Bạn có biết trong thiết bị điện gia dụng cũng có nhiều chất độc?
(Dân trí) - Khí Freon, chì, thủy ngân… là những chất độc có trong các thiết bị gia dụng có thể gây nguy hiểm cho người dùng.
Các thiết bị điện tử, điện gia dụng ngày càng phổ biến và cần thiết trong mỗi gia đình. Những thiết bị này là tổ hợp các linh kiện phức tạp với hàng trăm chất liệu khác nhau. Trong đó có không ít thành phần được xem là độc hại và gây nguy hiểm cho người dùng.
1. Khí Freon
Khí Freon (F12) là loại chất làm lạnh được sử dụng nhiều nhất cho hoạt động của tủ lạnh.
Khí Freon 12 không màu, không mùi. Khi nồng độ chất này có trong không khí khoảng 20% con người sẽ không cảm nhận thấy, nhưng nếu tăng lên 80% thì con người sẽ bị ngộp thở và chết.
Khí Freon còn có tính thẩm thấu rất mạnh, dễ lọt ra ngoài qua những khe hở cực nhỏ và khiến người dùng khó phát hiện vì không màu, không mùi.
Không chỉ vậy, khi gặp lửa có nhiệt độ trên 400 độ C Freon 12 sẽ phân giải thành khí Phosgen (COCl2), loại khí này rất độc đối với hệ thần kinh người.
2. Chì
Theo nghiên cứu của các chuyên gia Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), bóng đèn CRT trong các màn hình đời cũ có chứa xấp xỉ 10.000 tấn chì.
Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ chịu ảnh hưởng độc hại từ chì và có thể bị tác động nghiêm trọng và lâu dài, đặc biệt tác động đến sự phát triển trí não và hệ thần kinh.
Chì cũng có thể gây tác hại lâu dài ở người lớn, như tăng nguy cơ huyết áp cao và suy thận. Nhiễm độc chì ở phụ nữ mang thai với mức cao có thể gây sẩy thai, thai chết lưu, sinh non và nhẹ cân, cũng như các dị tật nhỏ.
3. Thủy ngân
Thủy ngân là chất khá quen thuộc được dùng trong các thiết bị chiếu sáng và màn hình phẳng có nguy cơ hủy hoại não bộ và hệ thần kinh trung ương, đặc biệt trong giai đoạn phát triển sớm ở trẻ em.
Màn hình LCD sử dụng thủy ngân để tạo ra ánh sáng và truyền đến mắt của người xem. Do đó, khi màn hình bị nứt, hơi thủy ngân có thể thoát ra ngoài. Dù mức thủy ngân không cao nhưng vẫn có nguy cơ gây tác dụng phụ như dị ứng, phát ban da nếu tiếp xúc thường xuyên.
4. Crom-6
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA), hai hình thức phổ biến của Crom trong nước là Crom hóa trị ba (crom-3) và Hexavalent chromium (crom-6).
Crom-3 là chất dinh dưỡng thường gặp trong nhiều loại rau, trái cây, ngũ cốc… giúp tăng cường insulin cũng như giúp cơ thể chuyển hóa carbohydrate, chất béo và protein.
Tuy nhiên, Crom-6 thì ngược lại với “người anh em” của mình. Đây là chất sinh ung thư, cực kỳ độc hại với con người, được sử dụng trong các sản phẩm đồ gia dụng bằng kim loại. Nghiên cứu về Crom-6 đã cho thấy loại chất này làm tổn thương gan, các vấn đề sinh sản và những rủi ro lớn hơn cho trẻ sơ sinh và trẻ em, những người dùng thuốc kháng axít, và những người có gan hoạt động kém.
Khi những sản phẩm này được bảo quản không đúng cách như gặp nhiệt cao hoặc lưu trữ với số lượng quá nhiều tại những nơi ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho các chất độc hại có cơ hội phát tán trong không khí.
5. Brom
Một số chất chống cháy có gốc Crôm được sử dụng trong các bảng mạch và các vỏ nhựa của đồ điện – điện tử, có kết cấu bền, rất khó phá vỡ, sẽ tích tụ lại trong môi trường.
Cơ thể con người chứa khoảng 260 gram brom. Yếu tố này nên đi kèm với thực phẩm, vì nó tham gia vào công việc của các cơ quan khác nhau và hệ thống cơ thể người.
Tuy nhiên, ở nồng độ cao, Brom gây suy giảm trí nhớ và ức chế chung, chóng mặt, chảy máu mũi, kích thích niêm mạc và trong trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể gây co thắt đường hô hấp và nghẹt thở.
Ngoài ra, Brom cũng ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết, khiến chúng tăng thể tích và cứng lại. Sau khi tiếp xúc với da, Brom gây ngứa và kích ứng. Nếu tiếp xúc kéo dài, sau đó vết loét hình thành trên da, lành rất chậm.
Như Quỳnh