Apple xác nhận sẽ làm điều chưa từng có trong lịch sử iPhone

T.Thủy

(Dân trí) - Lần đầu tiên trong lịch sử, người dùng iPhone có thể cài đặt ứng dụng từ các kho ứng dụng bên ngoài, thay vì chỉ được phép cài đặt thông qua App Store như trước đây.

Sau nhiều thông tin bị rò rỉ, Apple đã chính thức xác nhận sẽ cho phép người dùng iPhone cài đặt ứng dụng từ các kho ứng dụng bên thứ 3. Đây là sự thay đổi lớn nhất kể từ thời điểm Apple ra mắt iPhone phiên bản đầu tiên vào năm 2007 và kho ứng dụng App Store dành cho nền tảng iOS vào 2008.

Tuy nhiên, sự thay đổi này hiện chỉ có hiệu lực với người dùng tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Sở dĩ Apple áp dụng sự thay đổi này nhằm tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) tại EU, sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 3 tới đây.

Lần đầu tiên trong lịch sử, người dùng iPhone sẽ được phép cài đặt ứng dụng từ bên ngoài mà không cần thông qua App Store (Ảnh minh họa: Pinterest).

Lần đầu tiên trong lịch sử, người dùng iPhone sẽ được phép cài đặt ứng dụng từ bên ngoài mà không cần thông qua App Store (Ảnh minh họa: Pinterest).

Theo đó, đạo luật chống độc quyền trên thị trường kỹ thuật số buộc Apple phải cho phép người dùng tại EU cài đặt ứng dụng trên iPhone từ bên ngoài, thay vì độc quyền kho ứng dụng App Store.

Đạo luật này cũng buộc Apple phải cho phép các nhà phát triển ứng dụng tích hợp nền tảng thanh toán của riêng họ khi người dùng mua đồ trong ứng dụng, thay vì phải sử dụng nền tảng thanh toán của Apple (mà Apple sẽ được giữ lại 30% tiền phí giao dịch của người dùng).

Sự thay đổi này sẽ chính thức được trang bị cho người dùng iPhone tại các quốc gia EU với bản cập nhật iOS 17.4 được Apple phát hành vào tháng 3 tới đây.

Sau khi nâng cấp lên phiên bản iOS 17.4, người dùng iPhone tại EU có thể download các kho ứng dụng do bên thứ 3 phát triển, sau đó cài đặt trực tiếp các ứng dụng từ kho đó mà không cần thông qua App Store. Người dùng có thể cài đặt cả những ứng dụng vi phạm nguyên tắc của App Store.

Đáng chú ý, các kho ứng dụng bên thứ 3 phải được Apple phê duyệt để có thể hoạt động trên iPhone. Ngoài ra, người dùng cũng cần phải cấp quyền cho kho ứng dụng do bên thứ 3 phát triển để có thể cài đặt ứng dụng từ đó lên iPhone của mình.

Các nhà phát triển ứng dụng có thể chọn để tiếp tục dùng dịch vụ thanh toán và mua hàng trong ứng dụng của Apple, hoặc tích hợp hệ thống thanh toán của bên thứ 3 vào ứng dụng của mình. Nếu nhà phát triển tiếp dụng dùng hệ thống thanh toán sẵn có trong ứng dụng của Apple, họ sẽ phải trả thêm cho Apple 3% phí xử lý, ngay cả khi ứng dụng không phát hành trên App Store.

Tuy nhiên, nếu dùng dịch vụ thanh toán bên thứ 3, Apple vẫn sẽ thu phí 17% tổng các giao dịch và mua bán trong ứng dụng.

Apple cũng dự định thu thêm một loại phí mới từ các nhà phát triển ứng dụng nếu họ phát hành sản phẩm thông qua kho ứng dụng bên thứ 3. Loại phí này có tên gọi "phí công nghệ cốt lõi", sẽ yêu cầu các nhà phát triển nộp 0,5 euro cho mỗi lượt cài đặt ứng dụng. Tuy nhiên, mức phí này sẽ chỉ có hiệu lực khi ứng dụng có hơn 1 triệu lượt cài đặt hàng năm tại các quốc gia thuộc EU.

Dường như việc áp dụng các mức phí mới của Apple nhằm lôi kéo các nhà phát triển ứng dụng tiếp tục phát hành sản phẩm của mình trên App Store, thay vì tung ra sản phẩm thông qua các kho ứng dụng bên ngoài.

Apple cho biết vẫn sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ quá trình phân phối ứng dụng đến với người dùng iPhone tại EU, ngay cả khi thông qua các kho ứng dụng bên thứ 3, điều này giúp đảm bảo tính bảo mật và an toàn cho người dùng iPhone. Các ứng dụng dù được phát hành qua kho ứng dụng bên thứ 3 vẫn phải tuân thủ một số yêu cầu cơ bản của nền tảng iOS và phải được kiểm tra kỹ để chống mã độc.

Đáng chú ý, ngoài châu Âu, nhiều quốc gia cũng muốn thông qua luật chống độc quyền và ép buộc Apple phải cho phép người dùng iPhone cài đặt ứng dụng từ bên ngoài.

Vào tháng 12/2023, nhiều nguồn tin cho biết Nhật Bản cũng đang chuẩn bị thông qua luật chống độc quyền của riêng mình, buộc Apple phải cho phép người dùng iPhone cài đặt ứng dụng từ bên ngoài và chấp thuận các nền tảng thanh toán khác nhau trên ứng dụng, thay vì độc quyền dùng nền tảng của Apple.

Bộ tư pháp Mỹ cũng được cho là sẵn sàng ép buộc Apple phải thực hiện động thái tương tự trên iPhone và iPad bán ra tại Mỹ.

Nếu bị quá nhiều quốc gia ép buộc, nhiều khả năng Apple sẽ mở cửa để người dùng iPhone, iPad có thể tải và cài đặt các ứng dụng từ bên ngoài, thay vì tùy chỉnh tính năng này cho từng quốc gia riêng biệt.

Dĩ nhiên, việc người dùng có thể tự cài đặt ứng dụng bên ngoài, thay vì thông qua App Store, sẽ khiến họ phải đối mặt với nguy cơ bảo mật khi có thể cài nhầm các ứng dụng có chứa mã độc, khiến iPhone bị xâm nhập và tấn công.

Theo TheVerge/DTrends

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm