Bảo hành “chợ”

Trong khi số lượng trung tâm bảo hành chính hãng chỉ đếm trên đầu ngón tay thì ở bất kỳ con phố nào cũng dễ dàng bắt gặp cái gọi là “Trung tâm bảo hành điện thoại di động” mà dân trong nghề quen gọi là “bảo hành chợ”.

Gọi là trung tâm cho oai chứ hạ tầng kỹ thuật của những trung tâm trên đường Hùng Vương (quận 5, TPHCM) chỉ có một cái bàn, chỏng chơ vài dụng cụ như tuốc nơ vít đa năng, nhiều đầu, nhiều kích thước, vài chiếc nhíp, kéo, mỏ hàn và chỉ có một thợ.

 

Trình độ của “thợ” ở đây thật sự là điều lo ngại cho những ai đem máy đến các trung tâm này. Theo thừa nhận của nhiều người trong ngành, tay nghề của nhiều nhân viên kỹ thuật này không cao, chủ yếu học “lóm” từ những người có kinh nghiệm và “sống lâu lên lão”.

 

Để tồn tại được trong thời buổi cửa hàng còn nhiều hơn khách, các trung tâm này đã có cách làm ăn linh động. Một nhân viên tại trung tâm trên đường 3/2 cho biết, nhiều trung tâm bảo hành dịch vụ hiện nay làm việc theo kiểu nhận máy của khách, cuối ngày đem đến nơi khác để sửa. Có khi, họ cũng chẳng cần mang máy đi, cuối ngày có nhân viên của các trung tâm “tay nghề” khá đi gom hàng từ các cửa hàng nhỏ để sửa. Các cửa hàng “liên minh” thành một hệ thống liên hoàn nhiều bên cùng có lợi.

 

Hàng đem đến sửa tại các trung tâm này chủ yếu là những model đã thuộc vào hàng “dạt”. Cũng phải nói thêm rằng, các trung tâm bảo hành còn có là nhờ làm công tác sưu tầm hàng cũ cực kỳ tốt, nhiều loại linh kiện cho các model tưởng chừng khai tử từ lâu ở những nơi này vẫn còn.

 

Một số nơi khai thác đặc điểm “chuộng” hàng kỷ niệm để “chém” tiền linh kiện. Ghé vào một trung tâm bảo hành trên đường Hùng Vương (TPHCM), một nhân viên kỹ thuật vừa sửa, vừa nghe khách hàng trình bày bệnh của máy. “Hư vỏ và mainboard của Sony Ericsson T310 hả? Có luôn vỏ và mainboard sẵn sàng nhưng giá hơi cao đó. Thấp nhất là 500.000 đồng”.

 

Với những máy không đáng giá thì thợ có thay đổi linh kiện hay không cũng không làm khách hàng bận tâm. Nhưng tội những chiếc máy có giá trị năm, bảy triệu, chỉ qua một vài lần sửa là xác xơ như hàng phế thải. Anh Vỹ ở quận 11 (TPHCM) cho biết, anh có chiếc Nokia 3230 loại hàng xách tay. Vì không biết các trung tâm chính hãng có bảo hành dịch vụ nên khi máy bị mất nguồn, anh đến trung tâm gần nhà để nhờ sửa với giá một trăm ngàn. Thế nhưng chỉ chưa đầy một tuần nó lại trở chứng không chịu khởi động. Anh đến Tân Á Long kiểm tra lại thì ruột máy của anh đã bị thay rất nhiều. Tuy nhiên, muốn thay lại cũng không phải là dễ vì model này còn rất mới nên chưa có linh kiện thay thế.

 

Theo Gia Vinh

Sài Gòn tiếp thị