuyên đúng đắn”.

 

Họ đã sai lầm khi nghĩ rằng Microsoft đang ở trong thế “khó rút” để hy vọng “đào mỏ”, Eric Jackson thẳng thắn.

 

T.Vũ

Theo AP