1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Asus quá nóng vội hay chỉ là thăm dò thị trường?

(Dân trí) - Asus đã làm cho nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi nâng mức giá bán sản phẩm lên cao ngất ngưởng, tái định vị thương hiệu. Phải chăng Asus có quá nóng vội để thay đổi mình hay chỉ là động thái để thăm dò thị trường trước khi quyết định bước tiếp?

fullsizerender-photo-full-1468485516736

Giá bán Zenfone 3 Deluxe và cấu hình

Một tham vọng rất lớn!

Hôm 14/7, Asus đã chính thức công bố ra mắt loạt sản phẩm Zenfone 3 mới nhất của hãng tại Việt Nam. Trong đó, 3 phiên bản gây chú ý nhất là Zenfone 3, Zenfone 3 Ultra và Zenfone 3 Deluxe. Cả ba sản phẩm này được hãng định vị ở phân khúc tầm trung, thậm chí có thể nói là cận cao cấp trở lên. Mức giá thấp nhất là 7,9 triệu đồng trong khi mức giá cao nhất là 18,5 triệu đồng. Mức giá mà hãng đưa ra cao hơn từ 1 đến 2 triệu đồng so với mức giá mà các nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam kì vọng trước đây.

Vốn dĩ Asus được biết đến là một thương hiệu mạnh ở phân khúc smartphone phổ thông (tầm trung và thấp). Dòng sản phẩm Zenfone chủ lực chủ lực của hãng được người dùng yêu thích vì sở hữu một cấu hình mạnh mẽ và một mức giá cực tốt. Họ đánh đúng vào tâm lý của khách hàng, đúng thời điểm của việc chuyển giao từ điện thoại phổ thông lên điện thoại thông minh.

Theo thống kê của IDC quý II/2015, Asus là leo lên vị trí thứ 2 về doanh số smartphone bán ra tại Việt Nam. Họ đã có bứt phá mạnh mẽ khi thị phần tăng 14% từ con số 3% của quý trước đó.

Thống kê từ GFK, trong năm 2015, Asus đang nắm giữ 4,9% thị phần smartphone Việt Nam. Chỉ đứng sau Samsung, Oppo, Sony và Microsoft. Asus đã có những bước tiến thần tốc và đầy kỳ diệu cho một thương hiệu điện thoại non trẻ. Hãng này đánh bại các ông lớn khác xâm nhập thị trường Việt từ rất sớm.

Tuy nhiên, việc tung ra thị trường những chiếc smartphone có giá cao ngất ngưởng khi so với tổng thể smartphone mà hãng này sản xuất từ trước đến nay, Asus đang đã đặt ra cho mình một tham vọng rất lớn - tham vọng đánh chiếm vào phân khúc cao hơn, qua đó tái định vị thương hiệu của hãng.

Asus đang nóng vội hay chỉ là thăm dò thị trường?

Động thái mới của Asus đang khiến cho nhiều người dùng đầy bất ngờ. Phải chăng, Asus đang quá nóng vội trước những thành tựu đã đạt được để nâng tầm thương hiệu mình? Hay chỉ là động thái thăm dò thị trường, thị hiếu của người dùng hiện nay trước khi quyết định "đánh chiếm"?

Nếu nói nóng vội, thì cũng đúng! Việc thay đổi chiến lược sản phẩm và tái định vị thương hiệu là một điều rất quan trọng trong quá trình phát triển của một thương hiệu. Nhưng nếu nói riêng với Asus, đó là một bước đi được xem là quá nóng vội. Bởi thương hiệu smartphone Asus chỉ mới gần 2 năm tuổi và chỉ mới thành công với loạt sản phẩm giá rẻ trong năm 2014 và 2015. Trong khi đó, các thương hiệu khác khi tái định vị mình cũng phải mất một thời gian rất dài, chứ không vỏn vẹn chỉ vài năm tuổi.

Thống kê từ GFK
Thống kê từ GFK

Trong một thống kê mới tính đến tháng 5/2016, Asus đã có sự giảm sút đáng kể, từ con số 4,9% thị phần thì nay chỉ còn giữ ở mức 2,5%. Samsung và Oppo tiếp tục mở rộng thị phần của mình và đang đứng đầu bảng xếp hạng.

Thống kê từ các nhà bán lẻ tại Việt Nam, gồm Thế giới Di động, FPT Shop trong nửa đầu năm 2016, không có bất kỳ một sản phẩm nào của Asus lọt vào top 10 sản phẩm bán chạy và có doanh thu tốt nhất. Hầu hết các sản phẩm này đều đến từ Samsung, Apple và Oppo.

Ở một khía cạnh khác, nhiều người dùng rất mong chờ vào sản phẩm Zenfone 3 nhờ lối thiết kế hoàn toàn mới, cấu hình mạnh. Hầu hết họ luôn mong chờ và háo hức để chờ đón những mức giá cực kỳ hợp lý mà Asus mang đến. Tuy nhiên, Asus đã gây ra cho người tiêu dùng sự hụt hẫng lớn. Việc thay đổi chiến lược của hãng, ít gì cũng sẽ mất đi một phân khúc khách hàng trọng tâm, những khách hàng đang mua và sử dụng các sản phẩm cấu hình mạnh với mức giá phải chăng.

Việc giữ được thị phần và khách hàng đang nắm giữ đã khó như vậy thì việc tái định vị thương hiệu còn gian truân gấp nhiều lần. Để đạt được điều này, Asus sẽ phải làm rất nhiều và rất nhiều trong các kế hoạch marketing của mình.

Asus cần chiến lược sản phẩm phù hợp, chiến lược marketing hiệu quả và đi đôi với đó là chiến lược quảng bá thương hiệu hiệu quả hơn.

Trước mắt, để theo đuổi chiến lược mới, Asus sẽ phải chấp nhận lỗ dài và để đến thành công cần một quá trình rất dài, không thể ngày một ngày hai được. Dù sao, đây cũng là bước đi đầu tiên để bước ra khỏi cái mác "giá rẻ, cấu hình khỏe".

Còn nếu đây là động thái thăm dò thị trường như các hãng vẫn hay làm, thì Asus ít nhất đã thành công trong việc tạo một tiếng vang nhỏ về tham vọng của mình. Tuy nhiên, để có thành công hay không, thì cần xem phản ứng của thị trường, của khách hàng đón nhận được đến đâu trong thời gian tiếp theo.

Gia Hưng