Bị bắn chết vì “câu trộm” Wi-Fi nhà hàng xóm

(Dân trí) - Một người đàn ông sống tại thủ đô Karachi (Pakistan) đã bị cảnh sát bắt giữ sau khi người này dùng súng sát hại hai cha con nhà hàng xóm chỉ vì bị họ... “câu trộm” Wi-Fi.

Cảnh sát thành phố Karachi đã bắt giữ một người đàn ông có tên Qasim, sau khi người này sử dụng súng để bắn chết hai cha con hàng xóm ở cạnh nhà. Khai báo với cảnh sát, Qasim cho biết mình đã ra tay sát hại các nạn nhân chỉ vì họ dám “câu trộm” Wi-Fi để sử dụng mà chưa được phép.

Người thân của hai nạn nhân cho biết trước khi sự việc xảy ra, Qasim và các nạn nhân đã nhiều lần tranh cãi với nhau. Qasim đã nhiều lần đe dọa các nạn nhân nhưng họ đều bỏ ngoài tai.

Bị bắn chết vì “câu trộm” Wi-Fi nhà hàng xóm - 1

Các nạn nhân bị sát hại chỉ vì “câu trộm” Wi-Fi hàng xóm để sử dụng khi chưa được phép (Ảnh minh họa)

Sau khi sát hại hai cha con nhà hàng xóm, Qasim đã bỏ trốn khỏi nhà nhưng đã bị bắt giữ tại thị trấn có tên Shah Latif. Sau khi bị bắt, Qasim đã thừa nhận hành vi giết người của mình.

Danh tính các nạn nhân được xác định là Farooq, một công nhân nhà máy thép và con trai Haris, hiện đang là sinh viên trường đại học Karachi.

“Câu trộm” mạng Wi-Fi của người khác để sử dụng khi chưa được phép không phải là điều phạm pháp tại Pakistan, nhưng theo một số người theo đạo Hồi giáo tại Pakistan thì hành vi này là vi phạm luật tôn giáo vì là hành động trộm cắp tài sản thuộc về người khác.

Theo Bộ Các hoạt động từ thiện và Hồi giáo (IACAD), một cơ quan chịu trách nhiệm về các đạo luật về Hồi giáo và tài sản tôn giáo, thì “câu trộm” Wi-Fi là một hình thức vi phạm luật Hồi giáo trong thời hiện đại. Dù không có một quan điểm pháp lý rõ ràng nhưng đây có thể xem là một hành vi phạm luật Hồi giáo và có thể bị trừng phạt.

“Sử dụng hoặc lấy thứ gì đó thuộc về người khác mà không trả tiền hoặc không được phép của họ là một điều cấm. Do vậy, người dùng Internet chỉ nên sử dụng bằng cách đăng ký dịch vụ của riêng mình”, IACAD cho biết trong một thông báo đưa ra.

Pakistan là một quốc gia Hồi giáo với khoảng 96,28% người theo tôn giáo này.

T.Thủy